21/02/2023 | lượt xem: 2 Chuyển đổi số nông nghiệp là trách nhiệm của người đứng đầu Ngày 20/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và hoàn thành Cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng và chuẩn bị lễ triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản vào cuối năm nay. Theo dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng... Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví quá trình chuyển đổi như việc sở hữu cùng lúc ba ngôi nhà: ngôi nhà truyền thống là phương pháp ghi chép thủ công, ngôi nhà công nghệ thông tin là sử dụng các phần mềm để quản lý thủ tục hành chính, ngôi nhà thứ ba là chuyển đổi số. “Ngôi nhà thứ hai chưa đầy đủ đồ đạc thì đã phải nghĩ đến ngôi nhà mới. Thành thử, sự lúng túng là điều khó tránh", Bộ trưởng chia sẻ. Bộ trưởng cũng nhắc đến khái niệm “cái bẫy” khi chuyển đổi số, bởi đặc thù của ngành nông nghiệp nước nhà hiện còn mù mờ và người dân chưa có thói quen ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Do đó, nếu không có chiến lược và “ra đề bài" một cách cụ thể khi chuyển đổi, cán bộ hoạch định sẽ không biết bắt đầu từ đâu, thậm chí lãng phí nguồn lực. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đồng cảm với ý kiên này. Mới được phân công làm đầu mối của Bộ NN&PTNT về công tác chuyển đổi số, ông đánh giá hạ tầng của Bộ và ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập, khó tích hợp và đồng bộ sớm theo định hướng của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Nhằm khắc phục, Thứ trưởng cho rằng cần sớm tổ chức hội nghị toàn ngành về chuyển đổi số, đồng thời triển khai kế hoạch hoạt động này một cách thường xuyên, định kỳ và có kinh phí chi hàng năm. "Từng dự án cần xác định rõ làm cho Trung ương hay địa phương, đâu là giả thiết, đâu là mục tiêu cần đạt được. Có như vậy, chúng ta mới tránh được hiện tượng đầu tư dàn trải trong bối cảnh nguồn lực có hạn như hiện nay", ông Trị bày tỏ. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng tự nhận một số thành viên chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm thường xuyên khiến nhiệm vụ triển khai tại đơn vị còn chậm. Một số đơn vị chậm nâng cấp hạ tầng, thiết bị điện tử và chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận xét, nhận thức và kiến thức về chuyển đổi số của những người làm nông nghiệp còn yếu và hạn chế. Dù lĩnh vực trồng trọt được chọn và triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trong việc quản lý, cấp mã số vùng trồng vào năm 2022, ông Cường nghĩ nên chọn một, hai đối tượng để đẩy mạnh, làm chuyên sâu, lấy kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng. Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, chuyển đổi số nông nghiệp phải phục vụ mục tiêu tạo ra giá trị cho các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. “Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung như: phục vụ cho nông nghiệp, thủy lợi, phòng, chống thiên tai như khí hậu, thời tiết hay hệ thống công trình thủy lợi hay nguồn nước... những số liệu này tất cả các ngành đều phải dùng, vì vậy, kiến trúc cơ sở dữ liệu xây dựng sau này phải như thế nào để đồng bộ các ngành với nhau”, ông Nguyễn Tùng Phong nêu rõ. Khẳng định chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của chương trình chuyển đổi số quốc gia và dư địa phát triển của ngành còn rất lớn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: “Chuyển đổi số là phương thức mới để thực hiện những nhiệm vụ quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Đầu tiên xuất phát từ yêu cầu nghiệp vụ và kết thúc bằng yêu cầu nghiệp vụ nên lãnh đạo các đơn vị của Bộ phải là người trực tiếp thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với Bộ NN&PTNT để kiện toàn Trung tâm chuyển đổi số nông nghiệp để có đơn vị chuyên trách đủ về năng lực. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp”. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, dữ liệu trong lĩnh vực NN&PTNT là rất lớn, muốn chuyển đổi số phải có dữ liệu thực để số hóa đòi hỏi các thành viên Ban chỉ đạo và cán bộ chuyên môn không chỉ nâng cao nhận thức mà còn phải trang bị đầy đủ kiến thức. Cán bộ làm công nghệ không chỉ hiểu về công nghệ mà còn phải nắm bắt được thông tin; cán bộ làm nông nghiệp cũng phải nắm được quy hoạch và ngược lại. Tán đồng việc khoanh vùng đối tượng và chọn mục tiêu cụ thể cho các đề án sau này, Bộ trưởng ưu tiên sự gọn nhẹ, tích hợp khi triển khai đề án. Ông cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT xây dựng thang đo về quá trình chuyển đổi số và nghiên cứu mời thêm những cơ quan độc lập để có đánh giá cụ thể. Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận và đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai chương trình hợp tác giữa hai Bộ về chuyển đổi số. Ông đề nghị hai bên phải đồng hành từ đầu, để thống nhất tư tưởng xuyên suốt. “Tiếp tục thực hiện Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp nhưng rà soát những gì có thể làm trước, cái gì làm sau để thực hiện hiệu quả. Chúng ta không giải quyết tất cả các vấn đề mà còn phải xã hội hóa, như thế sẽ tiết kiệm được nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi số và áp dụng ngay được vào cuộc sống hàng ngày. Chúng ta sử dụng dữ liệu để chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước nhanh chóng và kịp thời”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói./. Nguồn https://www.mard.gov.vn/
Tổ chức các hoạt động Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024