16/02/2024 | lượt xem: 2 Thông báo tình hình sinh vật gây hại 01 tháng qua (từ ngày15/01/2024- 15/02/2024) Tháng qua thời tiết trời nhiều mây, có xen kẽ một số ngày mưa nhỏ, mưa phùn, từ giữa đến cuối tháng 01 có rét đậm, rét hại; đầu đến giữa tháng 02 trời ấm dần. Nhìn chung thời tiết thuận lợi cho gieo cấy vụ Xuân và cây trồng sinh trưởng phát triển,… I. NHẬN XÉT TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI THÁNG QUA 1. Trên mạ, lúa mới gieo cấy - Chuột hại nhẹ, cục bộ trên mạ và lúa mới gieo cấy ở khu vực ven làng, gần gò đống, kênh mương (nơi chưa triển khai diệt chuột). Các địa phương đã và đang triển khai tốt chiến dịch diệt chuột diện rộng đợt 1, đến ngày 14/02/2023 đã có 99/159 xã, phường, thị trấn đặt bả diệt chuột và đạt kết quả tốt. - Ốc bươu vàng xuất hiện và gây hại cục bộ chủ ở một số chân ruộng gần kênh tưới tiêu; mật độ ốc nơi cao 0,3-0,5 con/m2. 2. Trên cây rau màu - Trên rau họ thập tự: Sâu xanh, sâu tơ gây hại nhẹ; mật độ phổ biến 1-3 con/m2, cục bộ 5-7 con/m2; Ngoài ra, rệp muội, bọ nhảy, bệnh sương mai, thối nhũn gây hại nhẹ, cục bộ những ruộng chuyên trồng rau. - Các cây rau khác (nhóm rau gia vị…): Sâu bệnh gây hại không đáng kể. 3. Trên cây ăn quả - Cây có múi: Sâu vẽ bùa, rệp muội, bọ trĩ, nhện đỏ gây hại nhẹ, rải rác ở những vườn cây đang ra lộc Xuân, ra hoa. - Cây nhãn, vải: + Bệnh sương mai xuất hiện và gây hại rải rác trên diện nhãn ra hoa sớm; tỷ lệ hại nơi cao 1-3% chùm hoa (cấp 1). + Sâu đục giò hoa, sâu đo xuất hiện và gây hại nhẹ, rải rác; mật độ nơi cao 1- 3% chùm hoa; rệp sáp, rệp muội gây hại cục bộ ở một số vườn trồng dày, ít quan tâm cắt tỉa. Ngoài ra, rầy chổng cánh vân nâu gây hại rải rác trên một số vườn nhãn đang ra lộc. II. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI TRONG THỜI GIAN TỚI 1. Trên mạ, lúa mới gieo cấy - Chuột tiếp tục gây hại nhẹ, cục bộ ở khu vực diệt chuột còn sót lại hoặc nơi diệt chuột kém hiệu quả, chủ yếu ở khu vực gần làng, gần khu công nghiệp, gần gò đống, kênh mương. - Ốc bươu vàng tiếp tục xuất hiện và gây hại chủ yếu ở những khu vực ruộng trũng, ruộng gần kênh tưới tiêu. - Cỏ dại gây hại trên một số chân ruộng vàn cao, khô nước nếu không được phòng trừ tốt nhất là trên diện lúa gieo thẳng. - Bệnh nghẹt rễ xuất hiện và gây hại cục bộ trên một số ruộng lúa cấy gặp rét, bị cạn nước hoặc bị ngộ độc hữu cơ. 2. Trên cây rau màu - Trên rau họ thập tự: Sâu xanh, sâu khoang tiếp tục gây hại nhẹ, rải rác trên các loại rau ăn lá; Rệp, bọ nhảy, bệnh sương mai gây hại cục bộ những ruộng chuyên trồng rau họ hoa thập tự. - Các cây rau khác (nhóm rau gia vị…): Sâu bệnh gây hại không đáng kể. 3. Trên cây ăn quả - Cây có múi: Sâu vẽ bùa, rệp muội, nhện đỏ, bọ trĩ tiếp tục phát sinh và gây hại trên diện cây có múi ở thời kỳ ra lộc Xuân, ra hoa, nhất là trong điều kiện thời tiết ấm. - Cây vải, nhãn: + Bệnh sương mai, thán thư, rệp, bọ trĩ, sâu đo phát sinh và gây hại gia tăng ở thời kỳ cây ra hoa - đậu quả non, nhất là khi thời tiết ấm và độ ẩm không khí cao, nhiều ngày mưa phùn; bọ xít nâu phát dục và đẻ trứng khi thời tiết ấm dần. + Rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ gây hại cục bộ ở một số vườn trồng dày, ít áp dụng biện pháp cắt tỉa; Sâu đo, sâu đục giò hoa, rầy chổng cánh vân nâu tiếp tục phát sinh và gây hại nhẹ, rải rác. Nếu không thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, sâu bệnh trên cây ăn quả (nhãn vải, cây có múi, ổi...), nhất là ở thời kỳ ra hoa - đậu quả, đồng thời không có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình đậu quả và năng suất. TB tháng 02.pdf Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên