Tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn tháng 4 năm 2022

Đăng ngày 27 - 04 - 2022
100%

1. Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

 Thời tiết trong tháng cơ bản thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển.

a) Trồng trọt- BVTV

 - Cây lúa

 Hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng- trỗ. Trong tháng 4 thời tiết ít mưa, lúa sinh trưởng phát triển chậm nhất là lúa gieo vãi muộn. Dự kiến lúa trỗ tập trung từ ngày 10-15/5 (chậm hơn so với vụ Xuân 2021 khoảng 5 ngày).

- Rau màu

 Đến ngày 25/4/2022, toàn tỉnh trồng được 6.480ha rau màu xuân, trong đó cây ngô 1.042ha, lạc, đậu tương 585ha, dược liệu 346ha, hoa cây cảnh 881ha, dưa chuột 93ha, còn lại là các cây rau màu khác 3.536ha. Các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, một số rau màu ngắn ngày đã cho thu hoạch. Diện tích thu hoạch rau màu xuân được 1.879ha.

 - Cây ăn quả

Cây nhãn: đang trong giai đoạn nở hoa- đậu quả non; cây vải đang trong giai đoạn phát triển quả non, cây có múi đang trong giai đoạn đậu quả-phát triển quả non. Thời tiết trong tháng cơ bản thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả trên vải và cây có múi đạt khoảng 60-70%.

 Hiện nay người dân đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phồng trừ sâu bệnh... tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng quả.

b) Bảo vệ thực vật

Sở đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường cán bộ kỹ thuật, phối hợp với các địa phương, bám sát đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác, kịp thời, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh gây hại hiệu quả nhằm không để  xảy ra dịch hại lớn trên cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Đến ngày 20/4/2022, trên cây lúa, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn gây hại  nhẹ trên một số giống nhiễm như: Nếp các loại, Q5, TBR 225,… tỷ lệ bệnh nơi cao 2-3% số lá, cục bộ >10% số lá, diện tích nhiễm 13ha (nhiễm nhẹ), nông dân đã phòng trừ 49ha; chuột gây hại nhẹ, cục bộ trên lúa chủ yếu ở khu vực ven gò, làng, khu công nghiệp, khu xen kẹp; tỷ lệ hại nơi cao 3-5% số dảnh, diện tích nhiễm 18,3ha; các loại sâu, bệnh khác trên rau màu, cây ăn quả gây hại rải rác, nông dân đang áp dụng các biện pháp phòng, trừ tích cực.

2. Chăn nuôi, thủy sản, thú y.

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, tại các trang trại tiếp tục tăng đàn, phát triển đàn trở lại, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tuy nhiên, do ảnh hưởng của nguồn vật tư đầu vào tăng nên phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn trở lại. Theo báo cáo nhanh của các huyện, thị xã, thành phố tổng đàn lợn hiện tại khoảng 468.000 con, đàn gia cầm trên 9,8 triệu con, đàn trâu, bò trên 36.000 con. Sở đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động chống nóng cho đàn gia súc, gia cầm.

- Thủy sản: Sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tăng cường kiểm tra tình hình khai thác cá Mòi trên sông Hồng; kiểm tra các cơ sở cho sinh sản nhân tạo, các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản phương pháp phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản. Triển khai 12 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản năm 2022 cho khoảng hơn 800 người trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố. Đến  ngày 25/4/2022, toàn tỉnh sản xuất và tiêu thụ khoảng 110 triệu con cá bột, ương san được 20 triệu con cá hương và cá giống các loại, thu hoạch khoảng 14.000 tấn cá thương phẩm (trong đó, khai thác 30 tấn, nuôi 13.970 tấn).

-  Thú y: Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm chỉ đạo; đã ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung  phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (Công văn số 275/SNN-TY ngày 28/3/2022 về việc chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; Công văn số 365/SNN-TY ngày 13/4/2022 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm). Kết quả tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm: vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò: 29.600 liều đạt 100%; Vắc xin 2 bệnh đỏ của lợn (Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng lợn) mỗi loại tiêm được: 244.420 liều đạt 100%; Vắc xin Cúm gia cầm 2.253.400 liều (879.389con gà;1.323.941con vịt, 50.070 con ngan) đạt 79,24%. Thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng  môi trường (từ ngày 15/3/2022 đến 15/4/2022) kết quả phun được 13.000 lít hóa chất khử trùng tương ứng với 13.000.000m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường đạt 100% so với kế hoạch;  kiểm dịch vận chuyển 6.750 con lợn giống; 3.476 con lợn thịt; 51.358 con gia cầm; 119.250 kg móng giò; 35.523 kg bì lợn sấy; 5.130 kg lông vũ; 740.769 kg thịt gia súc, gia cầm; 96.866 kg xúc xích, thịt hun khói; 15.200 kg da lợn; 28.730 kg phụ phẩm động vật; kiểm soát giết mổ 6.768 con gia cầm; 3.455 con lợn; kiểm tra và dán 160 tem vệ sinh thú y cho sản phẩm động vật.

3. Công tác Thuỷ lợi và Đê điều

- Công tác thủy lợi: Sở chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH MTM KTCTTL và các địa phương bám sát diễn biến thời tiết, theo dõi mực nước các sông trục; phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bơm nước tưới dưỡng cho lúa, nhất là thời kỳ làm đòng - trỗ bông; kiểm tra công trình, thiết bị, xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, thay thế máy móc, thiết bị, tu bổ bờ vùng và giải tỏa vi phạm, khơi thông dòng chảy; xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm 2022.

- Quản lý đê điều: Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý tình hình vi phạm pháp luật về đê điều; trong tháng không có vi phạm đê điều xảy ra; kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ và các phương án trọng điểm tỉnh Hưng Yên năm 2022; tham mưu xây dựng Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê chống lũ, bão năm 2022; Đôn đốc nhà thầu thi công thực hiện thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình sửa chữa, nâng cấp cống qua đê trạm bơm Triều Dương thuộc dự án đê tả sông Luộc kéo dài;  Kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2022, tỉnh Hưng Yên trình Tổng cục Phòng chống thiên tai thẩm định và phê duyệt.

4. Công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn.

Tham mưu UBND tỉnh các nội dung: Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 -2025; bộ chỉ tiêu khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; quy định chính chính sách hỗ trợ khen thưởng địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 -2025.

Tiếp tục triển khai nội dung công tác bố trí dân cư tại Dự án di dân, tái định cư vùng có nguy cơ sạt lở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên; Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Đôn đốc đơn vị thi công và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thi công đảm bảo khối lượng, chất lượng và kỹ thuật trong quá trình thi công xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp đường GTNT tại 03 xã: Thắng Lợi - huyện Văn Giang; Tân Châu - huyện Khoái Châu và Nguyên Hòa - huyện Phù Cừ.

5. Các công tác khác

- Kiểm lâm: Lập 01 biên bản tạm giữ tang vật và ra quyết định thu giữ tang vật 38 thanh gỗ trắc khối lượng 208 kg.

- Công tác Khuyến nông: Tổ chức 02 lớp tập huấn của Dự án xây dựng và phát triển mô hình thâm canh cam nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cam Hưng Yên cho 80 đại biểu. Tổ chức thực hiện Đề án Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 – 2025; triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản.

- Công tác Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Sở đã ban hành Kế hoạch số 59/KH –SNN ngày 05/4/2021 về triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022; chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra  hoàn thành 01 đoàn kiểm tra ATTP tại 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lấy 05 mẫu thực phẩm kiểm tra một số chỉ tiêu ATTP, kết quả không mẫu  nào phát hiện vi phạm. Hoàn thành 01 đoàn giám sát điều kiện đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản đợt 2 năm 2022 tại 49 cơ sở. Kết quả: Đoàn đã lấy 157 mẫu sản phẩm nông sản (trong đó có 88 mẫu thực vật, 69 mẫu sản phẩm động vật), kết quả 7 mẫu sản phẩm động vật dương tính với hàn the, 2 mẫu thực vật dương tính với nitrat.

Tin mới nhất

Tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn Quý I năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý...(01/04/2024 10:02 SA)

Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024(16/02/2024 12:27 CH)

Thu tiền tỉ từ trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ(02/02/2024 12:33 CH)

Nông dân Hưng Yên làm giàu từ trồng cây đào “tiến vua”(02/02/2024 12:30 CH)

Thông báo số 47/TB-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên v/v thông báo kết quả xếp hạng các...(30/01/2024 1:47 CH)

Phát triển du lịch nông thôn tỉnh Hưng Yên năm 2023(08/12/2023 12:40 CH)

Kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2023, vụ Đông 2023-2024(29/11/2023 12:56 CH)

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 11 năm 2023(24/11/2023 1:41 CH)

°
202 người đang online