11/11/2013 | lượt xem: 2 Kỹ thuật trồng đậu đũa Kỹ thuật trồng đậu đũa Thời vụ: Có thể trồng 3 vụ: Vụ xuân, gieo hạt từ 20/2 đến 20/3, vụ hè, gieo hạt từ 20/5 đến 20/6 và vụ thu, gieo hạt từ 5/7 đến 5/8. Trong đó vụ xuân hè thường cho năng suất cao hơn vụ thu. Chọn và làm đất: Đậu đũa không kén đất, song phải dễ thoát nước, nhất là thời kỳ tháng 9, tháng 10 mưa nhiều. Tốt nhất nên chọn đất thịt nhẹ có độ pH từ 6 đến 7. Đất trồng đậu đũa nên được trồng luân canh với các cây trồng khác, đặc biệt là lúa nước. Chọn những nơi có điều kiện tưới tiêu chủ động. Làm đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống cao 25-30cm, mặt luống rộng 100cm, rãnh rộng 30cm. Bón phân lót: Sau khi lên luống xong tiến hành bón lót từ 15 tấn/ha phân chuồng hoai mục, 400 kg phân lân/ha. Toàn bộ phân chuồng và phân lân được rải đều vào rạch trước khi gieo hạt. Nếu không có phân chuồng có thể dùng phân hữu cơ sinh học để thay thế. Sau khi bón lót xong ta lấp đất kín phân không để hạt tiếp xúc trực tiếp với phân dễ bị thối, không đảm bảo mật độ. Trước khi gieo hạt, nếu thấy đất khô cần tưới nhẹ cho hạt có đủ độ ẩm dễ nẩy mầm. Gieo hạt: Để đạt được năng suất cao, khi gieo bà con cần đảm bảo mật độ. Mỗi luống gieo 2 hàng với khoảng cách hàng cách hàng 60-65cm, cây cách cây 25-30cm hoặc 35-40cm tùy giống (giống phân cành ít, lá nhỏ gieo dày; giống phân cành nhiều, lá to thì gieo thưa). Chọn hạt tốt, đồng đều để gieo 2 hàng trên luống. Mỗi hốc gieo 3 hạt, sau đó khi cây mọc có từ 1 đến 2 lá thật ta tiến hành tỉa bỏ bớt 1 cây yếu, chỉ giữ lại mỗi hốc 2 cây khỏe mạnh tương đương với mật độ 10 vạn cây/ha. Chỉ dùng một lớp đất mỏng lấp nhẹ lên trên hạt giống, tránh lấp quá chặt hạt khó nẩy mầm. Chăm sóc: Tùy điều kiện thời tiết, sau gieo khoảng 1 tuần đậu sẽ nẩy mầm. Khi cây đậu có 1-2 lá thật tiến hành xới phá váng để tăng độ thoáng khí trong đất giúp bộ rễ phát triển. Cần chú ý kết hợp làm cỏ, xới xáo và bón phân thúc cho cây. -Bón thúc: Chỉ dùng phân đạm và phân kali để bón thúc cho đậu đũa với lượng cho 1 ha như sau: 200 kg đạm urê, 200 kg clorua kali. Toàn bộ lượng phân này được chia đều cho 3 lần bón thúc: Bón lần 1 khi cây có từ 2 đến 3 lá thật; lần 2 khi cây có 5-6 lá thật (trước khi cắm giàn); Lần 3 khi cây đang ra quả rộ... - Giai đoạn từ sau trồng đến khi cây ra hoa, đậu quả cần duy trì độ ẩm ở mức 75-80% giúp cây sinh trưởng, ra hoa đậu quả tốt, tăng sản lượng và chất lượng. Chỉ dùng các nguồn nước sạch như nước sông, nước giếng khoan tuyệt đối không được sử dụng nước thải sinh hoạt hoặc ao hồ tù đọng, ô nhiễm để tưới cho đậu đũa. - Cắm giàn: Khi cây bắt đầu vươn cao ta tiến hành cắm giàn cho đậu leo. Trước khi cắm giàn cần xới xáo và vun gốc. Mỗi một hốc cắm một cây dóc dài khoảng 1,8-2m, lượng dóc cắm từ 1.500 -1.600 cây/sào. Giàn làm theo kiểu chữ A hoặc chữ X, được buộc chắc chắn bằng các nẹp ngang. - Sau khi thu lứa quả thứ 2 (khoảng 60-65 ngày sau trồng) ta tiến hành bón thúc đợt 3 cũng là đợt cuối cùng cho cây bằng cách bổ hốc cách gốc khoảng 5-7cm, cho phân đạm và kali vào, lấp đất, tưới đủ ẩm cho cây nhanh chóng hút được dinh dưỡng. Xen kẽ giữa các đợt thu hái có thể bón thúc thêm phân chuồng hoai mục để quả to hơn và các lứa quả sau ra nhiều hơn. Tuyệt đối không được dùng phân chuồng tươi, phân bắc tươi và nước phân tươi để bón hoặc tưới. Chú ý phòng trừ sâu bệnh cho đậu đỗ theo hướng dẫn của cán bộ BVTV và bảo đảm thời gian cách ly, tránh gây độc hại cho người tiêu dùng.
Báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng Ngân sách Nhà nước cúa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên
Kết quả thực hiện mô hình thâm canh áp dụng kỹ thuật làm sớm thời điểm thu hoạch của vải lai chín sớm tại huyện Phù Cừ
Kết quả thực hiện Đề tài Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và dải vụ thu hoạch trên giống vải lai tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Báo cáo tình hình thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và dải vụ thu hoạch trên giống vải lai tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên” Tháng 9/2021