Tập trung chăm sóc và bảo vệ cây trồng vụ Xuân năm 2024

Theo số liệu tổng hợp báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp của các huyện, thị xã, thành phố, đến ngày 05/03/2024, toàn tỉnh đã gieo, cấy được 24.208ha (đạt 100,2% kế hoạch). Hiện nay, diện tích lúa gieo, cấy sớm đang ở giai đoạn đẻ nhánh, diện tích lúa gieo cấy muộn đang bén rễ, hồi xanh; nhãn, vải và cây có múi đang ra hoa-đậu quả non.

Công văn:CV chỉ đạo cham soc lua xuan 2024.pdf

Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tạo tiền đề cho năng suất cao và nâng cao hiệu quả kinh tế, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và nông dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Đối với cây lúa

- Dặm, tỉa ổn định mật độ đối với diện tích lúa gieo thẳng khi lúa được 3 lá thật và đối với diện tích lúa cấy bị chết khóm do chuột và ốc bươu vàng gây hại.

- Tiến hành chăm sóc, bón phân NPK tổng hợp theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón bổ sung các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và các loại phân ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí sản xuất. Khi bón, cần theo quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng giống lúa, từng loại phân bón và thực hiện đúng theo nguyên tắc “5 đúng và một cân đối”.

- Duy trì mực nước khoảng 3 cm đối với lúa cấy và từ 1-2 cm đối với lúa gieo thẳng, khi cây lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, cần rút nước phơi ruộng, để ruộng khô khoảng 7 ngày nhằm hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Tuyệt đối không được để ruộng thiếu nước, khô hạn hoặc ngập úng trong thời kỳ lúa đẻ nhánh; thường xuyên kiểm tra, củng cố bờ vùng, bờ thửa để chủ động điều tiết nước hợp lý trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa.

- Tăng cường kiểm tra, theo dõi và phòng trừ hiệu quả, kịp thời các đối tượng sâu, bệnh và dịch hại trên lúa đặc biệt là bệnh đạo ôn lá trên các giống lúa chất lượng. Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên ngành BVTV.

2. Đối với cây rau, màu

Tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc như làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu, bệnh cho rau màu vụ Xuân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tiến hành vun xới cho các cây rau màu vụ Xuân, Xuân – Hè, đảm bảo đủ nước để cây rau, màu sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Thu hoạch kịp thời khi cây trồng đã đến kỳ thu hoạch nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.

3. Đối với cây ăn quả

- Trong thời kỳ đang ra hoa - đậu quả non: Không được bón bất kỳ loại phân bón đa lượng (N,P,K) nào cho đến khi cây kết thúc quá trình đậu quả.

- Khi cây trồng kết thúc quá trình đậu quả: tiến hành chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật của từng loại cây; phải bón đúng loại, đủ lượng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và NPK tổng hợp; sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, ... thay thế phân bón hóa học để đảm bảo ATTP và sản xuất nông nghiệp bền vững. Bổ sung dinh dưỡng vi lượng cho cây bằng cách kết hợp phun phân bón qua lá cùng với phun phòng, trừ sâu, bệnh để giảm rụng quả non, đảm bảo năng suất và chất lượng quả.

- Theo dõi theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây ăn quả; phòng trừ kịp thời, hiệu quả bằng các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng” và chỉ phun thuốc khi có khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật.

Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
188 người đang online