21/03/2023 | lượt xem: 3 Thanh niên Hưng Yên tích cực tham gia chuyển đổi số Thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động, thời gian qua, với vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên (TN), các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Công nghệ số đang dần đi vào cuộc sống, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, Sở Nội vụ chính thức vận hành hệ thống phần mềm đánh giá công chức, viên chức, người lao động (CC,VC,NLĐ), sau gần 2 năm tổ nghiên cứu, trong đó chủ công là đội ngũ cán bộ trẻ phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa, thử nghiệm. Phần mềm cho phép mỗi CB,CC,NLĐ được truy cập 1 tài khoản cá nhân. Qua phần mềm, mỗi CB,CC,NLĐ nhận nhiệm vụ, xử lý công việc và khớp lệnh kết thúc thời gian thực hiện; cấp lãnh đạo, quản lý có thể theo dõi tiến độ, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những nhiệm vụ gặp khó khăn hoặc chậm tiến độ... Dịch Covid-19 bùng phát, các nhà trường phải chuyển dạy học trực tiếp sang trực tuyến đã thêm một lần nữa cho thấy CNTT, CĐS ngày càng đóng vai trò quan trọng và là hướng đi bắt buộc trong ngành giáo dục và đào tạo. Các nhà giáo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ nhanh chóng tiếp cận CNTT, thiết kế bài giảng trực tuyến (E-Learning) chất lượng để tạo sức hút với học sinh, khắc phục hạn chế khi không trực tiếp quan sát, đôn đốc được học sinh theo dõi, ghi chép bài như phương pháp dạy học truyền thống. Áp dụng phương thức giảng dạy hiện đại, những bài giảng, giờ thí nghiệm bớt khô khan, hấp dẫn học sinh hơn. CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. CĐS giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ, nâng sức cạnh tranh trên thị trường. Năm 2018, trong cuộc thi ý tưởng sáng tạo TN khởi nghiệp tỉnh Hưng Yên, dự án FaGo (Farmer Growt) có nghĩa là “Nông dân bứt phá” của anh Phạm Hồng Sơn (thành phố Hưng Yên) giành giải nhì; sau đó được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vinh danh là 1 trong 10 dự án TN khởi nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Anh Sơn cho biết: Chỉ với một tủ điều khiển, một bộ cảm biến nhiệt, hệ thống thiết bị FaGo kết nối với điện thoại thông minh, các chủ trang trại có thể quản lý được sức khỏe của vật nuôi, nhiệt độ chuồng trại, điều khiển hệ thống làm mát, liên kết, trao đổi thông tin với các chuyên gia kỹ thuật về chăn nuôi, thú y có kinh nghiệm... Đến nay, FaGo đã cung cấp giải pháp công nghệ cho khoảng 600 trang trại ở trong và ngoài nước. Không dừng lại ở đó, năm 2021, dự án Chuyển đổi xe ô tô thông minh ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) của anh Sơn cùng cộng sự được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là một trong 10 ứng dụng thu hẹp khoảng cách số “Made in Việt Nam”... Thực tế, CĐS giúp doanh nghiệp chuyển từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh. CĐS, áp dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị. Với doanh nghiệp số như Viettel Hưng Yên, để có giải pháp công nghệ tốt nhất cung cấp cho khách hàng thì CĐS luôn phải đi trước một bước. Trong đó, đổi mới, sáng tạo phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực trẻ. Đồng chí Bùi Văn Quyền, Phó Giám đốc giải pháp CNTT của Viettel Hưng Yên cho biết: Thời gian qua, Viettel Hưng Yên đã tham mưu, tư vấn, hỗ trợ CĐS cho các cơ quan, doanh nghiệp, Nhân dân trên 4 nội dung: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp số. Nổi bật là dự án lắp đặt hệ thống phòng họp trực tuyến từ tỉnh tới các thôn, tổ dân phố; dự án trung tâm điều hành thông minh; hệ thống camera an ninh, giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI... Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, định hướng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thời gian qua, các ngành, địa phương, các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm phát huy sức sáng tạo, tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phong trào thi đua ứng dụng CNTT, CĐS. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 tổ CĐS cộng đồng với gần 7 nghìn thành viên, trong đó 50% số thành viên là ĐVTN. Các tổ có nhiệm vụ hướng dẫn người dân truy cập Internet, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến... 100% số CB,CC là TN xử lý thành thạo công việc trên môi trường mạng; nhiều ĐVTN trong doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn và các cơ quan chức năng đã tận dụng lợi thế của CNTT, các ứng dụng điện tử để lập nghiệp thành công. Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã xây dựng chương trình “số hoá địa chỉ đỏ”, triển khai đồng loạt tới các cấp bộ đoàn. Qua đó tạo điều kiện để đoàn viên thanh thiếu nhi và người dân dễ dàng tìm hiểu, nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước… Nghị quyết Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: CĐS là công cụ quan trọng, xu hướng tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hoạt động quản lý nhà nước sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông quốc gia. Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về CĐS... Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, rất cần tinh thần xung kích, sáng tạo của lực lượng ĐVTN. Công nghệ số với những lợi thế đặc biệt: Trí tuệ nhân tạo AI, Điện toán đám mây, Công nghệ chuỗi khối Blockchain... giúp các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân lưu trữ khối lượng thông tin lớn, thuận lợi trong quản lý, điều hành, giải phóng sức lao động. Nhưng nó cũng là thách thức, nhất là sự xuất hiện của phần mềm ChatGPT cho thấy, nếu chúng ta không làm chủ được công nghệ, không vượt qua được cám dỗ của những trò chơi công nghệ trá hình, phụ thuộc công nghệ mà không thường xuyên học tập, đổi mới, sáng tạo thì chính con người mất cơ hội kiểm soát công nghệ, mất việc làm do công nghệ thay thế, dẫn đến tương lai thất nghiệp, trì trệ, lười nhác. Làm thế nào để TN Hưng Yên làm chủ được công nghệ số để học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của quê hương; TN thể hiện rõ vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng 4.0, cuối tháng 2 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức lễ khởi động tháng Thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ Hưng Yên tiên phong CĐS các hoạt động của Đoàn”. Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với TN có chủ đề “Thanh niên Hưng Yên với CĐS” tổ chức trong tháng 3 này sẽ là cơ hội để TN nắm bắt thông tin, cơ hội và gửi đến các cơ quan chức năng kiến nghị, đề xuất để việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong học tập, công tác và kinh doanh của TN đạt hiệu quả cao nhất. Theo https://baohungyen.vn
Tổ chức các hoạt động Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024