Thông báo tình hình sinh vật gây hại 01 tháng qua (từ ngày 15/6/2023 - 15/7/2023)

Tháng qua ngày nắng nóng, có xen kẽ mưa rào giông, nhiệt độ dao động từ 25 - 38 độ C. Nhìn chung thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển và công tác gieo, cấy vụ Mùa thuận lợi.

NHẬN XÉT TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI THÁNG QUA
1. Trên mạ, lúa mới gieo cấy
- Rầy nâu, rầy lưng trắng (rầy di trú) xuất hiện cục bộ trên mạ Mùa, mật độ nơi cao 50-150con/m2. Nông dân đã trừ rầy di trú trên mạ trước khi cấy ở nơi có mật độ rầy lưng trắng cao.
- Ốc bươu vàng xuất hiện và gây hại cục bộ ở một số ruộng mạ dược và lúa mới gieo cấy; mật độ ốc nơi cao 0,5 - 1 con/m2, cục bộ 2-3con/m2. Diện tích nhiễm 55ha, nhiễm nặng 5ha. Nông dân đã phòng trừ nơi có mật độ ốc cao bằng các biện pháp bắt thủ công và sử dụng thuốc.
+ Chuột gây hại nhẹ, cục bộ trên mạ, lúa gieo sạ, ở ruộng ven làng gần gò
đống, kênh mương; tỷ lệ hại nơi cao 0,5 - 1% số dảnh.
2. Trên cây rau màu
- Cây dưa chuột, bí xanh: Bệnh sương mai, phấn trắng gây hại nhẹ, rải rác; tỷ lệ hại phổ biến 3-5% số lá (cấp bệnh 1-3); Bọ trĩ, rệp muội gây hại cục bộ, phạm vi hẹp.
- Cây rau họ thập tự: Sâu xanh, sâu tơ tiếp tục xuất hiện và gây hại nhẹ; mật độ nơi cao 3-5con/m2, cục bộ 7-10con/m2; bọ nhảy gây hại cục bộ ở một số vùng chuyên canh rau họ thập tự. Ngoài ra, bệnh sương mai, thối nhũn, đốm vòng gây hại nhẹ, rải rác.
- Các cây rau khác (nhóm rau gia vị…): Sâu bệnh gây hại không đáng kể.
3. Trên cây ăn quả
- Cây có múi: Các đối tượng như: nhện trắng, nhện rám vàng, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh vàng lá gân xanh, loét vi khuẩn tiếp tục gây hại nhẹ, cục bộ; sâu vẽ bùa, rệp, bọ trĩ gây hại rải rác những cây đang ra lộc hè.
- Cây nhãn: Bệnh thán thư (khô quả) xuất hiện rải rác, tỉ lệ hại phổ biến 0,2- 0,3% số quả; Bọ xít nâu gây hại nhẹ, cục bộ ở một số vườn ít quan tâm chăm sóc. Ngoài ra: rệp sáp ống, bọ trĩ, bọ phấn phát sinh và gây hại nhẹ, cục bộ. Nhìn chung, nông dân đã phòng trừ tốt nơi xuất hiện mật độ sâu cao đạt kết quả tốt.
DỰ KIẾN TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Trên lúa
+ Ốc bươu vàng tiếp tục gây hại cục bộ chủ yếu ở những ruộng chưa phòng trừ, đặc biệt ở những ruộng trũng, gần kênh mương tưới tiêu.
+ Bệnh nghẹt rễ: Gây hại cục bộ trên một số ruộng lúa cấy trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cạn nước và ruộng bị ngộ độc hữu cơ.
+ Chuột: Gây hại gia tăng cục bộ ở những ruộng ven làng, gần gò đống, kênh mương.
2. Trên cây rau màu
- Trên rau họ thập tự: Sâu xanh, sâu tơ tiếp tục gây hại nhẹ, rải rác; bọ nhảy gây hại cục bộ ở một số vùng chuyên canh rau họ thập tự.
- Trên dưa chuột: Bệnh sương mai, rệp muội, bọ trĩ tiếp tục gây hại nhẹ, rải rác và gia tăng chủ yếu trên diện tích ở giai đoạn cuối thu hoạch.
- Bệnh lở cổ rễ xuất hiện và gây hại trên rau màu, chủ yếu ở những chân ruộng trũng, đặc biệt ở những ruộng thoát nước kém sau mưa.
- Trên nhóm rau gia vị hầu như sâu bệnh gây hại nhẹ, không đáng kể.
3. Trên cây ăn quả
- Trên nhãn: Bệnh sương mai (gây thối quả) sẽ phát sinh gây hại gia tăng ở giai đoạn quả bước vào giai đoạn chín đến khi thu hoạch; đặc biệt gây hại nặng ở một số vườn ít quan tâm phòng trừ; rệp sáp gây hại nhẹ, rải rác.
- Trên cây có múi: Nhện trắng (gây nám quả), nhện rám vàng, bệnh loét cam tiếp tục gây hại ở những vườn không được phòng trừ kịp thời; bệnh vàng lá - thối rễ bắt đầu xuất hiện cục bộ ở một số vườn trồng trên đất chua, ít sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, vườn thoát nước kém trong mùa mưa và bị tuyến trùng hại rễ. Ngoài ra bọ trĩ, rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa gây hại rải rác ở thời kỳ cây ra lộc, ở những vườn không được phòng trừ kịp thời.
