29/05/2017 | lượt xem: 2 Báo cáo sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Hướng dẫn số 84/HD-SNN ngày 2/12/2014 về Hướng dẫn tổ chức đại hội thành viên HTX nông nghiệp gắn với chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các HTX nông nghiệp thực hiện rà soát, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI LUẬT HTX NĂM 2012 1. Tình hình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 Thực hiện Luật HTX năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật HTX, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 10/9/2015 về đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 07/9/2015 về “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020”, nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX; xây dựng và phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Hướng dẫn số 84/HD-SNN ngày 2/12/2014 về Hướng dẫn tổ chức đại hội thành viên HTX nông nghiệp gắn với chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các HTX nông nghiệp thực hiện rà soát, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. 2. Công tác triển khai thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn a) Tình hình triển khai hướng dẫn và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác xã (HTX) Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên,...), Ban biên tập trang thông tin điện tử ngành Nông nghiệp và PTNT, phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) các huyện, thành phố tích cực thực hiện các tin, bài, phóng sự, ... tuyên truyền, phổ biến nội dung về Luật HTX năm 2012, Nghị định 193/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 893/Ctr-UBND ngày 10/5/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên và các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, cán bộ quản lý HTX, các thành viên HTX và các hộ nông dân biết và thực hiện theo Luật. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao Chi cục Phát triển nông thôn tổng hợp, biên soạn và phát hành 02 bộ tài liệu về Luật hợp tác xã và các vấn đề liên quan đến HTX gồm: “Các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu về hợp tác xã” và “Hỏi đáp về Hợp tác xã và tổ hợp tác”; đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) các huyện, thành phố tổ chức 32 lớp tập huấn phổ biến Luật Hợp tác xã 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 07/9/2015 của UBND tỉnh Hưng Yên về đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020”, Hội nghị “Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp gắn với củng cố hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020”. Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. b) Tình hình tổ chức và hướng dẫn đăng ký hợp tác xã theo Luật: Ngay khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, phổ biến Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế hợp tác tại các huyện, thành phố, cán bộ quản lý các hợp tác xã và một số thành viên tiêu biểu của các hợp tác xã nhằm hướng dẫn về quy trình, trình tự tổ chức lại hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã; hướng dẫn các mẫu thủ tục để xây dựng hồ sơ đề nghị tổ chức lại hoạt động và thành lập mới HTX như Nghị quyết, Điều lệ HTX, Phương án sản xuất, kinh doanh, danh sách thành viên, … theo quy định. c) Tình hình tổ chức lại hoạt động của HTX (tình hình đăng ký lại HTX theo Luật HTX 2012, tình hình chuyển đổi HTX sang loại hình tổ chức khác, tình hình giải thể, sáp nhập HTX) Theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012, toàn tỉnh có 169 HTX phải tổ chức lại hoạt động, kết quả tổ chức lại hoạt động của các HTX như sau: - Có 156 HTX đăng ký hoạt động theo Luật 2003 đã đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đạt 92,3%. - Có 03 HTX quy mô thôn (thôn Thị Giang, thôn Sỹ Đồng, thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ) hợp nhất thành 1 HTX có quy mô toàn xã, chiếm 1,8%. - Có 02 HTX giải thể (HTX Phương Độ và HTX Nam Dương, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên), chiếm 1,2%. - Có 08 HTX không tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 (HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tiền Phong, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Vân, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Quang, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Bắc Sơn, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Trúc, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hồ Tùng Mậu, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quang Vinh, HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi), chiếm 4,7%. d) Tình hình cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX cho thành viên: Các hợp tác xã sau khi tổ chức lại hoạt động bước đầu đã thực hiện được vai trò định hướng sản xuất cho các thành viên tham gia HTX thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, phân bón và tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như một số HTX: HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Bằng, Chính Nghĩa, Hùng An, Vĩnh Xá, Đức Hợp, Phú Thịnh... huyện Kim Động đã nhạy bén đưa thêm các dịch vụ khác ngoài các dịch vụ thông thường như cung ứng giống, vật tư, phân bón, cung cấp các dịch vụ thu hoạch nông sản, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra như rau, củ, quả cho các thành viên và hộ nông dân trên địa bàn; Các HTX xã Nhật Tân, HTX xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ đã ký các hợp đồng liên kết sản xuất cung ứng giống cho tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình sản xuất các giống lúa Khang Dân18, TBR45, TBR225... ; HTX dịch vụ tổng hợp xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm ký hợp đồng với công ty phân bón, thuốc BVTV để cung cấp cho người dân với giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, ký hợp đồng sản xuất - tiêu thụ lúa cho thành viên và người dân trên địa bàn; HTX dịch vụ nông nghiệp xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ đã đứng ra liên kết với các công ty, doanh nghiệp giúp các hộ nông dân bao tiêu sản phẩm rau sạch, bình quân mỗi ngày HTX tổ chức thu gom, sơ chế 01 tấn sản phẩm (rau, củ, quả) an toàn cung cấp ra thị trường… 3. Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể: - UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp; Chi cục PTNT (có phòng chuyên môn là phòng Kinh tế hợp tác xã - trang trại) là cơ quan chuyên môn thuộc sở được giao nhiệm vụ tham mưu giúp sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện công tác quản lý nhà nước về HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp; các phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) ở cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách lĩnh vực kinh tế hợp tác giúp tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác lĩnh vực nông nghiệp. - Hàng năm tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo thực trạng tình hình phát triển kinh tế hợp tác xã, tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định. 4. Tình hình phát triển HTX nông nghiệp kể từ khi Luật HTX có hiệu lực thi hành (01/7/2013-31/12/2016) a) Đánh giá chung về tình hình phát triển HTX - Về số lượng HTX nông nghiệp Đến thời điểm 31/12/2016, toàn tỉnh có 173 HTX nông nghiệp (tăng 09 HTX so với thời điểm 01/7/2013), trong đó có 16 HTX thành lập mới chiếm 9,2%. - Về thành viên Tổng số thành viên của 173 HTX là 7.923 thành viên giảm 2.253 thành viên so với cùng thời điểm năm 2013; bình quân 46 thành viên/HTX; số lao động mới tham gia HTX đạt trên 100 người. - Hiệu quả hoạt động của HTX + Về vốn hoạt động: Tổng vốn điều lệ là 42.560 triệu đồng (tăng 36.960 triệu đồng so với năm 2013). + Tổng doanh thu của HTX đạt 116.080 tỷ đồng (tăng 3,7% so với năm 2013); tổng lợi nhuận đạt 7.093 triệu đồng, các HTX đều có lãi. + Thu nhập bình quân của cán bộ, thành viên được trả lương từ HTX khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. - Số lượng cán bộ quản lý HTX Tổng số cán bộ của HTX là 711 người, trong đó: số cán bộ có trình độ đại học, trên đại học có 55 người, chiếm 7,74%; trình độ cao đẳng, trung cấp có 177 người, chiếm 24,89%; trình độ sơ cấp có 235 người, chiếm 33,05%, trình độ phổ thông có 244 người, chiếm 34,32%. Số cán bộ HTX được hỗ trợ bảo hiểm xã hội là 233 người. Đa số cán bộ quản lý, điều hành của các HTXDVNN tuổi đã cao; hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, việc tổ chức hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. b) Đánh giá kết quả phát triển hợp tác xã nông nghiệp - Các hợp tác xã đã tổ chức hoạt động các khâu dịch vụ thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, những công việc từng hộ nông dân không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả, như: dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp,... Một số HTX đã mở thêm hoạt động dịch vụ, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của HTX và của các xã viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. - Một số HTX mới được thành lập bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về kinh tế hợp tác và HTX trong sản xuất nông nghiệp; thực sự là chỗ dựa cho các xã viên, thực hiện được vai trò định hướng sản xuất cho các thành viên tham gia HTX thông qua việc cung ứng giống, vật tư, phân bón và tiêu thụ sản phẩm...