13/04/2017 | lượt xem: 2 Hưng Yên – nhộn nhịp mùa ong làm mật Nhằm tận dụng tối đa nguồn lợi từ cây nhãn Hưng Yên, vào dịp tháng 3 âm lịch, khi hoa nhãn nở rộ cũng là lúc “vào vụ” của các hộ nuôi ong lấy mật. Vốn ít – lợi nhuận nhiều Ưu điểm của nghề nuôi ong là vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực, đem lại thu nhập cao cho người dân. Anh Nguyễn Văn Hải (xã Liên Phương-TP Hưng Yên) với hơn 10 năm gắn bó với nghề, hiện nay anh đã có khoảng 200 thùng ong, ước tính mỗi vụ gia đình anh thu được khoảng 2 tấn mật được các thương lái ở nhiều tỉnh lân cận về thu mua hết. Anh Hải cho biết: năm nay do lượng hoa nhãn ít nên giá thành cũng cao hơn so với năm 2016, mật ong hoa nhãn có giá bán từ 120-140 nghìn đồng/1kg. Hiện nay, người dân đã chuyển dần từ nuôi giống ong ta (ong ruồi) sang ong Ý vì thu được sản lượng mật cao, tuy nhiên mật ong Ý có nhược điểm là chất lượng mật loãng, không được sánh so với mật ong ta. Không chỉ các hộ làm nghề tại Hưng Yên mà rất nhiều người nuôi ong lấy mật ở các tỉnh, thành phố khác cũng tranh thủ mang đàn ong tới khai thác mật. Anh Lê Quang Lâm (hộ nuôi ong tại TP Pleiku - Gia Lai) chia sẻ: “Nghề nuôi ong tốn ít chi phí nhưng đòi hỏi sự cẩn thận tỉ mỉ, tận dụng lao động trong gia đình. Hàng năm, cứ vào mùa hoa nhãn tôi lại di chuyển đàn ong của mình về Hưng Yên trong vòng khoảng một tháng. Khâu di chuyển là vất vả nhất, phải thuê thêm nhiều nhân công”. Dưới tán cây nhãn, anh Lê Quang Lâm đang kiểm tra từng thùng ong. Mỗi thùng ong là một đàn thường có từ 7-10 cầu ong, được đặt ở chỗ có bóng mát, chỉ cần từ 3-4 ngày là có thể quay được mật, mỗi lần thu được từ 3-4kg. Di cư theo mùa hoa Lợi nhuận mang lại cao nhưng nghề nuôi ong cũng đòi hỏi chủ ong phải am hiểu, nắm chắc điều kiện từng vùng, mùa hoa để ong di cư theo mùa. Trước khi vận chuyển ong về Hưng Yên, anh Lâm đã thu hoạch mật hoa vải tại Thanh Hà (Hải Dương). Để công việc thuận lợi, các chủ nuôi ong phải mất nhiều ngày khảo sát địa điểm, thỏa thuận vị trí đặt ong. Việc di chuyển đàn ong theo mùa hoa sẽ nâng chất lượng mật, đa dạng sản phẩm vì mỗi nơi có hương vị mật khác nhau. Đồng thời đây còn là biện pháp giảm chi phí đầu vào, hạn chế ong chết, bỏ tổ. Ong lấy mật hoa ngoài làm lợi ích kinh tế cho người nuôi ong còng giúp cây thụ phấn tốt, tỷ lệ đậu qua cao. Thế nên chính quyền và người dân địa phương đều tạo điều kiện cho các chủ ong đặt địa điểm, dựng lán khai thác mật. Không chỉ được tiêu thụ nội địa, mật ong hoa nhãn Hưng Yên còn được xuất khẩu sang nhiều nước, các sản phẩm khác từ ong như sữa ong chúa, phấn hoa….đều được ưa chuộng, điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là sản phẩm mật ong hoa nhãn được làm ra và bán trên thị trường chủ yếu vẫn theo hình thức tự phát, không có sự thống nhất giá cả dẫn đến người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng mật ong. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cần được các ngành chức năng quan tâm hơn nữa sẽ tạo động lực lớn cho người dân mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật, chất lượng mật ong hoa nhãn cũng sẽ được nâng lên. Theo Báo Xây dựng
Một số hình ảnh Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP năm 2021