Sức sống nông thôn mới ở Hưng Yên

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng 2030, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng 25% số xã trong toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn NTM, năm 2020 có 60% số xã và đến năm 2030 cơ bản các xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn NTM. Sau 3 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nông thôn ngày một khởi sắc.

Ngay khi bước vào thực hiện, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực, chung sức tạo nên một khí thế sôi nổi, huy động mọi nguồn lực để thực hiện với những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, cách làm phù hợp với đặc điểm ở mỗi địa phương. Công tác tuyên truyền vận động luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện thường xuyên và liên tục theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu tạo sức lan tỏa đến tận cơ sở, được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều địa phương đã hưởng ứng phát động phong trào, tổ chức các hoạt động thực hiện như vận động hiến đất, chỉnh trang nông thôn, xây dựng văn hóa NTM... Trong 3 năm, các hội, đoàn thể đã tổ chức được gần 3 nghìn lớp tuyên truyền, tập huấn, dạy nghề cho gần 280 nghìn lượt người tham dự với các nội dung về kiến thức pháp luật, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống tệ nạn xã hội, các chuyên đề về xây dựng NTM; vận động hội viên hiến trên 340 nghìn m2 đất để xây dựng hạ tầng nông thôn, đóng góp trên 116 nghìn ngày công để làm đường giao thông và các công trình công cộng, đóng góp gần 180 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. Ngoài ra, Ban chỉ đạo của tỉnh đã tổ chức được 50 lớp đào tạo, tập huấn cho gần 4.300 cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở. 
 
Một góc xã Phụng Công (Văn Giang)
Một góc xã Phụng Công (Văn Giang)

Trong công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2012, các xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch. Qua 3 năm, tỉnh đã phân bổ hơn 34,5 tỷ đồng cho các xã để thực hiện công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Với nhiều biện pháp thực hiện, đến tháng 6.2013, 100% các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn thành công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM, đồng thời tích cực triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, công bố, cắm mốc chỉ giới theo quy hoạch NTM. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh, trung bình hàng năm toàn tỉnh đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong năm 2013, toàn tỉnh đã đầu tư trên 10,5 nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, làm mới hơn 200 km và nâng cấp 264 km đường giao thông nông thôn, trang bị đài truyền thanh không dây cho 30 xã. Nhân dân đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên gia đình, phát triển sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, trong năm 2013, tỉnh hỗ trợ 40 tỷ đồng cho các xã làm đường giao thông thôn, xóm. Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân… với kinh phí trên 80 tỷ đồng. Các hội, đoàn thể tích cực phát huy vai trò trong công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên. Tiêu biểu như: Hội phụ nữ hỗ trợ 17.789 hội viên vay tổng số vốn 52,8 tỷ đồng không lấy lãi để phát triển sản xuất; hội nông dân nhận ủy thác và hỗ trợ cho gần 35 nghìn hội viên vay trên 942 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, phối hợp với các công ty giúp nông dân mua trả chậm bình quân mỗi năm khoảng 6.500 tấn phân bón.

Bằng nhiều hình thức triển khai thực hiện, việc huy động nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tăng nhanh. Sau 3 năm đã huy động gần 460 tỷ đồng đầu tư làm mới, duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây mới 7 trạm bơm, đưa tổng số trạm bơm, đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn đạt trên 1.164 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các chợ và hệ thống thương mại với tổng vốn huy động được khoảng 30,3 tỷ đồng, tỉnh đã huy động và hỗ trợ xây dựng được 2.169 căn nhà cho các hộ nghèo với tổng kinh phí 78,716 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, chính trị, trật tự an toàn xã hội… có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Cải tạo đường giao thông nông thôn tại thị trấn Lương Bằng (Kim Động)
Cải tạo đường giao thông nông thôn tại thị trấn Lương Bằng (Kim Động)

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, ở các địa phương phong trào xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM được phát huy hiệu quả, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, trở thành phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, khơi dậy được nguồn lực và sức mạnh tổng hợp trong nhân dân. Sau 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NTM được trên 2,5 nghìn tỷ đồng, nguồn lực trên được đóng góp bằng sự chung tay góp sức của người dân địa phương và các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhân dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng hạ tầng nông thôn được trên 340 nghìn m2.  Có được kết quả đó, ban chỉ đạo xây dựng NTM các địa phương đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để luôn đồng hành với những nhiệm vụ khác. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu, tin và làm theo bằng nhiều hình thức như: Trên hệ thống truyền thanh, trong các cuộc họp từ xã đến các hội, đoàn thể, các thôn… Do vậy, nhận thức của cán bộ và người dân được nâng cao, xây dựng được sức mạnh của toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng NTM.

Thực hiện theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM, đến hết năm 2013, toàn tỉnh đạt bình quân 9,3 tiêu chí/xã, tăng 2,5 tiêu chí/xã so với năm 2012. Trong đó có 2 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 43 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 100 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Nhiều địa phương đang trên chặng đường nước rút để sớm về đích trong thực hiện xây dựng NTM, đạt nhiều tiêu chí như các xã: Tân Quang (Văn Lâm), Mễ Sở (Văn Giang), Nhật Tân (Tiên Lữ), Bình Minh (Khoái Châu)…
Sau 3 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM được các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, được đông đảo người dân đón nhận tích cực. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp và bước đầu tạo được phong trào thi đua tại các địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng, triển khai sâu rộng tới quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau, nội dung truyền tải phong phú, đa dạng. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn được các cấp, ngành quan tâm, mức đầu tư được nâng cao qua các năm. Xây dựng hạ tầng nông thôn được thực hiện và quản lý theo đúng dự án được duyệt và quy định. Đầu tư phát triển sản xuất được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn từng bước được cải thiện.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, theo ông Đặng Văn Sỹ, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh: Thời gian tới, các ngành, địa phương cần có những giải pháp, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn chương trình MTQG, hỗ trợ và quản lý đầu tư các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật NTM. Chỉ đạo và hướng dẫn đẩy mạnh triển khai công tác dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp. Các địa phương tăng cường công tác rà soát, kiểm tra chất lượng quy hoạch xây dựng NTM, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM, đưa kết quả xây dựng NTM là một tiêu chí để xét thi đua của tập thể, cá nhân hàng năm. Giao chỉ tiêu kế hoạch hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM cho từng xã, theo hướng mỗi năm phải hoàn thành từ 2 - 3 tiêu chí. Tập trung vận động, hướng dẫn hộ dân tự cải tạo, sửa sang nhà ở, công trình vệ sinh, cải tạo ao, vườn, chỉnh trang tường rào, cổng, ngõ để có cảnh quan đẹp. Xây dựng quy ước, hương ước làng, xã về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xây dựng văn hoá gia đình, dòng họ, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, bảo đảm an ninh trật tự.
baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
100 người đang online