Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT: trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con; trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con. Đặc biệt, tại Căm-pu-chia trong năm 2023 đã có 06 người bị nhiễm vi rút CGC A/H5N1 (trong đó có 04 ca tử vong); từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến dịch bệnh CGC tại quốc gia này vẫn tiếp tục phức tạp, đã có 04 người nhiễm CGC A/H5N1 (trong đó có 01 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.

Để chủ động ngăn chặn các ổ dịch CGC trên gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và thực hiện nghiêm Công văn số 1140/BNN-TY ngày 20/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2019 – 2025; Kế hoạch số 08/KH-SNN-TY ngày 04/01/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản vụ Xuân – Hè năm 2024.
- Bố trí kinh phí, nhân lực, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó khi có dịch Cúm gia cầm xảy ra;
- Thường xuyên kiện toàn và củng cố mạng lưới thú y cơ sở, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 01 nhân viên chăn nuôi thú y được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 439/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, kinh doanh và vận chuyển gia cầm, thịt gia cầm;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn và người chăn nuôi: thường xuyên rà soát, thống kê và quản lý chặt chẽ số lượng, sự biến động đàn gia cầm của địa phương; chủ động chỉ đạo, giám sát, phát hiện dịch bệnh Cúm gia cầm nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, làm phát tán dịch bệnh, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, làm thiệt hại kinh tế, gây bức xúc cho người dân;
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động giám sát, phát hiện sớm gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh cúm gia cầm, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Khuyến cáo chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin bắt buộc đối với bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ trên 90% gia cầm trong diện tiêm phòng tại thời điểm tiêm.
2. Đề nghị Sở Y tế: chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
3. Đề nghị Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên: có nhiều tin, bài về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo quy định.
4. Yêu cầu Chi cục Thú y
- Tăng cường phân công lãnh đạo, cán bộ xuống các địa phương để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm;
- Tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động và giám sát bị động trên đàn gia cầm khi có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm để xét nghiệm, phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm;
- Thực hiện hiệu quả việc kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Kịp thời phối hợp với các địa phương, cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
- Đẩy mạnh việc hướng dẫn, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh.
Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
23 người đang online