19/09/2024 | lượt xem: 4 Phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao Thời gian qua, không ít người dân đã bị lừa đảo bởi bọn tội phạm công nghệ cao thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đấu tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu. Các tội phạm công nghệ cao thường có nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi, luôn có sự thay đổi kịch bản căn cứ vào từng thời điểm, bám sát tính thời sự, làm người dân tin tưởng, trở thành nạn nhân, như: (1)- Tạo lập các Website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhữ" là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, chứng khoán... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản; (2)- Đăng tải thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong thời gian bị ảnh hưởng sau nhiều đợt bão lũ, thiên tai để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền quyên góp được; (3)- Giả danh cơ quan chức năng thông báo người dân hoặc người thân của họ có liên quan hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu họ phải cung cấp thông tin ngân hàng, thông tin cá nhân, chuyển tiền vào các tài khoản các đối tượng ấn định để chiếm đoạt; (4)- Các đối tượng “hack” chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội, sau đó, sử dụng công nghệ “Deep fake” để gọi điện cho người thân của người bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để nhờ chuyển khoản rồi chiếm đoạt; (5)- Lợi dụng chủ trương cắt sóng điện thoại 2G chuyền mạng 4G, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để chào bán các loại điện thoại không có chức năng 4G nhưng quảng cáo đầy đủ chức năng 4G để lừa bán cho người dân sau đó chiếm đoạt tài sản; (6)- Lợi dụng quy định phải xác thực sinh trắc học khuôn mặt mới được thực hiện các giao dịch chuyển khoản điện tử đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên; cập nhật dữ liệu Căn cước công dân, các đối tượng giả danh cán bộ Công an, nhân viên ngân hàng để gọi điện, nhắn tin cho người dân, yêu cầu họ cung cấp dữ liệu theo các đường link mà các đối tượng tạo ra để đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân quan trọng, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản... Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, cần phải phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử; làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bẫy lừa đảo của các đối tượng. Mỗi người cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Đồng thời, hãy trình báo cơ quan công an ngay khi có dấu hiệu bị lừa đảo ...Trên thực tế, cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên
Tổ chức các hoạt động Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024