04/06/2024 | lượt xem: 6 Tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, bão và công tác chuẩn bị phòng, chống úng năm 2024 Công văn số 921/SNN-TL ngày 31/05/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNTV/v tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, bão và công tác chuẩn bị phòng, chống úng năm 2024 Văn bản: CV bảo đảm an toàn công trình 2024.pdf Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 27/5/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, bão năm 2024; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống úng của các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên; kết quả các đơn vị đã xây dựng phương án phòng chống úng nội đồng năm 2024, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên đã tổ chức kiểm tra, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tu sửa 130 trạm bơm, 09 hạng mục công trình xây lắp và trục vớt trên 13 triệu m2 bèo, sen. Tuy nhiên, qua kiểm tra công trình, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhất là những tồn tại về ách tắc dòng chảy, an toàn công trình và khả năng chống tràn sông trục, kênh mương do việc đắp đập ngăn dòng, lấp dòng chảy và đào hạ thấp cao độ mặt bờ sông trục để phục vụ thi công một số dự án đường giao thông, hạng mục khu công nghiệp..., cụ thể: - Sông Bần-Vũ Xá (địa phận thị xã Mỹ Hào): Dự án xây dựng đường giao thông và kè sông Bần Vũ Xá do UBND thị xã Mỹ Hào làm Chủ đầu tư, còn tồn tại 05 đập ngăn dòng chưa phá bỏ triệt để, phía bờ tả sông (bờ trái thuộc xã Cẩm Xá dài khoảng 1.100m và xã Hòa Phong dài khoảng 750m) bị đào hạ thấp cao trình đỉnh bờ xuống từ 1,0 đến 1,2 m (có đoạn bằng mặt ruộng) chưa được khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng bờ kênh. - Kênh Quyết Thắng, kênh Hiệp Hòa và kênh La Tiến (địa phận huyện Phù Cừ): Dự án đường Tân Phúc-Võng Phan do Ban QLDA công trình giao thông-Sở Giao thông vận tải làm Chủ đầu tư, còn tồn tại các đập ngăn dòng, các điểm san lấp lòng kênh chưa phá bỏ, nạo vét khơi thông dòng chảy. - Kênh tiêu Hồ Chí Minh: Dự án KCN Thăng Long II (giai đoạn 3) do Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II làm Chủ đầu tư còn tồn tại 2 đập ngăn dòng (phục vụ thi công cống kết nối đường của Dự án) chưa phá bỏ, nạo vét khơi thông dòng chảy. - Kênh Tam Bá Hiển (địa phận huyện Văn Giang), kênh Ngưu Giang (địa phận huyện Yên Mỹ): Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội do Ban QLDA công trình giao thông-Sở Giao thông vận tải làm Chủ đầu tư, tồn tại cao độ đáy, kích thước mặt cắt cống, kênh dẫn dòng phục vụ thi công các cầu, cống ngang đường chưa bảo đảm việc dẫn dòng tiêu thoát nước khi có mưa, úng xẩy ra. - Kênh tiêu chính trạm bơm Quang Trung 2 hoàn trả: Dự án khu công nghiệp Sạch do Công ty TNHH đầu tư và phát triển khu công nghiệp VTK Hưng Yên làm chủ dự án, đã thực hiện xây dựng hoàn trả tiêu chính trạm bơm Quang Trung 2; tuy nhiên, còn tồn tại cao độ đáy kênh hoàn trả (từ vị trí k0+400 tại cọc 40 đến vị trí k1+500 tại cọc 95 là +0,0m đến +1,2m) cao hơn cao độ đáy kênh đã thỏa thuật tại Biên bản thỏa thuận ngày 20/7/2020 (cao độ đáy kênh thiết kế ≤ 0,0m), làm ảnh hưởng đến việc kết nối hạ tầng thủy lợi khu vực và năng lực tiêu thoát nước của kênh. - Trên tuyến đê tả sông Hồng có hai sự cố chưa được đầu tư xử lý gồm: Tuyến kè Phi Liệt khu vực cửa kênh xả ra sông Hồng trạm bơm Liên Nghĩa, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang tương ứng K83+842 đê tả sông Hồng, huyện Văn Giang đang bị sạt lở chân kè và cơ kè xếp rọ đá với kích thước (bxh)xL = (10m x 2m) x 15m; tuyến kè Phú Mỹ, xã Đức Hợp mái kè một số vị trí xuất hiện sụt, lún cục bộ tại 3 khu vực: cách đầu kè về hạ lưu 20, 40, 200m, chiều sài sụt, lún khoảng 7m, 10m, 5m và đoạn hạ lưu tiếp giáp với kè có chiều dài khoảng 300m, đê tả sông Hồng, huyện Kim Động, những năm trước đã xuất hiện sự cố sạt lở, hiện nay lại có xu hướng sạt lở mở rộng, sạt lở đứng thành lấn sâu vào bãi sông. Để phục vụ công tác phòng chống úng, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, bão năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: 1. Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên, Ban QLDA Đầu tư công trình giao thông-Xây dựng tỉnh Hưng Yên, Ban QLDA công trình giao thông- Sở Giao thông vận tải, Ban QLDA ĐTXD công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển khu CN VTK Hưng Yên, Ban QLDA các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị làm Chủ đầu tư dự án liên quan đến công trình, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều tập trung chỉ đạo nhà đầu tư các khu, cụm công nghiệp và nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, khẩn trương phá bỏ các đập ngăn dòng, nạo vét các điểm san lấp khơi thông dòng chảy sông trục, kênh mương; hoàn thành các hạng mục công trình thủy lợi, đê điều xong trước ngày 15/6/2024 để phục vụ phòng chống úng năm 2024; tuyệt đối không được cắt, xẻ đê và không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa bão. Đối với dự án xây dựng đường giao thông và kè sông Bần Vũ Xá, đề nghị UBND thị xã Mỹ Hào khẩn trương chỉ đạo Ban QLDA và nhà thầu thi công tập trung hoàn trả ngay bờ tả sông Bần Vũ Xá bảo đảm năng lực phòng chống úng và an toàn, ổn định công trình; dự án đường Tân Phúc-Võng Phan và dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội, đề nghị Ban QLDA công trình giao thông-Sở Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo nhà thầu thi công nạo vét ngay các đoạn san lấp, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh Quyết Thắng, kênh Hiệp Hòa và