Điển hình như HTX thủy sản Hạ Lễ được thành lập mới từ tháng 02/2015, tại xã Hạ Lễ - huyện Ân Thi, ngành nghề kinh doanh chính là nuôi thủy sản; HTX có 17 thành viên tham gia, tổng số vốn góp là 120 triệu đồng, quy mô sản xuất 19 ha; năm 2016, các hộ thành viên đạt tổng doanh thu là 10,73 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 2,5 tỷ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên của HTX. HTX rau sạch và thương mại Phú thịnh được thành lập mới từ tháng 10/2015, tại thôn Trung Hòa - xã Phú Thịnh - huyện Kim Động, ngành nghề chính là sản xuất rau sạch; HTX có 07 thành viên tham gia, tổng số vốn góp là 3 tỷ đồng, quy mô sản xuất 05 ha; năm 2016 HTX đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng. - Do nhu cầu đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời, do nhu cầu thực tiễn của phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành đã được thành lập và có xu hướng tăng nhanh (năm 2014 thành lập mới được 4 HTX, năm 2015 thành lập mới được 4 HTX, năm 2016 thành lập mới 8 HTX) c) Tồn tại khó khăn - Tồn tại, hạn chế + Về việc thực hiện luật, cơ chế, chính sách: việc triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 còn chậm do nhận thức về bản chất, nguyên tắc và giá trị của HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 của một số cán bộ, thành viên HTX và một số cán bộ quản lý các cấp, các ngành chưa đầy đủ, thống nhất; một vài nơi, chính quyền còn can thiệp sâu vào tổ chức hoạt động của HTX; ngược lại, có nơi không quan tâm đến sự phát triển của HTX. + Về tổ chức bộ máy hợp tác xã, năng lực cán bộ: năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu kém về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, phần lớn các HTX không có khả năng tích luỹ để tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn; tư tưởng một số cán bộ HTX còn trông chờ, ỷ lại, thiếu sự năng động, sáng tạo, tích cực để chủ động xây dựng HTX phát triển theo đúng tiến trình phát triển của HTX, THT. + Vướng mắc trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể: công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn có những bất cập, chưa phân định rõ ràng chức năng nhiệm vụ về quản lý nhà nước về kinh tế tập thể của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể nhân dân chưa được phát huy; ở cấp huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) chưa có đủ số lượng cán bộ để tham mưu chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế tập thể. - Nguyên nhân + Công tác tuyên truyền phổ biến Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành tuy đã được thực hiện nhưng chưa thay đổi được nhận thức của một bộ phận thành viên và người dân về bản chất, giá trị của HTX kiểu mới. + Cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển HTX; một bộ phận lớn cán bộ HTX có sức ỳ lớn, an phận thủ thường; thiếu sự năng động, sáng tạo, chưa thật tâm huyết, nhiệt tình trong việc suy nghĩ tìm tòi để đưa HTX phát triển, lớn mạnh. + Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác chưa thực sự đủ mạnh và còn nhiều bất cập, chưa tạo cơ chế thúc đẩy các THT, HTX phát triển. Việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách còn khó khăn do thủ tục pháp lý phức tạp, có nhiều điều kiện ràng buộc khi vay vốn, thời gian vay vốn ngắn, định mức vốn vay thấp,... + Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, mang nặng tính tự phát; sự hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển từ phía nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển HTX còn nhỏ lẻ, chưa mạnh mẽ. 5. Các giải pháp nhằm đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp a) Công tác tuyên truyền, phổ biến, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước: - Tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành để cán bộ, nhân dân hiểu rõ về bản chất của HTX, vị trí, vai trò của HTX, cách thức tổ chức HTX, để mọi người tích cực tham gia xây dựng HTX và giám sát thực hiện Luật HTX. - Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác. - Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, cán bộ và thành viên của HTX, THT đổi mới nội dung và phương thức thực hiện; tổ chức các đoàn tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. - Tuyên truyền, phổ biến các mô hình điển hình về kinh tế HTX, THT trên địa bàn tỉnh. b) Công tác xây dựng cơ chế chính sách: - Coi trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành đối với cán bộ quản lý và thành viên HTX, THT; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, thành viên trẻ tuổi, năng động tham gia công tác quản lý, điều hành,.. để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong đó ưu tiên đào tạo nâng cao năng lực, khả năng áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các thành viên của các HTX, THT. - Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào (đất đai, lao động, vốn,...) hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất nông sản. - Hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động sản xuất - kinh doanh như: nhà kho, xưởng sơ chế, bảo quản, đường giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, các dịch vụ cơ khí, vận tải ở nông thôn... góp phần tăng doanh thu cho HTX, tăng thu nhập cho thành viên, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. - Xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất, dồn thửa đổi ruộng để có những vùng chuyên canh về trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản lớn; đồng thời, tăng cường hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giúp sản xuất ổn định, bền vững; phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào mô hình liên kết đa dạng, đảm bảo chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. - Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng xúc tiến thương mại cho cán bộ, thành viên HTX, THT lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để HTX tham gia các triển lãm trong nước; tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa của HTX; c) Khuyến khích thành lập mới các hợp tác xã và xây dựng một số mô hình hợp tác xã kiểu mới: - Khuyến khích thành lập mới các THT, HTX trong nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất, nhất là những nơi chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho thành viên và các hộ nông dân trên địa bàn, nhất là các HTX được thành lập trên cơ sở các THT, câu lạc bộ, hiệp hội; hỗ trợ các THT phát triển thành HTX khi đủ điều kiện. - Hỗ trợ xây dựng một số mô hình HTX “kiểu mới” theo hướng ưu tiên các hoạt động dịch vụ tổng hợp quy mô toàn xã, hoạt động hiệu quả hoặc HTX chuyên ngành sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn các huyện, thành phố để tham quan, trao đổi kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng. d) Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước: - Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác trong ngành nông nghiệp, bố trí bộ phận, cán bộ chuyên trách theo dõi HTX ở cấp huyện và cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ THT và HTX về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. - Chủ động rà soát, ban hành, bổ sung, xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển HTX; có biện pháp lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác trong các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế hợp tác. II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP 1. Công tác triển khai chính sách - Về thông tin, tuyên truyền, phổ biến: Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật và phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã thông qua các chương trình phối hợp với các cơ quan truyền thông (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên,...), Ban biên tập trang thông tin điện tử ngành Nông nghiệp và PTNT, phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) các huyện, thành phố thực hiện các tin, bài, phóng sự, ... thông tin, tuyên truyền nội dung về Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, thành viên HTX, THT nông nghiệp về nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh... - Về ban hành các văn bản hướng dẫn: Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho HTX, thành viên HTX và các hộ nông dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh, phát triển sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 06/9/2016 quy định trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hai do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đồng thời, liên ngành Nông nghiệp và PTNT - Tài chính đã ban hành các hướng dẫn liên ngành nhằm hỗ trợ cho các hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ được thuận lợi, hiệu quả. 2. Kết quả thực hiện chính sách - Chính sách đạo tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Trong 3 năm (2013-2016), Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) các huyện, thành phố tổ chức 32 lớp tập huấn cho khoảng 4.700 lượt học viên là cán bộ quản lý hợp tác xã, đại diện một số thành viên HTX nông nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã cấp huyện. Nội dung tập huấn chủ yếu