Phát triển kinh tế trang trại thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Trang trại của tỉnh thời gian qua phát triển cả về số lượng, quy mô và giá trị sản phẩm hàng hóa. Các trang trại, gia trại đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, cải tạo những vùng đất, mặt nước trước đây có giá trị sản xuất thấp trở thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả. Đồng thời, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 743 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Vốn đầu tư bình quân của một trang trại đạt 3,2 tỷ đồng. Vốn đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất tại các trang trại chủ yếu là vốn tự có của chủ trang trại (chiếm khoảng 80%), còn lại là vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác (chiếm khoảng 20%). Tổng diện tích đất các trang trại đang sử dụng hơn 1.200 héc-ta. Với việc chủ động thực hiện các giải pháp trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các trang trại mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Bình quân một trang trại hiện nay có doanh thu 3,6 tỷ đồng/năm. Sự phát triển của trang trại và hiệu quả trong sản xuất đã tạo việc làm cho hơn 2,1 nghìn lao động, bình quân có khoảng 3 lao động/trang trại.

Trước yêu cầu nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhu cầu liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hàng hóa ngày càng cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ nông dân, các tổ chức đại diện cho nông dân phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, đến  tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Qua đó đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết như các vùng trồng hoa, cây cảnh, vùng trồng chuối tiêu hồng, trồng nhãn, cam, vải, chăn nuôi, thủy sản… Trong các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đã xây dựng được các sản phẩm liên kết, sản phẩm tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng có hiệu quả. Tiêu biểu trong lĩnh vực trồng trọt có trang trại của ông Hoàng Hữu Quốc, xã Tiên Tiến (Phù Cừ), diện tích 9,2 héc-ta, doanh thu khoảng 4,5 tỷ đồng/năm. Lĩnh vực chăn nuôi có các trang trại nuôi lợn của ông Vũ Đông Hà, xã Mễ Sở (Văn Giang), doanh thu 12 tỷ đồng/năm; trang trại của ông Trương Mạnh Quân, xã Phụng Công (Văn Giang), doanh thu 15 tỷ đồng/năm; trang trại của ông. Lĩnh vực thủy sản có trang trại của ông Nguyễn Trọng Hưng, xã Hạ Lễ (Ân Thi), doanh thu 1,23 tỷ đồng/năm, Nguyễn Đoàn Điệp, xã Quang Vinh (Ân Thi), doanh thu 6 tỷ đồng/năm. Lĩnh vực trang trại tổng hợp có trang trại của ông Nguyễn Văn Chính, xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), doanh thu 14 tỷ đồng/năm; trang trại của ông Đào Phúc Hưng, xã Thuần Hưng (Khoái Châu), doanh thu 6 tỷ đồng/năm.

Hiệu quả kinh tế từ các trang trại đã được khẳng định, tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại còn có một số khó khăn như: Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ. Đa phần các trang trại thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay còn gặp nhiều khó khăn… Với những quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (Thông tư số 02), các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và chủ trang trại giảm được thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại, do vậy, trang trại chỉ cần bảo đảm các tiêu chí theo Thông tư số 02 để làm căn cứ xác định đối tượng được hưởng các chính sách của Nhà nước áp dụng cho kinh tế trang trại. Đây là một chủ trương phù hợp với công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, được đa số chủ trang trại đồng tình và coi đó là một trong những yếu tố để tiếp tục phát triển.

Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, khẳng định vai trò đầu tàu trong sản xuất nông nghiệp tập trung, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, điện, hệ thống xử lý môi trường... các vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho trang trại. Tạo điều kiện cho các trang trại tiếp cận với các nguồn vốn, tham gia chương trình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm mới, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các trang trại, gia trại, nông dân liên kết, hợp tác để thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp; xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường tiêu thụ.

 

 

 

Nguồn tin: baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
70 người đang online