Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 8 năm 2022

1. Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 02, từ ngày 10/8/2022 đến ngày 12/8/2022, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và kéo dài, đã làm cho một số diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng cục bộ. Theo tổng hợp báo cáo nhanh ngày 12/8/2022 của các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh có khoảng 1.730 ha rau màu, lúa, cây ăn quả bị ngập úng, trong đó diện tích lúa là 560ha, cây ăn quả là 830ha, rau màu, hoa cây cảnh là 340ha. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương và đã huy động các trạm bơm tiêu úng tích cực hiệu quả nên cơ bản khắc phục được diện tích ngập úng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cây trồng.
- Cây lúa:
Hiện nay cây lúa đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng và bắt đầu trỗ. Nhìn chung thời tiết hiện nay cơ bản thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển. Hiện nay trên lúa có một số đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và bệnh khô vằn ...
- Cây rau màu
Đến ngày 25/8/2022, toàn tỉnh trồng được 3.330 ha rau màu Hè -Thu, trong đó ngô 212 ha, dược liệu 33ha, hoa cây cảnh 786 ha, lạc, đậu tương các loại 46 ha, dưa chuột 34ha, rau màu các loại 2.9181ha.
 Do ảnh hưởng của mưa bão một số diện tích rau màu bị ngập úng và dập nát, người dân đã thu hoạch những diện tích rau đã đến kỳ thu hoạch và tiến hành chăm sóc diện tích rau còn lại. Đến ngày 25/8/2022, toàn tỉnh thu hoạch được 5.816 ha rau màu xuân hè. 
- Cây ăn quả
Trà nhãn sớm đã  thu hoạch xong, trà nhãn chính vụ đang cho thu hoạch rộ, giá bán trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg (loại nhãn Cùi ngon,T6, Đường phèn, cùi cổ có giá bán từ 50.000 – 60.000 đồng/kg).
Cây vải: người nông dân đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau khi thu hoạch như: dọn vệ sinh vườn, tỉa bỏ những cành sâu bệnh hại ....
Cây có múi: đang trong giai đoạn phát triển quả, hiện nay các hộ nông dân đang tiến hành các biện pháp chăm sóc và phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính trên cây ăn quả, đảm bảo ATVSTP.
- Bảo vệ thực vật:  
+ Diện tích nhiễm khô vằn 1.274 ha, đốm sọc - vi khuẩn diện tích nhiếm 131ha Lúa cỏ (lúa ma): Xuất hiện cục bộ ở một số ruộng đã bị nhiễm ở vụ trước, một số diện tích bị xâm nhiễm từ khu vực mà vụ trước xuất hiện lúa cỏ.
+ Trên cây rau màu Sâu xanh, sâu khoang gây hại rải rác trên các loại rau ăn lá, mật độ phổ biến 0,7-1 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2..
+Trên cây ăn quả 
  Trên cây có múi: Bệnh loét do vi khuẩn gây hại cục bộ; tỷ lệ hại nơi cao 5-7% số lá, quả.  Nhện rám vàng, nhện trắng gây hại cục bộ; tỷ lệ nơi cao 4-7% số lá, quả, cục bộ có vườn trên 10% số lá, quả. Ngoài ra, sâu đục cành, rệp sáp, bọ phấn gây hại nhẹ, rải rác; sâu vẽ bùa, bọ trĩ  gây hại ở một số cây ra lộc non.  
2. Chăn nuôi – thuỷ sản và công tác thú y
- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi phát triển đàn, tăng đàn chủ yếu ở các cơ sở đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo báo cáo nhanh của các huyện, thành phố, tổng đàn lợn tính đến thời điểm hiện tại khoảng 485.000 con (lợn nái 46.075 con, lợn thịt 437.945 con, lợn đực giống 980 con), đàn gia cầm trên 9600 nghìn, đàn trâu 5000 con, bò trên 30.200 con. Giá thịt lợn hơi giao động ở mức 65.000 - 70.000đ/kg thịt hơi, giá thịt gà Đông tảo lai từ 150.000-170.000đ/kg, giá thịt bò 86-90 ngàn đồng/kg. 
- Thú y: Sở đã chỉ đạo Chi cục Thú y và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản vụ Thu - Đông năm 2022; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện tốt, đã kiểm dịch vận chuyển  được 12.646 con lợn; 61.407 con gia cầm; 31.978 kg bì lợn sấy; 35.556 kg lông vũ; 782.184 kg thịt gia súc, gia cầm; 187.630 kg xúc xích, thịt hun khói; 7.000 kg da lợn.. kiểm soát giết mổ được 9.742 con gia cầm; 3.538 con lợn.; 
- Thuỷ sản: Toàn tỉnh sản xuất và kinh doanh được 430 triệu con cá bột, 155 triệu con cá hương và cá giống; sản lượng cá thương phẩm đạt 33.000 tấn (trong đó nuôi 32.925 tấn, khai thác 75 tấn).   
3. Công tác thuỷ lợi, quản lý đê điều 
- Thủy lợi: Sở chỉ đạo các Công ty KTCTTL và các huyện, thành phố, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, cập nhật mực nước trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh huy động 100% các trạm bơm tiêu hoạt động 24/24 h tiêu úng kịp thời cho diện tích úng do mưa lớn của cơn bão số 2, số 3.
-  Quản lý đê điều:  Công tác kiểm tra đê điều được chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nên trong tháng không có trường hợp vi phạm đê điều xảy ra; đã cấp được 02 biển xe hộ đê; 05 biển xe kiểm tra đê . Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường thường trực, phân công cán bộ đảm bảo việc trực ban, canh gác nước theo cấp báo động, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng, vật tư PCLB, sẵn sàng triển khai, ứng cứu khi bão, lũ xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”; đang đôn đốc nhà thầu thi công thiện hạng mục: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình sửa chữa, nâng cấp cống qua đê trạm bơm Triều Dương thuộc dự án đê tả sông Luộc kéo dài (đã thi công được 98% khối lượng). Tổ chức thi công các gói thầu của Hạng mục: Đầu tư xây dựng, nâng cấp đường đê đoạn từ K18+00 đến K20+700 đê tả sông Luộc, xây dựng đường hành lang chân đê từ K11+600 đến K20+700 đê tả sông Luộc.
4. Công tác Phát triển nông thôn 
- Công tác tham mưu: trình UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận Làng nghề Mộc Chi Lăng, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu; Làng nghề Mộc mỹ nghệ Mão Chinh, xã Dương Quang, thị xã Mỹ Hào; 
- Kiểm tra thực tế các sản phẩm OCOP đã được tỉnh đánh giá xếp hạng và các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022.
- Phối hợp Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung Chương trình OCOP; Hỗ trợ chủ thể xây dựng Clip sản phẩm OCOP và bán hàng livetream sản phẩm OCOP.
- Hoàn thành thi công công trình: Cải tạo, nâng cấp đường GTNT tại 03 xã: Thắng Lợi - huyện Văn Giang; Tân Châu - huyện Khoái Châu và Nguyên Hòa - huyện Phù Cừ theo Đề án phát triển kinh tế vùng bãi; Đôn đốc đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ thanh toán, quyết toán công trình; tổng hợp hồ sơ trình quyết toán theo quy định.
5. Công tác khác
Phối hợp với sở Công thương, tổ chức Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên, trưng bày 02 gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên; tham gia chương trình hội chợ trưng bày sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên tại AOEN Long Biên và Hà Đông; 
Kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã theo định kỳ, hoặc đột xuất trên địa bàn tỉnh theo quy định; hướng dẫn tuyên truyền thực hiện Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; hướng dẫn bàn giao 01 cá thể Rùa đất lớn cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương, cấp 01 mã số gây nuôi sinh trưởng, sinh sản cho cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quí, hiếm.
Hoàn thành đoàn giám sát chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả giám sát điều kiện đảm bảo ATTP tại 57 cơ sở, lấy 153 mẫu (trong đó 72 mẫu thực vật, mẫu động vật 81 mẫu)  kết quả 1/72 mẫu thực vật dương tính với nitrat, 6/81 mẫu sản phẩm động vật dương tính với hàn the.

Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên