ĐỔI THAY TRONG NGHỀ CHẾ BIẾN BÚN TƯƠI THÔN THỊ TRUNG

Thôn Thị Trung xã Đình Dù (Văn Lâm) là địa phương có nghề làm bún tươi lâu đời. Khác với bún khô, bún tươi là bún khi đưa ra thị trường đã đảm bảo chín hoàn toàn, người mua có thể sử dụng ăn tươi ngay được.

Theo ông Lê Văn Kim - Phó Chủ tịch UNND xã Đình Dù: Bún Thị Trung từ xa xưa đã thơm ngon có tiếng, bởi nó được làm ra từ những gia đình có nghề làm bún gia truyền, chất lượng sản phẩm mang tính đặc trưng riêng của làng nghề như: Sợi bún bao giờ cũng nhỏ đều, trắng trong và săn mềm. Thời bao cấp bún là món ăn xa xỉ, chỉ những gia đình kinh tế khá giả thỉnh thoảng mới dám mua để thưởng thức. Ngày nay bún đã trở thành món ăn thường xuyên hơn với hầu hết mọi người. Theo đó nghề làm bún thôn Thị Trung đang ngày càng được mở mang,  phát triển, hiện nay trung bình mỗi ngày làng nghề ở đây sản xuất ra 5-6 tấn bún tươi các loại, doanh thu tại thời điểm 40-50 triệu đồng, lợi nhuận gần 20 triệu đồng, sản phẩm ngoài phục vụ nội tiêu trong khu vực, còn cung ứng một lượng lớn sang Thủ đô Hà Nội. Nét mới trong nghề làm bún thôn Thị Trung trong một số năm gần đây là: Hầu hết các hộ gia đình làm nghề ở đây đều đầu  tư đổi mới qui trình công nghệ chế biến bún, đưa dây truyền điện máy vào thay thế cho các công đoạn sản xuất thủ công nặng nhọc. Nhờ vậy năng suất lao động đã tăng gần 10 lần so với cách làm cũ, đồng thời rút ngắn được thời gian chế biến từ gạo thành bún chỉ còn trong ngày. Trước kia, bắt đầu từ hạt gạo phải qua nhiều công đoạn chế biến rất phức tạp như: Vo, ngâm, nghiền gạo, gạn nước, luộc bột, giã quả, lượt bột và vặn sợi...  khi bún thành phẩm đến tay người tiêu dùng phải mất 8-10 ngày. Mặt khác, chế biến bún theo lối thủ công khâu nguyên liệu gạo dầu vào, phải lựa chọn rất cẩn thận mới có được chất bún ngon, (thường là loại gạo Bao thai, mộc tuyền, được xay, giã từ các giống thóc cùng loại, gieo cấy ở những chân ruộng thường xuyên no nước). Nay nhờ có điện, máy, tất cả các loại gạo giống mới chất lượng thấp: Q5, VN10, khang dân 18... đều có thể tạo được chất lượng bún ngon như cách làm truyền thống, mà không phải dùng tới bất cứ loại phụ gia chế biến nào. Được biết nhờ có nghề làm bún phát triển, mà nhiều gia đình trong thôn đã trở lên khá giả, xây được nhà cao tầng kiên cố hiện đại và mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, chất lượng cuộc sống không ngừng tăng cao.

          Anh Đỗ Văn Huân - đội 3, thôn Thị Trung cho biết: Gia đình anh đã 4 đời theo nghề làm bún, khi xưa chế biến bún theo lối thủ công phải 4-5 lao động khỏe, làm cật lực liên tục từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm mới được 40- 50kg bún, mà lời lãi cũng chỉ đủ tiêu dùng cho cuộc sống tối thiểu của gia đình trong ngày. Nay đưa máy móc vào làm chỉ cần 2 lao động trong nửa ngày đã có thể làm được 4-5 tạ bún. Nhờ vậy, anh đã hạ giá thành sản phẩm, gia tăng sản lượng bún, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao lợi nhuận có tích lũy và làm được nhiều việc đại sự trong nhà.

          Theo anh Huân, ý nghĩa lớn nhất khi đưa điện, máy vào sản xuất bún là: Gạo và bột không cần ủ chua lên men, nên nước thải ra môi trường không còn gây bức xúc cho cộng đồng dân cư sống trong khu vực. Nhờ vậy, tình làng nghĩa xóm trong thôn ngày thêm củng cố. Đáng chú ý,  nhờ gia nhiệt luộc bún bằng điện thay cho than, củi, nên đã không còn các khí độc hại CO, CO2, N2...  từ lò than thoát ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, nhất là người trực tiếp làm nghề.  

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Duy Tôn - Trưởng thôn Thị Trung cho hay: Để khuyến khích làng nghề ngày càng phát triển, chính quyền địa phương các cấp luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây phát huy năng lực làm nghề, cụ thể như: Đảm bảo điện sản xuất ổn định; ưu tiên vay vốn ngân hàng… Dạo quanh làng nghề, được trực tiếp mắt thấy tai nghe, chúng tôi thấy, làng nghề chế biến bún tươi ở đây đang phát triển đúng hướng- bền vững và thiện môi trường, góp phần quan trọng vào đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thôn, bộ mặt làng quê khởi sắc từng ngày, thôn quê đang dần trở lên phố thị, nhà cao tầng san sát, chợ thôn sầm uất, các hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn diễn ra hối hả suốt ngày đêm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn của Thị Trung nói riêng, xã Đình Dù nói chung đang tiến gần tới đích. Một vài thành tựu nổi bật rất cần được khích lệ kịp thời như: Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, lưới điện, các phương tiện truyền thông, khu xử lý rác thải và một số đường trục chính ngoài đồng... đều đã được kiên cố đồng bộ, đảm bảo bền vững lâu dài; chi bộ và chính quyền thôn luôn đạt trong sạch vững mạnh, thôn liên tục nhiều năm liền được công nhận là làng văn hóa...


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
118 người đang online