Thông báo tình hình sinh vật gây hại 7 ngày qua (từ ngày 03/8/2023 - 9/8/2023)

Thời tiết tuần qua ngày nắng, có xen kẽ mưa rào và dông rải rác, nhiệt độ dao động từ 26 - 34 độ C. Nhìn chung, thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển.

 NHẬN XÉT TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI 07 NGÀY QUA
1. Trên cây lúa
- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non đã và đang nở rộ trên các trà lúa, đặc biệt là diện lúa gieo cấy sớm, ruộng xanh tốt; mật độ sâu phổ biến 15-20 con/m2, nơi cao 40-50 con/m2, cục bộ trên 70 con/m2. Diện tích nhiễm 2.380ha, nhiễm nặng 70 ha, nông dân phòng trừ tốt nơi có mật độ cao được 2.030 ha.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh trên các trà lúa, mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, nơi cao 500 - 700 con/m2, cục bộ 2.000 con/m2. Diện tích nhiễm 73,6 ha, nông dân đã phòng trừ được 59 ha. Chi cục Bảo vệ thực vật đã lấy 254 mẫu rầy trắng (từ ngày 03/8-10/8/2023) gửi Trung tâm BVTV Phía Bắc giám định virus gây bệnh lùn sọc đen; Kết quả có 02/254 mẫu rầy dương tính với virus gây bệnh lùn sọc đen phương Nam (tại xã Hồ Tùng Mậu - Ân Thi), đã phối hợp với địa phương hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen tại khu vực xuất hiện mẫu rầy dương tính.
- Bệnh khô vằn phát sinh và gây hại chủ yếu trên diện lúa gieo cấy sớm, ruộng cấy dầy, cạn nước, bón phân không cân đối NPK; tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5 % số dảnh, nơi cao 7-10 % số dảnh (cấp 1). Diện tích nhiễm 337,5ha, nông dân đã phòng trừ được 330 ha.
- Chuột gây hại nhẹ, cục bộ chủ yếu ở ruộng ven làng gần gò đống, kênh mương; tỷ lệ hại nơi cao 3 - 5% số dảnh, cục bộ >10% số dảnh. Diện tích nhiễm 35,5ha (nhẹ).
Ngoài ra, lúa cỏ xuất hiện cục bộ ở một số ruộng đã bị nhiễm ở vụ trước.
2. Trên cây rau màu
- Bệnh lở cổ rễ xuất hiện và gây hại cục bộ, chủ yếu trên diện rau màu mới trồng, những chân ruộng trũng, đặc biệt ở những ruộng thoát nước kém sau mưa.
- Sâu xanh, sâu khoang gây hại rải rác trên các loại rau ăn lá, mật độ phổ biến 0,5-1 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2; sâu đục quả đậu đỗ gây hại nhẹ, rải rác.
- Bệnh sương mai, phấn trắng gây hại nhẹ rải rác trên bí các loại, dưa chuột; tỷ lệ hại nơi cao 2-3% số lá, cá biệt 7% số lá. Ngoài ra bọ trĩ, bọ phấn, rệp muội gây hại nhẹ, rải rác.
- Sâu keo mùa thu gây hại ngô, mật độ phổ biến 0,5-1 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2; nông dân đã và đang phòng trừ nơi có mật độ sâu cao. Ngoài ra Sâu đục thân, bệnh khô vằn, thối thân gây hại nhẹ, rải rác.
- Các cây rau khác (nhóm rau gia vị…): Sâu bệnh gây hại không đáng kể.
3. Trên cây ăn quả
- Cây có múi: Nhện trắng, nhện rám vàng, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh vàng lá gân xanh, loét vi khuẩn tiếp tục gây hại nhẹ, cục bộ; sâu vẽ bùa, rệp, bọ trĩ gây hại rải rác những cây đang ra lộc non.
- Cây nhãn: Bệnh sương mai (thối quả) xuất hiện rải rác, tỉ lệ hại phổ biến 0,3-0,5% số quả; Nhìn chung, nông dân đã phòng trừ tốt nơi bệnh phát sinh đạt kết quả tốt, đảm bảo thời gian cách ly.
 DỰ KIẾN TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Trên cây lúa
- Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5: Đây là lứa sâu có mật độ cao, diễn biến phức tạp, Sâu non nở kéo dài và có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, các trà lúa. Nếu không điều tra chăt chẽ, không phòng trừ kịp thời sâu sẽ gây hại làm sơ trắng lá đòng và lá công năng trên nhiều diện tích lúa ở các địa phương.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 tiếp tục phát sinh, gia tăng mật độ và xuất hiện
những ổ rầy trên các trà lúa.
- Bệnh khô vằn tiếp tục gây hại gia tăng trên các trà lúa, đặc biệt trên diện gieo cấy sớm, ruộng cấy dầy, cạn nước, bón nặng đạm.
- Chuột gây hại gia tăng cục bộ ở những ruộng ven làng, gần gò đống, kênh mương.
Ngoài ra, đốm sọc vi khuẩn có khả năng xuất hiện trên các giống nhiễm, cấy sớm, đặc biệt sau những trận mưa dông; Lúa cỏ xuất hiện cục bộ ở một số ruộng đã bị nhiễm ở vụ trước.
2. Trên cây rau màu
- Bệnh lở cổ rễ xuất hiện và gây hại trên rau màu, chủ yếu ở những chân ruộng trũng, đặc biệt ở những ruộng thoát nước kém sau mưa.
- Sâu xanh, sâu khoang có khả năng gây hại gia tăng trên các loại rau ăn lá.
- Sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bệnh khô vằn, thối thân… tiếp tục gây hại rải rác trên ngô.
- Các cây rau khác (nhóm rau gia vị…): Sâu bệnh gây hại không đáng kể.
3. Trên cây ăn quả
- Trên nhãn: Bệnh sương mai (gây thối quả) tiếp tục phát sinh gây hại nhẹ trên diện nhãn chín muộn ở giai đoạn quả chín đến khi thu hoạch, đặc biệt ở một số vườn ít quan tâm phòng trừ.
