Hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ

Công văn số 1157/SNN-CN ngày 05/07/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên V/v hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ

Văn bản: Hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ 4.7.2024.pdf

Thực hiện công văn số 653/CN-KHCNMT&HTQT ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Cục Chăn nuôi về việc hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ; để chủ động cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trước, trong và sau mưa bão, lũ lụt, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện tại cơ sở, cụ thể như sau:
I. TRƯỚC MÙA MƯA BÃO
1. Yêu cầu chung
Thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống dự trữ cho đàn vật nuôi, chủ động gia cố chuồng trại, chuẩn bị phương án, biện pháp khắc phục hiệu quả khi mưa bão, lũ lụt hoặc dịch bệnh xảy ra sau đó.
Thực hiện kê khai số lượng, loại vật nuôi theo biểu mẫu kê khai Phụ lục III, Thông tư số 18/2023/TT-BNN-PTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT với chính quyền địa phương cấp xã.
2. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt
- Chuồng trại: chủ động nâng cao nền chuồng, làm rèm che chắn, gia cố vững chắc chuồng trại, tuyệt đối không làm chuồng trại chăn nuôi gần bờ sông, tả luy cao;
- Thức ăn, nước uống: chủ động dự trữ thức ăn, nước uống cho vật nuôi tối thiểu 15 ngày, bảo quản thức ăn tại nơi cao ráo, tránh ẩm, mốc;
- Hệ thống thoát nước: Kiểm tra, khai thông hệ thống thoát nước thải, nước mưa, nơi chứa chất thải rắn;
3. Đối với những vùng bị ngập lụt
- Kiểm đếm đánh giá hiện trạng vật nuôi, xuất bán kịp thời khi đến tuổi, khối lượng xuất bán;
- Chuồng trại: làm chuồng trại trên vùng đất cao, che chắn chuồng trại, chuẩn bị sẵn phương án di dời đàn vật nuôi;
- Thức ăn, nước uống: chủ động dự trữ thức ăn, nước uống cho vật nuôi tối thiểu 15 ngày, bảo quản thức ăn tại nơi cao ráo, tránh ẩm, mốc;
- Thực hiện tiêm phòng các loại vaccin đầy đủ theo quy định, chủ động vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi;
- Kiểm tra sự hoạt động của hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi như: hố ủ phân, bể lắng, công trình biogas.
II. TRONG VÀ SAU MƯA BÃO, LŨ LỤT
1. Trong mưa bão, lụt
- Thường xuyên theo dõi thời tiết, kiểm tra chuồng trại, điều kiện chăn nuôi và sức khỏe đàn vật nuôi;
- Di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị úng ngập bằng các phương tiện vận chuyển phù hợp như: ghe, xuồng, bè;
- Không tập trung, làm lán nuôi giữ vật nuôi trên đê, đường giao thông gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường;
- Làm nhà tạm cho vật nuôi: dựng lều bạt, lán trại và có phương án kiểm soát vật nuôi; có giải pháp giữ ấm cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài.
- Công tác phòng chống dịch bệnh:
+Thường xuyên vệ sinh, định kỳ 1 tuần 1-2 lần phun tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi bằng các chất sát trùng theo quy định và theo hướng dẫn của nhà sản xuất; nước rút đến đâu, dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó;
+ Đối với những vật nuôi có nhu cầu vận chuyển từ nơi này qua nơi khác cần thực hiện tốt quy trình vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển (nếu có) để đảm bảo an toàn dịch bệnh;
+ Đối với xác vật nuôi chết: cách xử lý hiệu quả nhất là đốt xác vật chết (nếu có thể thực hiện), phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết, chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp.
2. Sau mưa bão, lụt
- Đối với trâu, bò: Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi; sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ ure…) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể ví dụ như trâu bò 300kg thì cho ăn 30 kg cỏ xanh, cỏ ủ…; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo…( khoảng 0.5-1kg/con/ngày); đảm bảo đủ nước uống sạch cho đàn trâu, bò; ngoài ra, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò ( thân cây ngô, cỏ voi…) với lượng 7-10kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa.
- Đối với lợn: Khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi). Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn.
- Đối với gia cầm: Đảm bảo đủ thức ăn, nước uống cho gia cầm, bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng.
- Vệ sinh môi trường: UBND cấp huyện chỉ đạo chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện việc thu gom xác động vật chết để xử lý, tổng vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị bão lũ; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại trước khi đưa vật nuôi trở lại;
- Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường;
-Tái đàn: Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục chăn nuôi, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Đề nghị UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi sát tình hình đàn gia súc, gia cầm, báo cáo số lượng loại vật nuôi bị thiệt hại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để có biện pháp chỉ đạo và khắc phục kịp thời./.

 

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online