26/01/2024 | lượt xem: 3 Chủ động các biện pháp phòng chống rét bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân năm 2024 Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh và gây rét đậm, rét hại trên diện rộng vào 10 ngày cuối của tháng 01 và trong tháng 02 năm 2024 (vào đúng thời điểm gieo, cấy lúa vụ Xuân). Để chủ động các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2024. Thực hiện Công điện số 195/CĐ-UBND ngày 24/01/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt một số nội dung sau: 1. Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Tiếp tục triển khai hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm theo tinh thần công văn số 1912/SNN-CN ngày 29/11/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT, cụ thể như sau: - Về chuồng trại chăn nuôi: + Cần gia cố chuồng trại cho phù hợp để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ hoặc trấu khô. Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng để gia súc tăng khả năng chống rét; + Có thể sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi… - Chế độ làm việc và chăn thả: + Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thông báo của cơ quan chính quyền địa phương để có kế hoạch cụ thể cho gia súc; + Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống dưới 12oC); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non; do vậy, khi rét đậm, rét hại phải nhốt gia súc tại chuồng để tiện chăm sóc, quản lý và không tắm cho gia súc; - Chăm sóc và nuôi dưỡng: Chủ động dự trữ, bảo quản nguồn thức ăn thô xanh (phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua thức ăn thô xanh) nhằm đảm bảo cung cấp đủ thức ăn trong những ngày giá, rét . - Đối với trâu, bò: + Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh; + Sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ ure…) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể (ví dụ: trâu bò 300kg, cho ăn 30 kg cỏ xanh, cỏ ủ…); đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo…( khoảng 0.5-1kg/con/ngày). Trong những ngày giá rét, cần phải đảm bảo cho trâu bò uống đủ nước, nên cho trâu bò uống nước ấm có hòa muối với lượng 5g/100 kg thể trọng; + Ngoài ra, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò ( thân cây ngô, cỏ voi…) với lượng 7-10kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa; - Đối với lợn: Khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi); bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn; cần sử dụng bóng úm, chuồng úm cho lợn con theo mẹ; cho lợn con tập ăn sớm để tăng khả năng tiêu hóa. - Đối với gia cầm: Có thể tăng lượng thức ăn cho gà, cho gia cầm uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải, nhằm nâng cao sức đề kháng; Có mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ: 6-8 con/m2; gà thịt : 8-10 con/m2; thực hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi; thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng. - Phòng bệnh cho vật nuôi: Thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tiêm phòng định kỳ, tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho từng loại vật nuôi; chủ động phòng chống dịch bệnh theo quy định; đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; hàng ngày, theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc dịch bệnh. - Các lưu ý: Trong những ngày rét đậm kéo dài trên 10 ngày, ngày nhiệt độ xuống dưới 12oC không cho trâu bò làm việc, không chăn thả trâu bò; chuẩn bị các vật liệu giữ ấm cho trâu bò như: làm áo khoác, trấu củi để sưởi ấm khi cần (lưu ý đặc biệt đối với bê, nghé nhỏ dưới 12 tháng tuổi); cần cho trâu bò ăn cháo gạo hoặc cháo cám nóng, bổ sung khoáng chất và các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng. 2. Đối với lĩnh vực trồng trọt - Thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật đã hướng dẫn tại Báo cáo số 339/BC-SNN ngày 28/11/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về Báo cáo "Kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2023, vụ Đông 2023-2024; kế hoạch, giải pháp sản xuất vụ Xuân 2024". - Để chủ động bảo vệ diện tích mạ đã gieo, sắp gieo và lúa mới gieo, cấy trong điều kiện thời tiết hiện nay và theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia ở trên, yêu cầu: + Đối với mạ dày xúc đã gieo: Kiểm tra tình trạng vật liệu đã che phủ, đảm bảo kín gió để chống rét cho mạ; che phủ 100% diện tích bằng nilon hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường; giữ đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm cho mạ vào những ngày trời rét; sử dụng các loại tro bếp, phân lân, phân chuồng hoai mục để chăm sóc và giữ ấm cho mạ; + Đối với những diện tích mạ dày xúc chưa gieo, nếu đã ngâm ủ, phải tiến hành bảo quản mầm mạ trong nhà kín, tưới nước đủ ẩm, phủ bao tải gai hay bao tải dứa tránh khô mầm. Khi nhiệt độ trung bình ngày lớn hơn 150C, tiến hành gieo mạ bình thường, nếu thời tiết vẫn còn rét đậm, rét hại mà mầm mạ đã đủ điều kiện để gieo thì chuyển sang làm mạ nền cứng (lên luống rộng từ 1,2-1,4m, tạo mặt luống phẳng, rãnh rộng 30cm để thuận tiện cho công tác che phủ nilon, đảm bảo đủ độ ẩm để chống rét cho mạ). Sau khi gieo, dùng tro bếp rắc lên mặt luống dày 0,5 cm để giữ ấm cho mạ và thực hiện che phủ nilon cho toàn bộ diện tích mạ đã gieo; - Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyệt đối không được gieo, cấy khi nhiệt độ trung bình ngày thấp hơn 150C. Khi nhiệt độ trung bình ngày lớn hơn 150C, cần mở dần vật liệu che phủ để mạ thích nghi với điều kiện thời tiết bên ngoài trước khi gieo, cấy. - Chủ động kiểm tra, rà soát và cân đối diện tích mạ đã gieo để có phương án gieo bổ sung bằng mạ nền cứng khi thời tiết ấm. 3. Đối với lĩnh vực thủy sản - Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống rét cho thủy sản nuôi tại các xã, phường, thị trấn; phân công trách nhiệm cho các cán bộ, lãnh đạo trong công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống rét cho thủy sản nuôi. - Trong thời gian giá rét, tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị sây sát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng; - Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp phòng chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng…, chỉ đạo, tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xảy ra hiện tượng cá chết do rét; - Đối với diện tích thủy sản đang nuôi (thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đàn cá bố mẹ, cá giống), cần khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp chống rét cho cá: + Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu 1,5 - 2,0m; + Thả sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để thủy sản trú ẩn tránh rét, sọt được đặt ở góc phía Bắc ao nuôi; + Làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilong sáng màu hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2-2/3 diện tích mặt ao nuôi về phía Bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi và khi có ánh sáng sẽ tăng khả năng hấp thu năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi; + Di chuyển lồng bè đến nơi ít gió hoặc thả sâu lồng nuôi 1,8-2,0m, để ổn định nhiệt độ môi trường; + Cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng; ngừng cho ăn khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 150C; vào thời điểm nắng ấm, trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh; + Định kỳ dùng vôi, liều lượng 2-3kg/100m2 (01 lần/tháng) bón xuống ao nuôi; +Khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến điều kiện tự nhiên, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Đề nghị Ủy ban nhân dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi sát tình hình chống rét trên cây trồng và vật nuôi trên địa bàn, báo cáo kết quả phòng chống đói, rét về Sở Nông nghiệp và PTNT để có biện pháp chỉ đạo và khắc phục kịp thời. Văn bản:Công văn chống rét trên cây trồng, vật nuôi 24.01. 2024.pdf Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên
Về việc phát triển mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông, chuẩn bị sản xuất vụ Xuân và chủ động điều khiển ra hoa trên nhãn, vải
Về việc cơ chế hỗ trợ bán giảm giá giống ngô, giống khoai tây cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phục hồi hoạt động của công trình thủy lợi sau mưa, lũ do ảnh hưởng của Cơn bão số 3