19/12/2011 | lượt xem: 2 Lý luận về xây dựng NTM còn đi sau thực tiễn Ngày 9/12/2011 tại Nam Định đã diễn ra Hội thảo Khoa học về xây dựng NTM - Những vấn đề lý luận và thực tiễn do Tạp chí Cộng sản, Bộ NN-PTNT và tỉnh Nam Định tổ chức. Việc cho ra đời lý luận về xây dựng NTM vào thời điểm này được nhiều học giả và các địa phương tán thành, hoan nghênh. Trả nợ nông dân PGS. TS Vũ Văn Phúc, TBT Tạp chí Cộng sản, cho hay, Chương trình Xây dựng thí điểm mô hình NTM theo Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa X chuẩn bị đến ngày cán đích, nhưng hiện lý luận về xây dựng NTM vẫn đang đi sau so với thực tiễn. Điều đó đòi hỏi giới nghiên cứu lý luận, nhà chức trách cần tổng kết thực tiễn để rút ra những vấn đề mang tính lý luận chung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm nền tảng thực hiện thành công Chương trình MTQG về Xây dựng NTM đến năm 2020 theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đẩy nhanh việc ban hành, hướng dẫn đồng bộ các chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đồng thời tìm ra những giải pháp đột phá, khả thi cơ bản lâu dài triển khai hiệu quả những nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 26. GS.TS Lê Duy Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ ra một số tồn tại trong quá trình xây dựng NTM hiện nay, đó là nhận thức ở một số cấp ngành và người dân chưa đúng. Bản thân người nông dân vẫn nghĩ Nhà nước làm thay cho mình và không ít DN cho rằng họ đang ban ơn cho người nông dân khi đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều cán bộ, đặc biệt là cấp cơ sở vẫn coi xây dựng NTM là một phong trào mang tính chính trị. Theo ông Phong, đây là hạn chế, sai lầm chúng ta phải tiến hành khắc phục trước tiên để cán bộ, DN và người dân hiểu đúng hơn về xây dựng NTM. Để làm rõ quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng BCĐ Chương trình MTQG về Xây dựng NTM khẳng định, quá trình xây dựng NTM của chúng ta phải vừa làm vừa dò, vừa đi vừa xếp hàng chứ chưa có lý luận chính thức. Nhưng trong nông nghiệp, lý luận thường đi sau thực tiễn; lịch sử chứng minh, sau khi nông dân vùng lên giành thắng lợi chúng ta mới tổng kết, đúc rút thành lý luận. Vì vậy, những kết quả ban đầu trong việc triển khai thí điểm mô hình NTM được đúc rút lại thành lý luận và bài học kinh nghiệm cho chương trình MTQG là vô cùng quý báu. Theo ông Hùng, thực tế hiện nay hầu hết cán bộ của ta ai cũng biết về nông thôn, nhưng hiểu về nông thôn thì không nhiều. Ông Hùng tâm sự, nhiều cán bộ địa phương đến hỏi ông có thay đổi được tiêu chí hay không vì khó quá. Nhưng quan điểm của Đảng và Chính phủ, Bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM đã ban hành là khung định hướng cho chúng ta đến năm 2020, chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ có một số điều chỉnh, nhưng không phải vì thế mà cứ gặp khó khăn chúng ta sửa hết tiêu chí này đến tiêu chí khác. Mục đích chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân chứ không phải cố hoàn thành tiêu chí để lấy thành tích. “Xây dựng NTM là trả nợ cho người nông dân chứ không phải ban ơn, bố thí. Phương trâm thực hiện xây dựng NTM là dùng đô thị tác động vào nông thôn, dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp, dùng tri thức, công nhân tác động vào nông dân, cả hệ thống chính trị phải chung sức xây dựng NTM. Quá trình xây dựng NTM là một chủ trương lâu dài, không thể nóng vội nhưng cũng không để người dân chờ đợi quá lâu", ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh. Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Viết Hưng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM của Nam Định là mở cửa tối đa sự dân chủ cho người dân, chọn làm cái gì dân cần trước, từ đồng ruộng vào làng, làm từ xóm lên xã, xã chủ động xây dựng các công trình của xã, thôn xóm chủ động đóng góp xây dựng các công trình của chính mình. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Nam Định đã huy động được trên 205 tỷ đồng, trong đó riêng nhân dân đã đóng góp được tới gần 85 tỷ đồng cùng trên 21 ha đất và triển khai xây dựng NTM ở 10 xã điểm trên tổng số 209 xã trong toàn tỉnh. Qua một năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình cho biết, địa phương ông cũng có nhiều điểm tương đồng với Nam Định trong cách làm, đó là chọn cái gì dân cần, dân được hưởng thụ trước để triển khai. Ví dụ, khi làm nhà văn hóa làm ở thôn trước rồi mới đến xã, làm giao thông nội đồng, kênh mương rồi mới đến các hạng mục hạ tầng khác. Ban Chỉ đạo TƯ Chương trình MTQG về Xây dựng NTM đã rút ra khẩu hiệu về xây dựng NTM để các địa phương tham khảo như sau: 19 tiêu chí là định hướng; xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề; phát triển SX là gốc; nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu; lợi ích mang lại cho người dân là động lực; sự đồng lòng góp sức của cộng đồng là bí kíp thành công. Tuy nhiên, ông Bách cũng kiến nghị BCĐ TƯ cần cụ thể và chi tiết hơn nữa trong văn bản chỉ đạo, tránh đề cập chung chung vì khi xuống đến cấp xã hay bị tắc do trình độ cán bộ ở cấp này còn yếu dẫn tới lúng túng trong quá trình triển khai. Ông Bách đơn cử như công tác tuyên truyền có nói, cần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết gắn với phong trào xây dựng NTM, nhưng gắn như thế nào và ai là người thực hiện lại không đề cập cụ thể. Trước rất nhiều những ý kiến quan điểm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Ban Chuyên trách BCĐ TƯ Chương trình MTQG về xây dựng NTM Nguyễn Đăng Khoa khẳng định, Xây dựng NTM là cuộc vận động lớn, một phong trào mang quá trình lâu dài chứ không phải đơn thuần là một chương trình ngắn hạn. Phương châm xây dựng NTM là “Nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ”, phương châm này khác với khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, cần quan tâm đặc biệt tới phong trào thi đua khen thưởng trong dòng họ, làng xã vì việc làm này góp phần thúc đẩy các làng quê, dòng họ thi đua nhau phát triển. Đặc biệt, luôn luôn phát huy dân chủ để người dân thực sự làm chủ, phải tạo mọi điều kiện cho người dân được làm chủ, nếu không dân chủ sẽ chỉ dừng lại ở khẩu hiệu chung chung.
Huyện Văn Giang đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và gặp mặt kỷ niệm 25 năm tái lập
Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đợt cuối năm 2023
Quyết định số 283/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt cuối năm 2023
Hướng dẫn thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Quyết định ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025