Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại

Đăng ngày 10 - 05 - 2023
100%

Trong 05 năm qua, bệnh Dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh Dại. Nguy cơ bệnh Dại trên đàn chó, mèo xảy ra và lây truyền cho người là rất cao

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại và để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

1. Tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030; Kế hoạch số 243/KH-SNN-TY ngày 22/12/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản xụ xuân – hè năm 2023.

2. Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật. Giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, nơi nào kết quả tiêm phòng vắc xin thấp để bệnh Dại trên đàn chó, mèo xảy ra thì chủ tịch UBND cấp xã và cán bộ thú y nơi đó phải chịu trách nhiệm; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

- Chủ động bố trí kinh phí, tập trung tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo hàng năm theo kế hoạch của tỉnh (tiêm chính vụ: tháng 4, 5 và tiêm bổ sung: tháng 10, 11), đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng; yêu cầu các tổ chức, cá nhân tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ để duy trì miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh Dại phát sinh và lây lan trên đàn chó, mèo.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn y tế và thú y kịp thời báo cáo khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc

nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

- Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ.

- Tổ chức theo dõi, giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ chó, mèo, sản phẩm chó, mèo trái phép tại địa phương.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

+ Thường xuyên rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi và số chó, mèo nuôi trong từng hộ gia đình để phục vụ việc quản lý số lượng và tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo nuôi trên địa bàn;

+ Hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh thú y, không ảnh hưởng tới những người xung quanh, chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo theo quy định; người khi bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị dự phòng kịp thời

+ Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cưỡng chế tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo;

+ Thường xuyên kiện toàn và củng cố mạng lưới thú y cơ sở, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 01 nhân viên chăn nuôi thú y được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 172/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên.

- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại nhằm nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống bệnh Dại động vật; kiểm tra, xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó, mèo cắn người; giám sát, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng, kết quả tiêm phòng, xử phạt vi phạm hành chính của các cấp chính quyền địa phương;

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, đăng ký nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các khu đô thị, nơi đông dân cư, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần

thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại hiệu quả.

3. Đề nghị các sở, ngành liên quan

- Sở Y tế, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, phổ biến các quy định trong việc nuôi chó, mèo để nhân dân biết, thực hiện theo quy định và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại động vật theo Phụ lục 15 tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn phòng phòng, chống bệnh Dại động vật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng.

4. Yêu cầu Chi cục Thú y

- Báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh Dại trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).

- Chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân, cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý và tiêm phòng vắc xin đối với đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn.

- Triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo vụ xuân - hè năm 2023 theo đúng kế hoạch.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo trên địa bàn tỉnh.

Chi tiết:cv598do.pdf

Tin mới nhất

Về việc báo cáo kết quả thực hiện NQ số 330/2022/NQ-HĐND(15/03/2024 11:25 SA)

Về việc triển khai Quyết định số 2549/QĐ-UBND ngày 28/11/2023 của UBND tỉnh Hưng Yên(15/03/2024 11:21 SA)

Thông báo thông báo thay đổi thời gian tiêm phòng gia súc, gia cầm tại Kế hoạch số 08/KH-SNN-TY...(13/03/2024 11:27 SA)

Tập trung chăm sóc và bảo vệ cây trồng vụ Xuân năm 2024(05/03/2024 8:17 SA)

Về việc giải quyết khó khăn, bất cập trong quá trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh(04/03/2024 8:56 SA)

Tăng cường các biện pháp phòng,chống bệnh Dại động vật(28/02/2024 11:33 SA)

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(26/02/2024 7:32 SA)

Triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường (1/3/2024-31/3/2024)(26/02/2024 7:36 SA)

°
108 người đang online