28/02/2024 | lượt xem: 2 Tăng cường các biện pháp phòng,chống bệnh Dại động vật Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Trong năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên; tính riêng từ ngày 01/01 đến ngày 20/02/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh Dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Công văn:cv (2).pdf Một số nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh Dại gia tăng là do: công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương còn lơ là, chủ quan; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại còn thấp; vi rút dại còn lưu hành trên động vật; hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng vẫn còn phổ biến làm cho số người bị chó cắn tăng cao; việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế; nhiều người bị chó, mèo cắn chủ quan không đến các cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn và điều trị dự phòng; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bệnh dại và việc xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Để chủ động, tăng cường trong công tác phòng, chống bệnh Dại, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 26/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau: 1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố - Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030; Các văn bản của Sở Nông nghiệp và PTNT: Công văn số 297/SNN-TY ngày 23/02/2024 về việc triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; Kế hoạch số 08/KH-SNN-TY ngày 04/01/2024 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản vụ xuân – hè năm 2024, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90% số chó, mèo trong diện tiêm nhằm đáp ứng duy trì miễn dịch quần thể để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật; - Bố trí kinh phí, nhân lực, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh Dại xảy ra; - Thường xuyên kiện toàn và củng cố mạng lưới thú y cơ sở, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 01 nhân viên chăn nuôi thú y được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 439/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh; - Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, trường học, người chăn nuôi, giết mổ chó, mèo và các tổ chức, cá nhân liên quan về quy định quản lý đàn chó, mèo, tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống bệnh theo Phụ lục 15, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Thành lập các đoàn công tác của các huyện, thị xã, thành phố trong đó có thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn như: Thú y, Nông nghiệp, Y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại động vật; - Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn: + Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện bệnh Dại trên động vật nhằm phát hiện sớm và xử lý triệt để các ca bệnh Dại ở động vật theo quy định; + Tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo ở từng khu dân cư; lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, mèo trong từng hộ gia đình để phục vụ việc quản lý số lượng, tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo nuôi; + Yêu cầu các hộ nuôi chó: Cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, đăng ký và nuôi nhốt chó, mèo bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh, thực hiện việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo theo quy định và tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ để duy trì miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh Dại phát sinh và lây lan trên đàn chó, mèo; + Thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông nơi công cộng; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 2. Đề nghị Sở Y tế: Thực hiện giám sát bệnh Dại trên người; tăng cường chia sẻ thông tin với Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thú y) về các trường hợp bệnh Dại trên người, người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại,... và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh Dại xảy ra. 3. Đề nghị đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên: Phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh Dại động vật, quản lý đàn chó, mèo; các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại; sự nguy hiểm, tính chất lây nhiễm của bệnh Dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật. 4. Yêu cầu Chi cục Thú y - Chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân, cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý và tiêm phòng vắc xin đối với đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn. - Kịp thời cung ứng vắc xin Dại, hóa chất khử trùng tiêu độc cho các địa phương để triển khai thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo vụ xuân – hè năm 2024 và thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc đảm bảo hiệu quả, đúng kế hoạch. - Triển khai lấy mẫu khi có động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại để xét nghiệm, phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, thông báo kịp thời cho ngành Y tế khi phát hiện bệnh Dại trên động vật. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trên. Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên
Về việc phát triển mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông, chuẩn bị sản xuất vụ Xuân và chủ động điều khiển ra hoa trên nhãn, vải
Về việc cơ chế hỗ trợ bán giảm giá giống ngô, giống khoai tây cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phục hồi hoạt động của công trình thủy lợi sau mưa, lũ do ảnh hưởng của Cơn bão số 3