theo chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, THT nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Qua các lớp tập huấn đã giúp các HTX thực hiện theo đúng bản chất, nguyên tắc và những quy định của pháp luật hiện hành về HTX. - Chính sách thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã: Năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ cho 50 HTX nông nghiệp chuyển đổi hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012, mức hỗ trợ tối đa 20.000.000đ/HTX; các HTX được tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012, được hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ tốt hơn công tác quản lý, điều hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã như: máy tính, máy in, bàn làm việc, tủ đựng tài liệu,.. - Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ gần 1,16 tỷ đồng cho 04 HTX thực hiện sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh; mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý, điều hành và sản xuất của HTX. - Chính sách hỗ trợ giống, vốn khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh: Trong giai đoạn (2014-2016), trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chịu một số thiệt hại do thiên tai, như: bão số 3 năm 2014; bão số 1 và mưa lũ sau bão số 2 năm 2016. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã cấp kinh phí hỗ trợ (trực tiếp cho hộ nông dân bị thiệt hại không thông qua hợp tác xã) cho 25.451 hộ dân của 07 huyện, thành phố (gồm huyện Khoái Châu, huyện Ân Thi, huyện Phù Cừ, huyện Yên Mỹ, huyện Kim Động, huyện Mỹ Hào, TP. Hưng Yên; 02 huyện Tiên Lữ và Văn Giang); diện tích bị thiệt hại đối với cây hàng năm: 2.380,8 ha; cây lâu năm: 3.182,8 ha; diện tích nuôi thủy sản: 15,3 ha; gia cầm: 43.188 con, gia súc: 138 con; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: 10 tỷ đồng. - Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Nhằm giúp HTX tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ 03 HTX đăng ký chứng nhận VietGAP (gồm: HXT rau sạch Phú Thịnh 5 ha, HTX nhãn Miền Thiết 10 ha, HTX nuôi trồng thủy sản Hòa Phong 6,5 ha); hỗ trợ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP cho mô hình rau HTX DVNN xã Trung Nghĩa 13,5 ha; hỗ trợ cho đại diện của 03 HTX tham gia hội chợ triển lãm (HTX nhãn lồng Khoái Châu, HTX nhãn lồng Hưng Yên, HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo). Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT giao các cơ quan chuyên môn, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) các huyện, thành phố hướng dẫn, tư vấn xây dựng hợp đồng liên kết cho các hộ nông dân, các hợp tác xã; hỗ trợ một phần vật tư đầu vào (giống, phân bón, …) phục vụ cho sản xuất các sản phẩm liên kết; hỗ trợ đào tạo, tập huấn quy trình sản xuất đảm bảo theo yêu cầu doanh nghiệp liên kết. 3. Đánh giá chung Sau khi Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu lực thi hành, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã được ban hành, đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng đối với thành viên trong việc cung cấp vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), dịch vụ nông nghiệp (thủy lợi, chuyển giao TBKT, làm đất…), tổ chức cho các hộ nông dân sản xuất theo quy trình chung và thực hiện hỗ trợ, bán chung các sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân trên địa bàn. Một số mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, giúp thành viên tổ chức sản xuất và cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong thời gian qua còn có nhiều hạn chế, mặc dù nhiều chính sách mới ưu đãi, hỗ trợ đổi mới, phát triển hợp tác xã nhưng kinh phí hỗ trợ bố trí rất ít hoặc chưa được bố trí; chưa đồng đều giữa các khâu sản xuất- sơ chế, chế biến- tiêu thụ; chưa có nhiều hỗ trợ trực tiếp cho hợp tác xã; chính sách về hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã có nhưng số hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp còn rất ít do hoạt động của hợp tác xã yếu kém khó thực hiện được hợp đồng liên kết; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã về vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật,… còn phức tạp, rườm rà về thủ tục. Chi tiết như tệp đính kèm:bc81.signed.pdf Chi cục PTNT
Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng và thông tin tình hình biển, đảo Việt Nam
Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thao công nhân, viên chức, lao động năm 2024
Hội nghị học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và nội dung cốt lõi một số tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng