Hưng Yên xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP

Đăng ngày 01 - 11 - 2021
100%

Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cây có múi nói riêng, thời gian tới tỉnh Hưng Yên sẽ thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó hỗ trợ mở rộng chứng nhận Vietgap, VietGaHP…

Ngày 28/10, tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP năm 2021.

Hội nghị có sự tham dự của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà vườn, hợp tác xã tỉnh Hưng Yên và các tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành, doanh nghiệp ở 11 điểm cầu: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh, Lạng Sơn và tỉnh Hưng Yên.

Tỉnh Hưng Yên có khoảng 15.000 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt 236.492 tấn; trong đó, diện tích có múi hơn 4.250 ha; sản lượng năm nay ước khoảng 65.000 tấn, gồm: 2.100 ha cây cam, hơn 2.000 ha bưởi, còn lại là chanh, quất... Cây ăn quả có múi chủ yếu là cam Hưng Yên, cam V2, quýt Đường Canh, bưởi Phú Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Hoàng Trạch, được trồng nhiều tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.

Nông dân tỉnh Hưng Yên đã áp dụng khá đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Toàn tỉnh có hơn 1.000 ha cây có múi, sản lượng khoảng hơn 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh Hưng Yên có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả có múi hiệu quả, như: Mô hình liên kết sản xuất trồng cam của nông dân xã Đồng Thanh, huyện Kim Động; xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên; xã Tam Đa, huyện Phù Cừ cho năng suất trung bình khoảng 27-30 tấn quả/ha/ năm, giá trị thu được trên 1 ha canh tác từ 600-750 triệu đồng/ năm, trừ chi phí cho lãi khoảng 250 triệu đồng-300 triệu đồng.

Mô hình liên kết trồng chanh của nông dân xã Tân Dân, huyện Khoái Châu với hệ thống siêu thị Sói Biển - Hà Nội, hằng năm cung cấp khoảng 100 tấn quả cho siêu thị, giá trị thu được trên 1 ha canh tác từ 700-800 triệu đồng, thu lãi từ 300-350 triệu đồng. Mô hình ứng dụng công nghệ ghép quả trên cây có múi để sản xuất cây cam, bưởi cảnh tại  huyện Văn Giang, Khoái Châu cho thu nhập từ 800-1.200 triệu đồng/ha...

Hưng Yên xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP -0 

Nông dân xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên thu hoạch cam.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm cây có múi của Hưng Yên chủ yếu là ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, chiếm 98 -99% tổng sản lượng quả. Hiện tỉnh có 139 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Một số sản phẩm đã được xuất khẩu như: Nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc; bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, huyện Khoái Châu sang một số nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Trung Đông...

Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cây có múi nói riêng, thời gian tới tỉnh Hưng Yên sẽ thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó: hỗ trợ mở rộng chứng nhận Vietgap, VietGaHP… Hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường; phát triển các mô hình liên kết hợp tác, mô hình chuỗi… Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà vườn tham gia các hội chợ, triển lãm thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu; kết nối các tour, tuyến du lịch đến với các điểm giới thiệu sản phẩm.

Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông sản của tỉnh, tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng, mở rộng kênh phân phối. Đẩy mạnh việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử; duy trì tốt các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn , siêu thị.

Tại buổi xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và một số doanh nghiệp, hợp tác xã… đã nêu bật chất lượng nông sản, sản phẩm cây có múi của tỉnh Hưng Yên. Đồng thời,  nhấn mạnh xu hướng và hiệu quả kinh doanh, mua bán nông sản, quảng bá, xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử; nhất là việc quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

Tại buổi xúc tiến thương mại, một số hợp tác xã  ở tỉnh Hưng Yên đã ký kết với doanh nghiệp trong nước tiêu thụ nông sản cây có múi trong vụ thu hoạch cam, bưởi… năm nay. 

Tin mới nhất

Hội nghị học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và nội dung cốt lõi một số...(28/03/2024 8:15 SA)

Gặp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)(27/03/2024 7:58 SA)

Hội nghị gặp mặt cán bộ hưu trí ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên đầu năm 2024(20/03/2024 6:49 SA)

Gặp mặt đầu xuân Giáp thìn – 2024 của công chức, người lao động Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên(15/02/2024 10:57 SA)

Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động và giao Kế hoạch Nhà nước năm 2024(06/02/2024 2:46 CH)

Tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn tháng 01 năm 2024(01/02/2024 4:17 CH)

Hội nghị quán triệt, học tập, nghiên cứu Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo...(19/01/2024 8:09 SA)

Hội nghị Tổng kết công tác sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn năm...(11/01/2024 12:30 CH)

°
75 người đang online