Nông nghiệp Hưng Yên đột phá chất lượng, giá trị

Trong 5 năm qua, Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: Trong 5 năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều loại nông sản, từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại và an toàn; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

Những nỗ lực của tỉnh Hưng Yên trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 5 năm qua (2016-2020) đã đem lại nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 ước đạt 12.803 tỷ đồng, tăng 1,14 lần so với năm 2015 (giá trị sản xuất năm 2015 là 11.253 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,68%/năm. Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực.

Giai đoạn 2016-2020, Hưng Yên đã chuyển đổi được khoảng 9.700ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: HG

Giai đoạn 2016-2020, Hưng Yên đã chuyển đổi được khoảng 9.700ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: HG

Trong đó, về trồng trọt, tỉnh đã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, đã chuyển đổi khoảng 9.700ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Xây dựng gần 500 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị (giai đoạn 2011-2015: 232 mô hình); Xây dựng 1.897 ha sản xuất VietGAP cho rau màu, cây ăn quả; công nhận được 54 sản phẩm OCOP,...; Diện tích lúa chất lượng cao trên 70%, sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt trên 400 nghìn tấn (tăng trên 15% so với năm 2015); Cây ăn quả phát triển mạnh về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị. Năm 2020 ước đạt 14.070 ha, tăng 66,19% so với năm 2015; trong đó nhãn 4.845 ha tăng 50,18 %; vải 1.428 ha, tăng 318,04%; cây có múi 3.600 ha tăng 74,7%; chuối 2.510 ha, tăng 36,8%.

Với chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, Hưng Yên cũng đã thu hút được trên 200 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng.

Cùng đó, chăn nuôi dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung theo mô hình VietGAHP; từng bước chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án phát triển chăn nuôi chất lượng cao, an toàn sinh học; đã xây dựng được 04 vùng GAHP và xây dựng được 50,45ha chăn nuôi theo VietGAHP.

Cơ cấu vật nuôi có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, sản lượng đàn lợn 88.810 tấn, trâu bò 4.270 tấn (tăng 42,4% so với năm 2015), tỷ lệ đàn lợn nạc đạt 100%, tỷ lệ bò lai chất lượng cao đạt 40 - 45%, tỷ lệ  gà lông mầu đạt trên 90% (trong đó gà Đông Tảo và Đông Tảo lai đạt 35 - 40% tổng đàn).

Cũng theo ông Tuân, thủy sản của Hưng Yên dù không phải là thế mạnh nhưng cũng đã từng bước phát triển ổn định, sản lượng nuôi thủy sản năm 2020 ước đạt 45 nghìn tấn, tăng 30,3% so với năm 2015; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo HTX, doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro. Phát triển công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh” và nuôi lồng bè trên sông, nuôi cá trên ao bán nổi với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như chép lai V1, cá lăng, cá diêu hồng, trắm đen,...

Chăn nuôi đã dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGAHP. Ảnh: HG

Chăn nuôi đã dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGAHP. Ảnh: HG

Hưng Yên cũng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Các ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn phát triển khá; kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô; đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 320 hợp tác xã nông nghiệp, 476 tổ hợp tác, 680 mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động.

Từ sự phát triển mạnh về sản lượng, chất lượng và giá trị, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hưng Yên đã đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu đồng/người/năm so với năm 2015...

https://nongnghiep.vn