Nâng cao giá trị thương hiệu nhãn Hưng Yên

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang tìm cách nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nhãn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Phát huy thế mạnh của địa phương
Có mặt tại huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) một ngày đầu tháng 7, trước mắt chúng tôi là những vườn nhãn bạt ngàn, trĩu quả. Từ năm 2011 đến 2017, diện tích trồng nhãn của huyện đã tăng gấp 4 lần (từ 402ha lên 1.600ha) và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Sản lượng nhãn năm 2016 của huyện đạt 18.000 tấn với tổng doanh thu từ nhãn lên đến 300 tỷ đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng  phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu cho biết: "Đối với nhãn có chất lượng tốt (chiếm 30-45% tổng sản lượng) được bán tại vườn với giá 40.000-50.000 đồng/kg thông qua đơn đặt hàng phục vụ các siêu thị, nhà hàng và xuất khẩu. Đối với nhãn quả chất lượng khá (chiếm 60-65% tổng sản lượng) có giá 25.000-30.000 đồng/kg do thương lái thu mua, được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, nhãn trên địa bàn huyện Khoái Châu đã đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2017, tổng sản lượng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu dự kiến khoảng 80 tấn.
Tuy vậy, việc sản xuất nhãn của huyện Khoái Châu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chi phí đầu tư khá lớn, yêu cầu trình độ thâm canh kỹ thuật cao... Cùng với đó là thị trường tiêu thụ nhãn còn nhiều bấp bênh, người sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái, mối quen. Vấn đề "được mùa mất giá" thường xuyên xảy ra, người nông dân bị ép giá dẫn đến giảm doanh thu, khiến họ không còn mặn mà với nghề trồng nhãn. Theo đó, để cạnh tranh được thì nhãn Hưng Yên phải nâng cao chất lượng quả hơn nữa để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Trước tình hình đó, huyện Khoái Châu đã hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng cây nhãn để bảo đảm và nâng cao chất lượng quả nhãn của địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Để phát triển thương hiệu nhãn, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, áp dụng các tiến bộ của khoa học vào canh tác, giúp nâng cao hơn nữa chất lượng quả nhãn, tăng khả năng cạnh tranh và đem lại doanh thu cao. Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết thêm, hiện nay huyện Khoái Châu đang phát triển mô hình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap với tổng diện tích nhãn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn là 14,23ha. Các sản phẩm nhãn khi xuất ra thị trường đều được dán tem mác chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, để thương hiệu nhãn Hưng Yên tăng thêm uy tín, có được niềm tin của người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu hiện sở hữu hai vườn nhãn diện tích 4ha cho biết: "Từ khi gia đình tôi áp dụng quy trình VietGap vào sản xuất, năng suất và chất lượng nhãn đã tốt hơn hẳn so với phương pháp truyền thống trước đây. Nhãn ra quả sai hơn, chất lượng cũng ngon hơn, đem lại doanh thu lớn. Vì vậy, thời gian tới gia đình tôi vẫn tiếp tục phát triển diện tích trồng nhãn để đưa những quả nhãn tươi ngon đến với người tiêu dùng".
Để có được những quả nhãn chất lượng như tiêu chuẩn hiện nay, những người trồng nhãn huyện Khoái Châu đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật (theo tiêu chuẩn VietGap) vào sản xuất với quy trình khép kín, chặt chẽ từ khâu cắt tỉa, tạo tán, bón phân, phù hợp theo từng thời điểm; tưới nước và giữ độ ẩm cho cây, chăm sóc để bảo đảm cây ra hoa tốt, đỗ quả nhiều, không bị rụng quả non. Mỗi cây nhãn đều được đánh số thứ tự và được chăm sóc, theo dõi mỗi ngày để bảo đảm chất lượng quả tốt nhất.
Theo anh Nguyễn Văn Thế, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng quả nhãn chính là giống cây trồng. Giống nhãn tốt sẽ cho ra những trái nhãn ngon, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ năm 2013-2015, huyện Khoái Châu có 9 cây nhãn được đưa vào danh sách bảo tồn giống; trong đó có 5 cây đạt tiêu chuẩn là cây nhãn đầu dòng (1 cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia và 4 cây đạt tiêu chuẩn nhân giống).
Nhờ áp dụng quy trình VietGap vào sản xuất, sản lượng nhãn của huyện đã tăng lên, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nhãn Hưng Yên, được người tiêu dùng tin tưởng và luôn bán được giá cao hơn nhãn thường 10-15%. Huyện Khoái Châu đã xác định nhãn là cây trồng chủ lực (chiếm 50% tổng diện tích cây ăn quả của vùng), đặc sản của địa phương, đem lại giá trị lớn nên được quan tâm quy hoạch, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành các biện pháp thâm canh, tăng cường các loại giống mới có chất lượng cao, thời gian thu hoạch khác nhau để nhãn Khoái Châu có thể thu hoạch được nhiều vụ trong một năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người tiêu dùng.
 
Theo Báo QĐND

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
210 người đang online