ÐỀ NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ HOẶC CÁC CHỦ TRƯƠNG CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN Ở ÐỊA PHƯƠNG
1. Trên lúa
- Phòng Kỹ thuật, trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác dự tính – dự báo ngay từ đầu vụ; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy lưng trắng trên lúa mới gieo cấy; chủ động lấy mẫu rầy lưng trắng di trú để phân tích bệnh Lùn sọc đen phương Nam để kịp thời cảnh báo và phòng trừ.
- Chủ động phòng trừ ốc bươu vàng ở những ruộng xuất hiện mật độ ốc cao bằng các biện pháp kỹ thuật như bắt thủ công hoặc dùng thuốc trừ ốc.
Chú ý: Thuốc trừ ốc rất độc với tôm, cua, cá… khi sử dụng thuốc không được tháo nước xuống nơi nuôi trồng thuỷ sản.
- Khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ trên lúa an toàn, hiệu quả bằng các thuốc có chứa hoạt chất an toàn, theo liều lượng, thời gian được khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất.
- Triển khai các biện pháp diệt chuột nhằm đạt hiệu quả và an toàn ngay từ đầu vụ, đặc biệt ở những khu ruộng ven làng, gần gò đống kênh mương, gần khu công nghiệp, vườn trang trại,…
2. Trên cây rau màu
- Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy xuất hiện mật độ cao trên rau họ thập tự, sâu đục quả, rệp, bọ trĩ hại đậu đỗ, dưa chuột cần phòng trừ bằng thuốc sinh học như: Aizabin WP, Vi – BT, Bitadin WP, VK. Những vùng trồng chuyên canh rau họ thập tự mà thường xuyên xuất hiện Bọ nhảy mật độ cao cần áp dụng các biện pháp luân canh với nhóm rau khác, bơm nước để ngâm đất nhằm diệt Ấu trùng trong đất trước khi trồng vụ mới.
- Bệnh sương mai hại dưa chuột, đậu đỗ… cần phòng trừ bằng chế phẩm Nano bạc, Nano đồng ở thời kỳ đang thu hoạch hoặc dùng thuốc Phytocide 50WP, Insuran 50WG, Dipomate 80WP… ở thời kỳ cây phát triển sinh khối.
- Đối với nhóm rau gia vị: Sâu bệnh gây hại không đáng kể nên không cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ.
3. Trên cây ăn quả
- Trên nhãn: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và các đối tượng sâu bệnh chính trên nhãn để hướng dẫn nông dân phòng trừ đạt hiệu quả và tuân thủ tuyệt đối thời gian cách ly sau dùng thuốc BVTV để an toàn đảm bảo VSTP.
+ Bệnh thán thư, sương mai xuất hiện và có nguy cơ gây hại cao cần phòng trừ bằng thuốc (hoạt chất Azoxystrobin, Demethomorph, Cymoxanil) như Amistar 250 SC, Phytocide 50WP, Curzate M8-72WP, Jack M9 72 WP… ở thời kỳ trước thu hoạch ít nhất 15 ngày. Định kỳ sử dụng chế phẩm Nano bạc để phun phòng bệnh sương mai (gây thối quả) thay cho thuốc trừ bệnh ở giai đoạn quả bắt đầu chín sinh lý để đảm bảo về mặt dư lượng hoá chất trên sản phẩm.
+ Phòng trừ rệp sáp, bọ phấn nơi có mật độ cao trên cây nhãn bằng các thuốc Movento 150OD, Radiant 60SC …
- Cây có múi:
+ Theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh chính; Hướng dẫn nông dân phòng trừ nhện trắng, nhện rám vàng bằng các thuốc đặc hiệu như: Detect 50WP, Catex 3.6EC, Saromite 57EC, Comite 73EC, Alterkil 45SC, Comda Gold 5WG…; sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rệp muội nơi có mật độ cao bằng các thuốc đặc trị như: Radiant 60SC, Midan 10WP...; bệnh loét cam xuất hiện và phòng trừ bằng các thuốc như Saipan 2SL, Kasumin 2L, hoặc sử dụng chế phẩm Nano đồng để phun phòng bệnh.
+ Đối với bệnh vàng lá thối rễ: Cần thường xuyên áp dụng tổng hợp các biện pháp (nhất là từ đầu mùa mưa) để phòng trừ như: Bón vôi bột cho những vườn trồng đất chua và diệt tuyến trùng hại rễ; tạo rãnh thoát nước tốt sau khi mưa để tránh úng ngập và lây lan nguồn bệnh trong đất; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma, phân hữu cơ ủ mục với chế phẩm sinh học … để cung cấp dinh dưỡng cho cây, đồng thời cải tạo đất và giảm nguồn nấm bệnh trong đất; khi bệnh chớm xuất hiện cần phòng trừ bằng thuốc trừ nấm đặc hiệu có phổ tác động rộng như Ridomil Gold 68WG, Amistar top 525SC (kết hợp phun trên lá và tưới gốc).
4. Công tác quản lý Mã số vùng trồng cây ăn quả
Tiếp tục thực hiện tốt công văn số 1624/BVTV-HTQT ngày 23/6/2023 của cục Bảo vệ thực vật về việc hướng dẫn công tác cấp và quản lý MSVT, CSĐG nông sản xuất khẩu.
Tăng cường công tác giám sát Mã số vùng trồng (MSVT) (đặc biệt đối với cây nhãn), đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tuân thủ nghiêm quy định về điều kiện duy trì MSVT;
Lưu ý:
+ Tuyệt đối không lạm dụng thuốc BVTV trên các loại cây trồng, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết;
+ Hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh phải theo nguyên tắc “4 đúng” tuân thủ thời gian cách ly sau phun thuốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn riêng việc sử dụng thuốc BVTV đối với các vùng trồng xuất khẩu
Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
75 người đang online