Đổi mới tư duy phát triển ngành nông nghiệp

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ NN&PTNT về phương hướng và kế hoạch phát triển năm 2012 và 5 năm (2011-2015) tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy phát triển, đồng thời tái cơ cấu ngành theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, năm 2012, mục tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,3-2,6%, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,9-4,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, độ che phủ rừng đạt 40,5%. Trong giai đoạn 5 năm tới, ngành nông nghiệp sẽ tái cơ cấu ngành mạnh mẽ, theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,6-3%/năm, trong thập kỷ tới sẽ giảm 20% số hộ nghèo và 20% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Theo định hướng, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển ngành thủy sản (đặc biệt là cá tra, tôm, nhuyễn thể), đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, lợn, bò sữa; chú trọng phát triển rau, hoa công nghệ cao và ưu tiên phát triển rừng kinh tế.

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Bộ NN&PTNT phê duyệt mới đây, thủy sản được xác định là ngành mũi nhọn tập trung đầu tư và có thể tạo bước đột phá nhờ tiềm năng và lợi thế về mặt nước, khí hậu của nước ta. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, sẽ cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi, 70% giống cho các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể là giống sạch bệnh. Đối với khai thác xa bờ, sẽ chuyển hướng sử dụng những tàu công suất lớn hoạt động xa bờ, viễn dương. Các đối tượng, mùa vụ khai thác phải có giá trị kinh tế cao, thị trường tốt. Áp dụng công nghệ tiên tiến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Giảm dần số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ, đi liền với chuyển đổi cơ cấu lao động cho các đối tượng này sang nghề như chế biến thủy sản, thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá. Phấn đấu sản lượng khai thác 6,5-7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65-70%; tỷ trọng ngành thủy sản chiếm trên 25% trong giá trị sản xuất toàn ngành.

Theo Bộ NN&PTNT, tái cơ cấu ngành trồng trọt phải phát triển theo chiều sâu, bằng các giải pháp tăng năng suất (giống, công nghệ sinh học, công nghệ cao), tăng chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu phù hợp xu thế người tiêu dùng. Đặc biệt trong đó, phải truy trì và bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa, đảm bảo sản lượng thóc đạt 46 triệu tấn. Quy hoạch các cây công nghiệp có thị trường giá thị hàng hóa cao như: diện tích cao su năm 2015-2020 lên 800 nghìn ha, ca phê khoảng 500-550 nghìn ha, điều 315-350 nghìn ha, chè khoảng 140 nghìn ha…; phát triển mạnh cây rau, hoa hiện đang nhu cầu lớn, hiệu quả nhanh.

Cũng nằm trong đối tượng phải tái cơ cấu, ngành chăn nuôi ưu tiên phát triển đàn gia cầm, bò sữa, lợn; chuyển từ hình thức nuôi nhỏ lẻ sang nuôi trang trại, gia trại theo mô hình công nghiệp. Khuyến khích mô hình sản xuất khép kín, liên kết các khâu tạo thành chuỗi giá trị. Cùng đó, chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng đồng bằng lên vùng trung du, miền núi, xa thành phố, khu dân cư. Nâng giá trị sản xuất toàn ngành chăn nuôi lên 20%.

Đối với ngành lâm nghiệp, phát triển và tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng cả nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm rừng, nhất là đồng bào dân tộc miền núi. Từng bước đưa độ che phủ rừng lên 42-43% năm 2015, và lên 44-45% vào năm 2020. Bộ NN&PTNT cũng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến và các ngành nghề nông thôn, trong đó, một số ngành được tập trung nâng cao giá trị gia tăng là lúa gạo, cà phê, chè, chế biến gỗ; từng bước tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu từ 50% hiện nay lên 70% vào năm 2020.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để quá trình tái cơ cấu ngành diễn ra đúng hướng, có hiệu quả, sẽ chuyển đổi cơ cấu đầu tư, ưu tiên các chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, tránh đầu tư dàn trải, phân tán; tăng cường năng lực giám sát, đánh giá đầu tư. Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sự tham giá của các thành phần kinh tế: kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, trang trại, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tăng cường đạo tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh cơ cấu lao động theo ngành nghề chuyên môn, định hướng đến năm 2015, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 44% lao động cả nước (năm 2010 là 48,7%), đến năm 2020 còn 30%.

Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ngành nông nghiệp đã gặt hái nhiều thành tựu trong năm năm qua. Trong giai đoạn mới, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy phát triển, từ đội ngũ cán bộ ngành, địa phương, đến người nông dân, cần thay đổi tư duy trên mảnh ruộng của mình. Từ đó, kéo theo hệ thống chính sách đi liền cũng phải đổi mới”.

Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu lại ngành, nguồn lực đầu tư, sản phẩm, phát triển kết cậu hạ tầng ở nông thôn, đổi mới chính sách liên kết “bốn nhà” theo hướng thị trường và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nhiều hơn; chú trọng đến hình thức liên kết công - tư (PPP). Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, cần triển khai nhanh đền án thúc đẩy liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, chất lượng, năng lực cạnh tranh của ngành. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lưu ý, ngành nông nghiệp đang đứng trước những thách thức của hội nhập, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
22 người đang online