- Trên cây có múi: Nhện trắng (gây nám quả), nhện rám vàng, bệnh loét cam tiếp tục gây hại ở những vườn không được phòng trừ kịp thời; bệnh vàng lá - thối rễ bắt đầu xuất hiện cục bộ ở một số vườn trồng trên đất chua, ít sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, vườn thoát nước kém trong mùa mưa và bị tuyến trùng hại rễ. Ngoài ra bọ trĩ, rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa gây hại rải rác ở thời kỳ cây ra lộc, ở những vườn không được phòng trừ kịp thời.
 ÐỀ NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ HOẶC CÁC CHỦ TRƯƠNG CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN Ở ÐỊA PHƯƠNG
1. Trên lúa
- Thực hiện tốt công văn số 1153/SNN-BVTV ngày 10/8/ 2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 hại lúa vụ Mùa 2023.
- Phòng Kỹ thuật, trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh trên cây trồng (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ), đặc biệt quan tâm các đối tượng như Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh bạc lá - ĐSVK… để tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Tiếp tục khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời nơi có mật độ sâu cao bằng các thuốc đặc hiệu có hoạt chất Chlorantraniliprole, Abamectin, Emamectin benzoate hoặc thuốc có đa hoạt chất như: Vitarko 40WG, VoliamTargo 063SC, Obaone 95WG, Comda Gold 5WG, Dylan 5WG, Prevathon 5SC.... Thời điểm phun trừ khi sâu non đa số tuổi 1-2, theo tình hình cụ thể của các trà lúa, vùng sinh thái của địa phương.
Lưu ý: Sau khi phòng trừ lần 1 cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu, nơi còn mật độ sâu cao cần phun lại lần 2 sau lần 1 khoảng 7 ngày; những diện tích sau khi phun gặp mưa nhất thiết phải phun lại.
+ Rầy nâu - rầy lưng trắng có mật độ trên 500 con/m2 cần hướng dẫn nông
dân phun trừ bằng thuốc trừ rầy nội hấp nhằm giảm áp lực rầy lứa sau và giảm nguy cơ xuất hiện bệnh Lùn sọc đen phương Nam.
+ Bệnh khô vằn phát triển và gây hại cần phòng trừ bằng các thuốc như: Help 400EC, Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Anvil 5SC.
- Triển khai các biện pháp diệt chuột nhằm đạt hiệu quả và an toàn, đặc biệt ở những khu ruộng ven làng, gần gò đống kênh mương, gần khu công nghiệp, vườn trang trại; nhổ bỏ và tiêu huỷ lúa cỏ xuất hiện trên ruộng lúa. Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân 2 chấm… để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
2. Trên cây rau màu
- Chủ động tạo rãnh thoát nước tốt, tránh bị ngập úng sau mưa trên diện trồng rau màu vụ Hè - Thu.
- Theo dõi chặt chẽ sâu bệnh trên rau màu; khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ ủ mục với vôi bột hoặc các chế phẩm sinh học để bón nhằm cung cấp dinh dưỡng để rau màu phát triển tốt, đồng thời góp phần cải tạo đất, làm giảm nguồn dịch hại tồn tại trong đất.
- Trên ngô: Nơi xuất hiện sâu keo mùa thu với mật độ sâu cao cần phòng trừ bằng các thuốc đặc trị như Dylan 2EC, Comda Gold 5WG, Radiant 60SC, Match 050EC khi sâu đa số tuổi 1-3.
- Đối với nhóm rau gia vị: Sâu bệnh gây hại không đáng kể nên không cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ.
3. Trên cây ăn quả
- Trên nhãn: Bệnh sương mai (thối quả) xuất hiện và có nguy cơ gây hại cao trên diện nhãn chín muộn cần phòng trừ chế phẩm Nano bạc để đảm bảo về mặt dư lượng hoá chất trên sản phẩm.
- Cây có múi:
+ Theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh chính; Hướng dẫn nông dân phòng trừ nhện trắng, nhện rám vàng bằng các thuốc đặc hiệu như: Detect 50WP, Catex 3.6EC, Saromite 57EC, Comite 73EC, Alterkil 45SC, Comda Gold 5WG…; sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rệp muội nơi có mật độ cao bằng các thuốc đặc trị như: Radiant 60SC, Midan 10WP...; bệnh loét cam xuất hiện và phòng trừ bằng các thuốc như Saipan 2SL, Kasumin 2L, hoặc sử dụng chế phẩm Nano đồng để phun phòng bệnh.
+ Đối với bệnh vàng lá thối rễ: Cần thường xuyên áp dụng tổng hợp các biện pháp (nhất là từ đầu mùa mưa) để phòng trừ như: Bón vôi bột cho những vườn trồng đất chua và diệt tuyến trùng hại rễ; tạo rãnh thoát nước tốt sau khi mưa để tránh úng ngập và lây lan nguồn bệnh trong đất; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma, phân hữu cơ ủ mục với chế phẩm sinh học … để cung cấp dinh dưỡng cho cây, đồng thời cải tạo đất và giảm nguồn nấm bệnh trong đất; khi bệnh chớm xuất hiện cần phòng trừ bằng thuốc trừ nấm đặc hiệu có phổ tác động rộng như Ridomil Gold 68WG, Amistar top 525SC (kết hợp phun trên lá và tưới gốc).

TB 33.pdf

Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
127 người đang online