28/08/2024 | lượt xem: 6 Phát động cuộc thi "Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai" Tiếp nối thành công của các cuộc thi online những năm gần đây về chủ đề phòng, chống thiên tai cho trẻ em; năm nay, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông Nghiệp và PTNT) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức cuộc thi "Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai". Cuộc thi do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông Nghiệp và PTNT) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức. Tiếp nối thành công của Thử thách quay video “1 Phút Xanh” vì một Việt Nam xanh và sạch hơn năm 2020, Thử thách "1 phút xanh" - Cùng em hành động sớm năm 2022 và cuộc thi nhảy đồng diễn flashmob “Như cánh diều bay” năm 2023; năm nay, cuộc thi “Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai” hứa hẹn sẽ tiếp tục trở thành sân chơi bổ ích, lý thú ngoài giờ học, giúp các em học sinh có cơ hội tìm hiểu kiến thức, nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn trước thiên tai; đồng thời thể hiện bản thân, tiếng nói, góc nhìn, kêu gọi hành động thông qua các sáng kiến, giải pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong cuộc sống. THỜI GIAN TỔ CHỨC: Thời gian phát động: Từ 01/9/2024; Thời gian nhận bài thi: Từ 16/9/2024 - 13/10/2024 (4 tuần); Dự kiến kết quả cuộc thi sẽ được công bố trong vòng 01 tháng kể từ khi kết thúc thời gian nhận bài dự thi. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CUỘC THI: Phạm vi phát động: Toàn bộ các trường trung học cơ sở trên cả nước. Đối tượng: Học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi từ 11-15 tuổi. Thí sinh có thể dự thi theo cá nhân hoặc nhóm; khuyến khích các em học sinh vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số hoặc học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật tham dự. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC BÀI DỰ THI: Nội dung bài dự thi: Các thí sinh/ nhóm thí sinh xây dựng bản tin hoặc phóng sự thể hiện một trong các nội dung sau: - Thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu thể hiện qua góc nhìn của trẻ em, góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm và hành động của trẻ em, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai. - Phản ánh diễn biến tình hình, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến đời sống sinh hoạt tại nơi mình sinh sống, đồng thời đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp ứng phó, kỹ năng phòng chống thiên tai đến trẻ em, những người xung quanh và cộng đồng. - Đề xuất các giải pháp, sáng kiến góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi hành động nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; các ý tưởng sáng tạo khác liên quan đến phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. - Yêu cầu bắt buộc: Thí sinh dự thi (phóng viên nhí) phải dẫn trực tiếp (có ghi hình, thu âm trực tiếp) ít nhất 20 giây trong video tham dự. - Khuyến khích các bài dự thi: Nội dung sáng tạo, phù hợp, sát với thực tế thiên tai tại địa phương sinh sống; Thể hiện tự tin, lôi cuốn truyền tải thông điệp, kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai; Video được quay ngoại cảnh hoặc có hình ảnh, đồ họa mô phỏng đẹp, âm thanh tốt; Video có phụ đề tiếng Anh (không bắt buộc). Hình thức bài dự thi: - Thời lượng: Video có thời lượng từ 1 phút 00 giây - 2 phút 00 giây. - Yêu cầu thông số kỹ thuật về định dạng video: Định dạng .mp4; Tỷ lệ khung hình: Ưu tiên tỉ lệ 16x9 (Ưu tiên khung hình ngang), Chấp nhận video theo khung hình dọc 9x16 hoặc tỉ lệ 4:3.; Độ phân giải: Nên cung cấp video ở độ phân giải cao nhất hiện có. Khuyến khích từ độ phân giải FullHD 1080p trở lên (tối thiểu 1280 x 720 pixels). - Video dự thi được nộp trong nhóm Facebook Thử thách làm phim “1 phút xanh” (‘1-minute green’ video challenge). HƯỚNG DẪN CÁC BƯỚC THAM DỰ: Bước 1: Tìm hiểu kiến thức phòng chống thiên tai và xây dựng kịch bản Thí sinh/ nhóm thí sinh tìm hiểu thông tin, kiến thức về phòng chống thiên tai trên nguồn tin chính thống như: Mục Tài liệu Truyền thông trên website của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Fanpage Facebook “Thông tin phòng chống thiên tai”, kênh YouTube “Thông tin Phòng, chống thiên tai”; các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thanh uy tín của trung ương/ địa phương và các nguồn tin chính thống khác. Thí sinh/ nhóm thí sinh sáng tạo đưa ra ý tưởng, dựng kịch bản bản tin/ phóng sự về phòng chống thiên tai với các nội dung lồng ghép thông tin, kiến thức, kỹ năng hoặc thông điệp về phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Bước 2: Thực hiện dẫn bản tin/ phóng sự; quay và dựng video hoàn chỉnh Thí sinh/ nhóm thí sinh có thể sáng tạo ra video bài thi theo cách riêng của mình với bất kỳ thiết bị kỹ thuật số (như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, máy quay…); Tiến hành quay, biên tập, chỉnh sửa hậu kỳ, tạo hiệu ứng đồ họa…thành video hoàn chỉnh, đảm bảo thời lượng yêu cầu. Bước 3: Đăng tải video dự thi Đăng tải video dự thi trong nhóm Facebook Thử thách làm phim '1 phút xanh (‘1-minute green’ video challenge). (Nội dung dự thi ghi rõ: Họ và tên cá nhân/ nhóm dự thi; Tên trường, lớp; Địa chỉ, số điện thoại liên hệ; Tên tác phẩm dự thi và một số thông tin khác). Bước 4: Hoàn thiện phần dự thi bằng cách điền thông tin đăng ký tại đường link. Bước 5: Sau khi video hợp lệ được đăng tải, thí sinh/ nhóm thí sinh tiến hành kêu gọi bình chọn (lượt thích, bình luận, chia sẻ) video dự thi của mình. TỔNG GIÁ TRỊ GIẢI THƯỞNG, QUÀ TẶNG: 250 TRIỆU ĐỒNG Giải tương tác tuần: Mỗi tuần, Ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 video hợp lệ tốt nhất trên nhóm facebook “Thử thách làm phim 1 phút xanh” theo kết quả tính điểm tương tác (thích, thả tim, bình luận, chia sẻ,…trong đó điểm chia sẻ được tính nhân đôi). Lưu ý: Giải tuần dành cho các video tham dự tại tuần đó. Kết thúc mỗi tuần, video tham gia giải tuần sẽ tiếp tục được bình chọn và chấm điểm giải chung cuộc nhưng không được tham gia bình chọn các tuần kế tiếp. Tổng trị giá giải tương tác 04 tuần gồm: - 04 giải nhất: mỗi tuần 01 giải, trị giá 1 triệu đồng/ giải; - 08 giải nhì: mỗi tuần 02 giải, trị giá 500 nghìn đồng/ giải; (Ngoài ra, mỗi giải sẽ kèm theo giấy chứng nhận và quà lưu niệm từ Ban tổ chức sau khi kết thúc cuộc thi). Giải chung cuộc: Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo sẽ quyết định và công bố các giải dựa trên tổng điểm các tiêu chí chính như: Kịch bản, nội dung hay, sáng tạo; Phóng viên dẫn tự nhiên, truyền cảm, lôi cuốn; Kỹ thuật quay, dựng video tốt về chất lượng hình ảnh, màu sắc, âm thanh, đồ họa; Tương tác (gồm số lượng thích, bình luận, chia sẻ)…. *Trị giá Giải chung cuộc như sau: - 03 Giải Nhất: mỗi giải trị giá 3 triệu đồng; - 03 Giải Nhì: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng; - 04 Giải Ba: mỗi giải trị giá 1 triệu đồng; - 40 Giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 500 nghìn đồng; (Mỗi giải sẽ kèm theo giấy chứng nhận và quà lưu niệm từ Ban tổ chức) - 10 Giải phụ: mỗi giải trị giá 1 triệu đồng, kèm theo giấy chứng nhận và quà lưu niệm từ Ban Tổ chức, gồm: + 02 Giải “Phóng sự ấn tượng”: Dành cho 02 video có sự đầu tư quay dựng ở ngoại cảnh, có sử dụng tốt hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, đồ họa mô phỏng. + 02 Giải “Hình ảnh ấn tượng”: Dành cho 02 video được đầu tư về mặt trang phục/ bối cảnh/ hình ảnh để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng. + 02 Giải “Tác phẩm truyền cảm hứng”: Dành cho 02 video thể hiện chủ đề ấn tượng, nội dung/ kịch bản truyền cảm hứng, sáng tạo và thu hút. + 02 Giải “Phóng viên triển vọng”: Dành cho 02 video được đánh giá thí sinh có sự thể hiện tự tin, giọng nói truyền cảm, dẫn dắt lôi cuốn. + 02 Giải “Thông điệp sáng tạo nhất”: Dành cho 02 video thể hiện được thông điệp sáng tạo, ấn tượng về phòng, chống thiên tai. Quà tặng lưu niệm: Dành cho 72 video đạt Giải tương tác tuần, Giải chung cuộc và 400 video dự thi lọt vào vòng chung khảo (không gồm các video đã đạt giải). Mỗi bộ quà tặng bao gồm 01 quà lưu niệm và 01 chứng nhận từ Ban tổ chức. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC: - Các video dự thi phải do chính các cá nhân/ nhóm tự xây dựng kịch bản, thực hiện dẫn, ghi hình, quay dựng video, biên tập và gửi bài tham dự; yêu cầu đảm bảo tính bản quyền, không sao chép tác phẩm dự thi khác. - Các video dự thi nếu có sử dụng tư liệu, số liệu mang tính thống kê thì cần có trích dẫn/ chú thích rõ về nguồn thông tin. - Các video dự thi phải là các video chưa tham dự hay đạt giải thưởng của bất kỳ cuộc thi nào khác trước đây. Nội dung các video không vi phạm pháp luật Việt Nam. - Thí sinh dự thi cần được cha mẹ (hoặc người giám hộ) đồng ý cho phép tham gia cuộc thi. Trong trường hợp cần thiết, Ban tổ chức sẽ yêu cầu thí sinh gửi các xác nhận cho phép của cha mẹ (hoặc người giám hộ). - Khuyến cáo: Trong quá trình thực hiện video, thí sinh dự thi cần chủ động tránh những rủi ro, đề phòng tai nạn có thể xảy ra, đặc biệt không nên quay video tại các địa điểm đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai dễ gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác. Để đảm bảo an toàn, Ban tổ chức cuộc thi khuyến khích các thí sinh nên xin ý kiến và có sự giám sát của người lớn (phụ huynh hoặc thầy cô giáo) trong các hoạt động quay video. - Ban tổ chức sẽ không chịu các trách nhiệm về các rủi ro có thể xảy ra cho thí sinh trong quá trình thực hiện.Ban tổ chức có quyền sử dụng toàn bộ video tham gia cuộc thi để phục vụ cho các hoạt động truyền thông với mục đích phi thương mại. Nguồn: https://phongchongthientai.mard.gov.vn