Tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ Mùa năm 2024

Theo báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp của các huyện, thị xã, thành phố, đến ngày 15/7/2024, toàn tỉnh đã cơ bản gieo, cấy xong, đạt 99,5% kế hoạch, chăm sóc lần 1 được 22.228 ha, chăm sóc lần 2 được 15.150ha; trồng rau màu vụ Hè - Thu được 3.143ha, trong đó cây ngô 569ha, dược liệu, HCC 397ha, lạc, đậu tương 162ha, rau màu các loại 2.015ha.

Văn bản: Công văn chỉ đạo chăm sóc vụ Mùa 2024.pdf

Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chủ động ứng phó với sâu, bệnh hại và các điều kiện bất thuận của thời tiết, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và nông dân thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Đối với cây lúa
- Đối với diện tích lúa gieo thẳng, mới cấy: Tiến hành dặm, tỉa đảm bảo mật độ, duy trì mực nước láng mặt ruộng, bón thúc ngay để cung cấp dinh dưỡng cho lúa đẻ nhánh tập trung.
- Đối với diện tích lúa đã bón thúc lần 1, tiến hành dặm bổ sung những khóm lúa bị chết, bị dịch hại cắn phá để ổn định mật độ và thực hiện bón thúc lần 2 ở giai đoạn làm đòng để tăng số bông hữu hiệu tăng, tăng tỷ lệ hạt chắc/bông, tạo tiền đề nâng cao năng suất.
- Tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, NPK tổng hợp, loại chuyên dùng bón thúc lúa để bón cho lúa, lượng bón theo quy trình khuyến cáo của nhà sản xuất đối với từng loại phân và nhu cầu của từng giống lúa. Khi bón thúc, đặc biệt là bón thúc lần 2 nên sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng kali cao để bón và bón theo nguyên tắc “5 đúng và 1 cân đối”.
- Điều hành nước theo quy trình “nông - cạn - sâu” (ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, giữ mực nước nông khoảng 2-3cm để lúa đẻ nhánh tối đa và hữu hiệu, sau đó rút nước phơi ruộng, để ruộng khô khoảng 7 ngày ở cuối giai đoạn đẻ nhánh nhằm hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, ở giai đoạn làm đòng, cần đưa nước sâu khoảng 7-10cm để lúa làm đòng được thuận lợi). Tuyệt đối không để ruộng thiếu nước, khô cạn hoặc ngập úng trong giai đoạn từ sau cấy đến lúa đẻ nhánh.
2. Đối với cây rau màu
- Chỉ đạo tập trung trồng và chăm sóc rau màu vụ Hè - Thu, đảm bảo đủ nước để cây rau, màu sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
- Vun cao luống, khơi thông rãnh thoát nước để thuận lợi cho tiêu thoát nước, che chắn các diện tích cây rau màu để hạn chế bị dập nát, úng ngập do mưa bão gây ra.
- Sau mưa lớn tiến hành xới xáo phá váng, dọn sạch tàn dư thực vật, dựng lại giàn,... tiến hành chăm sóc, trồng lại, .... đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
3. Đối với cây ăn quả
- Tập trung cắt tỉa, tạo tán và áp dụng các biện pháp chăm sóc sau thu hoạch cho các cây vải. Thực hiện bón thúc nuôi quả cho các loại cây ăn quả đang trong giai đoạn phát triển quả, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân bón qua lá có chứa các chất trung, vi lượng để tăng năng suất, chất lượng quả, đồng thời theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu, bệnh hại, phun phòng trừ có hiệu quả, tránh việc sử dụng thuốc tràn lan gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.
- Thu hoạch các loại cây ăn quả, cây rau màu đúng thời điểm để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Không được sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho các loại cây trồng đến kỳ thu hoạch, đảm bảo ATVSTP.
Lưu ý: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chuẩn bị đầy đủ các biện pháp, giải pháp nhằm ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết như mưa to, gió mạnh gây úng ngập, đổ, gẫy cây trồng.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
44 người đang online