Đẩy nhanh tốc độ số hóa ngành nông nghiệp

Nhiều mô hình thực tiễn, giải pháp đột phá về số hóa ngành nông nghiệp đã được đề xuất tại Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, với mục tiêu đẩy mạnh quá trình triển khai số hóa, cải thiện năng suất, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

“Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” là một trong những Hội nghị số hóa đầu tiên về kinh tế ngành trong năm 2024 do Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao cho các Bộ ban ngành, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cùng Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Mạnh Hùng. Bên cạnh đó là sự tham gia trực tiếp của các lãnh đạo bộ, ngành trung ương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng, HTX, doanh nghiệp. Đại biểu dự trực tuyến bao gồm Lãnh đạo các UBND tỉnh thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại sự kiện, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đã trình bày những kiến nghị cho Hệ sinh thái Nông nghiệp số quốc gia dựa trên nền móng của một hệ sinh thái do VNPT đã dày công xây dựng, đó là VNPT Green. Đây là một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho quản lý nhà nước, cho người nông dân và hợp tác xã, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản, và các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp. Định hướng đến 2025, hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT sẽ kết nối với các hệ thống thông tin chính phủ nông nghiệp số nhằm hỗ trợ phía chính quyền điều phối, giám sát, cấp phát mã số vùng nuôi/trồng, quản lý sâu bệnh dịch hại, truy xuất nguồn gốc. Như vậy, việc triển khai hệ sinh thái nông nghiệp số sẽ tự động hình thành dữ liệu xã hội nông nghiệp, mang lại những giá trị về chất lượng, kinh tế cho các bên tham gia nền tảng.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”, Tiến sĩ Katherine Nelson – Chuyên gia khoa học về Biến đổi khí hậu - Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) đánh giá, một trong những thách thức chính mà Việt Nam đang đối mặt là thu thập dữ liệu thời gian thực hoặc thời gian gần thực về hoạt động canh tác lúa nhằm hỗ trợ và can thiệp cụ thể cho việc giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Các công cụ do IRRI phát triển có thể thu thập dữ liệu canh tác lúa từ cấp đồng ruộng đến cấp xã, huyện, tỉnh và khu vực, nhằm hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính quốc gia trong ngành nông nghiệp. Hệ thống Theo dõi và Báo cáo sản xuất lúa RiceMoRe là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian, sau khoảng 7 năm triển khai tại 9 địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 1 địa phương ở Đồng bằng sông Hồng, hệ thống này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp tự động tổng hợp dữ liệu theo các cấp quản lý khác nhau, cải thiện đáng kể quy trình báo cáo và thống kê sản xuất lúa.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số nông nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực như thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thủy sản, hợp tác xã, tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị kinh tế sản phẩm nông nghiệp. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ số như IoT, AI, máy bay không người lái… vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp ngày càng được triển khai mạnh mẽ nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm rủi ro trong sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh và bền vững./.

Nguồn tin: https://www.mard.gov.vn/

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
208 người đang online