Đóng góp xây dựng nông thôn mới, lạm thu hay tự nguyện?

Với một đề án nông thôn mới (NTM) của một xã, dù chỉ với 10%, việc đóng góp của dân vẫn nằm ở con số mỗi xã vài chục tỉ đồng, mức mà người dân ở nhiều xã khó có thể kham nổi.

Trở ngại lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới tại hơn 9000 xã trên cả nước hiện nay là thiếu kinh phí. Theo hướng dẫn của quyết định 800 của thủ tướng chính phủ, đa số các địa phương đang áp dụng hình thức góp vốn ngân sách 90%, nhân dân đóng góp 10%.

 

Tuy nhiên, với một đề án NTM của một xã khi nhân với 10% thì việc đóng góp của dân vẫn nằm ở con số mỗi xã vài chục tỉ đồng, mức mà người dân ở nhiều xã khó có thể kham nổi. Lạm thu hay tự nguyện là một vấn đề cần làm rõ để chủ trương thực hiện nông thôn mới không trở thành một gánh nặng cho dân.

 

Là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, người dân xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, đã đóng góp khoảng 10 tỉ đồng cho việc xây dựng các công trình phúc lợi. Trưởng thôn Kim Phú cho biết, khi huy động dân đóng góp đều phải dựa trên hương ước và quy ước của làng. Hộ nghèo, gia đình chính sách cũng không nằm ngoài chuyện đóng góp.

 

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Trưởng Thôn Kim Phú, xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa cho biết: Theo hương ước thì ai cũng phải đóng góp. Với các hộ nghèo thì thôn xem xét có thể chọ nợ đến vụ thu hoạch mới trả cũng được.

 

Theo sổ sách thu chi của các hộ dân trong xã, bình quân mỗi hộ phải đóng khoảng 17 đầu mục phí các loại, riêng cho xây dựng nông thôn mới, mỗi thôn thu từ 100 đến 150.000đ/hộ.

 

“17 khoản này không những mang tính kinh tế,mà có khoản thu mang tính răn đe,giáo dục như xử phạt hộ dân không tuân thủ nghĩa vụ quân sự, không theo qui trình sản xuất, hoặc vi phạm an ninh trật tự. Có nhiều mục có đề ra nhưng không phải năm nào cũng thu”, ông Nguyễn Bá Thành, chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Nông Cống , Thanh Hóa cho biết.

 

TS Vũ Trọng Bình, Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn cho biết theo báo cáo của các địa phương gủi về, có một thực tế là càng những tỉnh nghèo thì số lượng khoản phí và mức phí lại càng cao, bởi nhà nước càng đầu tư nhiều thì con số đối ứng 10% của dân lại càng lớn. Con số 19, 20 khoản phí đối với người dân nông thôn sẽ là quá sức. Sức ép tiến độ, muốn nhanh về đích sẽ là nguyên nhân gây ra chuyện lạm thu.

 

Ông Vũ Trọng Bình, Phó viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn khẳng định: “Tôi cho rằng nếu đóng góp nhưng dân có quyền quyết định thì sẽ hạn chế lạm thu. Hơn nữa các địa phương cần đưa ra mức đóng góp chiếm bao nhiêu thu nhập của dân, nếu chiếm đến 60-70% là không ổn”.

 

Với việc các ban ngành vào cuộc tuyên truyền vận động, chỉ trong 20 ngày thôn Lan Thượng, xã An Thượng, Yên Thế, Bắc Giang đã thu được gần 120 triệu của 424 khẩu để làm đường. Vốn đối ứng 10% dân đã góp đủ. Vướng mắc hiện nay là ngân sách hỗ trợ 90% vẫn chưa có. Số tiền dân góp lại phải gửi vào ngân hàng chờ cho đến khi được sử dụng

 

Xây dựng NTM là một chương trình hợp lòng dân, tuy nhiên đây là chương trình được triển khai dài hạn với lộ trình đến tận năm 2030. Do vậy, không nên vì áp lực thành tích, chạy đua cho đạt được tiêu chí, mà các địa phương… thi đua lạm thu các khoản đóng góp của người dân. Nếu cách làm như thế không được chấn chỉnh, điều chỉnh kịp thời, đến một lúc nào đó sẽ làm chính người nông dân mất niềm tin vào chương trình.

Bo NN&PTNT

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
181 người đang online