kênh La Tiến,…, khắc phục các tồn tại về cao độ đáy, kích thước mặt cắt cống, kênh dẫn dòng phục vụ thi công các cầu, cống ngang đường bảo đảm phục vụ phòng chống úng; dự án KCN Thăng Long II (giai đoạn 3), đề nghị Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II phá bỏ đập ngăn dòng, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh tiêu Hồ Chí Minh; dự án khu công nghiệp Sạch, đề nghị Công ty TNHH đầu tư và phát triển khu công nghiệp VTK Hưng Yên khắc phục cao độ đáy kênh tiêu chính trạm bơm Quang Trung 2 hoàn trả bảo đảm kết nối hạ tầng thủy lợi và đáp ứng năng lực tiêu thoát nước cho khu vực. Đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả chỉ đạo, thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/6/2024; thủ trưởng các Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xẩy ra úng ngập, ảnh hưởng đến dân sinh, sản xuất, tài sản, tính mạng, an toàn công trình,….do các tồn tại nêu trên gây ra. 2. UBND các huyện, thị xã, thành phố: a) Về thủy lợi nội đồng: - Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, giải tỏa vi phạm gây ách tắc dòng chảy sông trục, kênh mương trên địa bàn. - Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực theo phương án phòng chống úng đã được duyệt, sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống xẩy ra. - Thường xuyên kiểm tra, tổng hợp tình hình phòng chống úng và công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy lợi). b) Về đê điều: Đề nghị UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên: - Rà soát các trọng điểm xung yếu, lưu ý công trình đang thi công dở dang, các cống xung yếu, cống mới xây dựng chưa qua thử thách, cống lớn qua đê (đặc biệt lưu ý đối với các cống qua đê như: Cống Xuân Quan, cống trạm bơm Liên Nghĩa, cống trạm bơm Nghi Xuyên, cống Trung Châu, cống Liên Khê, cống trạm bơm Triều Dương, cống Võng Phan, ...); hoàn thiện, phê duyệt các phương án bảo vệ trọng điểm, trong đó xác định tình huống giả định sát thực tế, hợp lý và cần xác định cụ thể khối lượng, phương án huy động vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhân lực, đường vận chuyển, thời gian tập kết, … phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân đảm bảo chủ động khi có tình huống xảy ra trên thực tế. - Tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 01/10/2019 nhất là tình trạng vi phạm xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên bãi sông, xe quá tải trọng trên các tuyến đê. - Chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật xử lý sự cố giờ đầu đê điều, diễn tập xử lý sự cố đê điều, hộ đê, phòng chống lụt, bão. - Tăng cường công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay giờ đầu các sự cố có thể xẩy ra; bảo đảm công tác trực ban, thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời về Văn Phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Chi cục Quản lý đê điều và PCLB). - Tổ chức ra quân phát quang dọn dẹp mái đê, chân đê, điếm canh đê phục vụ công tác tuần tra canh gác, xử lý sự cố trong mùa mưu lũ; hiệp đồng với lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh về phương án bố chí lực lượng, phương tiện hộ đê trên địa bàn. - UBND huyện Văn Giang, huyện Kim Động: Theo dõi chặt chẽ diễn biến với 02 sự cố trên tuyến đê tả sông Hồng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xẩy ra. 3. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên: - Tiếp tục kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thay thế thiết bị công trình thủy lợi bảo đảm 100% công trình thủy lợi tham gia phòng, chống úng vận hành an toàn và hiệu quả. - Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực theo phương án phòng chống úng đã được duyệt, sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống xẩy ra. - Thực hiện quản lý tài sản, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kịp thời ngăn ngừa các hoạt động gây ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác bảo đảm nhiệm vụ tưới, tiêu nước của công trình thủy lợi. - Phối hợp với các Chủ đầu tư, đôn đốc nhà thầu thi công khẩn trương phá bỏ các đập ngăn dòng, nạo vét các điểm san lấp khơi thông dòng chảy và hoàn trả công trình thủy lợi bảo đảm yêu cầu kỹ thuật công trình. - Thường xuyên báo cáo tình hình phòng chống úng và công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy lợi). 4. Công ty điện lực Hưng Yên: Tiếp tục kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện bảo đảm an toàn, chất lượng và thời gian cấp điện cho các trạm bơm tham gia phòng, chống úng. 5. Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên: Tăng cường thông tin, truyền thông về công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và tình hình mưa, bão lũ; phòng chống lụt, bão, úng ngập năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để chủ động ứng phó với các tình huống xẩy ra. 6. Chi cục Thủy lợi, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tăng cường công tác thường trực, trực ban để kịp thời theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến và số liệu liên quan về công tác phòng chống úng, các sự cố công trình (nếu có); chủ động tham mưu cho Sở và UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành kịp thời. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương phối hợp, thực hiện./. Sở Nông nghiệp và PTNT
Về việc phát triển mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông, chuẩn bị sản xuất vụ Xuân và chủ động điều khiển ra hoa trên nhãn, vải
Về việc cơ chế hỗ trợ bán giảm giá giống ngô, giống khoai tây cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra