Mô hình trồng chuối Xiêm kiếm tiền tỷ

Gia đình anh Vương Văn Thi ở xã Hùng Cường, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên là hộ nông dân chuyên trồng chuối. Do chủ động liên kết được với thương lái mua gom chuối ở tỉnh Thái Nguyên, anh Thi luôn có lợi nhuận cao.

Thời điểm này gia đình anh vừa thu hoạch xong 20ha chuối tây, sản lượng quả ước đạt 650 tấn, giá trị trên 5 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí vật tư và thuê mượn công lao động, anh Thi vẫn còn lãi hơn 3,5 tỷ đồng cho 18 tháng từ trồng đến thu hoạch, tương đương lợi nhuận đạt trên 2 tỷ đồng/năm.

Ngoài thu hoạch sản phẩm chính là quả chuối tây, gia đình anh Thi còn được thu các sản phẩm phụ như hoa chuối dùng làm rau gia vị cho các nhà hàng, lá chuối bán cho các chủ hộ chế biến giò, chả, nem chua để bao gói sản phẩm, thân cây dùng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuối con tách chồi từ cây mẹ có thể sử dụng làm giống trồng cho vụ kế tiếp, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Bên cạnh đó, ở thời vụ mới xuống giống, vườn chuối còn chưa khép tán, có thể xen canh thêm 1 - 2 vụ đậu tương, vừa gia tăng thu nhập, vừa tác dụng bồi dục đất, giữ ẩm vườn, giảm thiểu cỏ dại phát sinh gây hại... Các khoản thu phụ này, có thể đủ chi phí vật tư phân bón cho cây chuối trồng trong năm đầu.

07-17-02_dien_tich_trong_chuoi_dng_mo_rong_ox_hung_cuong
Diện tích trồng chuối của xã Hùng Cường đang được mở rộng

Anh Thi cho biết, để có nhiều diện tích canh tác chuối, gia đình anh đã thuê hoặc nhượng lại ruộng canh tác của một số hộ nông dân trong làng với giá 500 nghìn đến 1 triệu đồng/năm. Đồng thời, chọn giống chuối tây Thái Lan để trồng, cây sinh trưởng khoẻ, khả năng chống đổ ngã khá, quả to, năng suất cao, ít bị nhiễm virus vàng lá Panama.

Biết gia đình anh Thi sản xuất đạt hiệu quả cao, một số hộ nông dân trong xã cũng tích tụ đất canh tác, học hỏi kỹ thuật và liên kết cùng anh chuyển đổi diện tích các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp, sang trồng chuối tây. Đến nay, diện tích trồng chuối của địa phương này đã đạt trên 170ha, tăng gần 100ha so với cùng kỳ năm 2013 và trở thành một trong số ít vùng trồng chuối tây trù phú của Hưng Yên.

Bà Phạm Thị Tịnh, chủ hộ nông dân cùng xã đã so sánh, ở vùng đất bãi không chủ động tưới tiêu này, trồng 1 sào đỗ, lạc hoặc cây màu nào đó cũng chỉ được lãi dưới 2 triệu đồng mỗi năm, không bằng nửa tháng đi làm dịch vụ thương mại hoặc lao động phổ thông... Vì vậy bà cùng một số hộ nông dân khác thâm canh cây trồng không được hiệu quả cao, đã cho thuê lại ruộng khoán để mở mang ngành nghề mới có thu nhập cao hơn, lại không phải lo sâu bệnh, hạn hán, úng ngập và tiêu thụ nông sản...

07-17-02_bo_goi_chuoi_de_du_di_tieu_thu_x
Bao gói chuối đưa đi tiêu thụ

Sau khi tham quan mô hình trồng chuối tây Thái Lan hiệu quả của các hộ nông dân xã Hùng Cường, TS Trần Ngọc Hùng, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu rau quả lưu ý: “Bản chất giống chuối tây Thái Lan ở đây là giống chuối Xiêm, đã trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam từ lâu. Khi di thực ra các tỉnh miền Bắc, chuối Xiêm đã thể hiện được khả năng thích ứng cao với đặc điểm sinh thái trong vùng và phát huy được nhiều đặc tính ưu tú như đã nêu trên.

Tuy nhiên, khi tách chồi chuối con từ vườn cây mẹ thương phẩm để làm giống, nhà vườn cần tuân thủ triệt để các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh chính như, bón cân đối đạm, lân, kali. Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục cho chăm bón. Khử trùng dụng cụ bằng nước vôi trong sau mỗi lần đào tách cây con, hoặc gọt bỏ rễ thân ngầm trên cây giống.

Chỉ sử dụng cây giống tách chồi trồng cho 1 - 2 thời vụ, sau đó trồng bằng cây giống nuôi cấy mô, để tránh rủi ro dịch bệnh nguy hiểm. Để canh tác chuối bền vững, cần luân canh chuối với cây ngô hoặc cây trồng khác, chu kỳ luân canh từ 3 - 5 năm”.

http://nongnghiep.vn