Kế hoạch số 24/KH-SNN ngày 12/01/2024 Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Công văn số 2307-CV/TU ngày 08/11/2023 của Tỉnh ủy Hưng Yên về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác nội chính, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian tiếp theo, Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2024 như sau:  

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 

1. Mục đích

- Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp về công tác PCTN, tiêu cực.

- Chủ động ngăn chặn tham nhũng, góp phần xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

 - Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội.

2. Yêu cầu

- Xác định đúng trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ, phòng chống tham nhũng.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCTN

- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, về tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng.

- Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các VBPL về công tác phòng chống tham nhũng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức của các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở.

- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị bằng hình thức phù hợp.

- Nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan tham gia thực hiện tuyên truyền và phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

2.1. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật

- Ngăn chặn các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng thông qua việc tham gia hoạch định chính sách; góp ý xây dựng và tổ chức thi hành các văn bản pháp luật.

- Chủ động thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở và các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không phù hợp với thực tiễn.

- Thông qua công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong hoạt động của Phòng, ban, đơn vị trực thuộc để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn.

2.2. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ

- Thực hiện nghiêm các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 24 của Ban chỉ đạo Trung ương.

- Thực hiện phân công rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; phân cấp cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của của phòng, ban, đơn vị trực thuộc theo hướng tránh chồng chéo, không bỏ trống nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước; xây dựng danh mục các vị trí công tác, định kỳ chuyển đổi công tác của cán bộ công chức, viên chức theo quy định.

- Tiếp tục thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế quản lý tài chính, tài sản, các quy chế phối hợp với các tổ chức Đảng và đoàn thể trong cơ quan.

- Tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính, công bố công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc tại công sở để làm căn cứ cho mọi công dân thực hiện và giám sát.

- Công khai việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản công; việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, khen thưởng, kỷ luật theo đúng trình tự, thủ tục; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp

- Thực hiện đúng quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; chi trả qua tài khoản đối với các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức; đảm bảo chế độ, chính sách và đãi ngộ theo đúng quy định.

2.3. Thực hiện công khai, minh bạch trong mua sắm; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản:

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ nhằm quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng chế độ quy định; ban hành quy chế quản lý tài sản, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, không sử dụng vào mục đích cá nhân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư XDCB, mua sắm thiết bị theo đúng trình tự thủ tục, lựa chọn nhà thầu đảm bảo đúng quy định của Luật xây dựng, Luật đấu thầu.

2.4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát:

- Tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhất là việc minh bạch tài sản, thu nhập, việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân; kết hợp chặt chẽ hoạt động thanh tra với công tác kiểm tra của tổ chức cơ sở Đảng.

- Tập trung rà soát và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã được các cơ quan có thẩm quyền kết luận đảm bảo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

- Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng, phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.

- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể và mọi công dân để tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức; tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng.

- Thực hiện đúng quy định về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, gây rối nội bộ.

2.5. Việc kê khai, công khai về tài sản thu nhập

Các phòng, ban đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thanh tra Sở:

- Tham mưu giúp Giám đốc Sở lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức trong Sở.

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Tổng hợp kết quả của toàn Sở, tham mưu Giám đốc Sở báo cáo UBND tỉnh, Ban Nội chính, Thanh tra tỉnh theo quy định.

2. Văn phòng Sở

- Tham mưu Giám đốc Sở theo dõi kiểm tra việc thực hiện chế độ công vụ và chấp hành tiêu chuẩn đạo đức, quy tắc ứng xử; thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định; khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng.

- Tham mưu giúp Giám đốc Sở hướng dẫn và thu, nộp, quản lý hồ sơ kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức tại Cơ quan Sở theo quy định.

3. Phòng Kế hoạch- Tài chính – Thông tin nông nghiệp:

Tham mưu giúp Giám đốc Sở điều chỉnh, sửa đổi và ban hành quy chế quản lý tài sản công, quy chế chi tiêu nội bộ theo đúng quy định của pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , quản lý sử dụng các nguồn kinh phí của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kế toán.

4. Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc

Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị mình; báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Thanh tra Sở) theo quy định.

KH PCTN 2024.pdf

Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
164 người đang online