04/09/2024 | lượt xem: 6 Thông báo tình hình sinh vật gây hại 7 ngày qua (Từ ngày 29/8/2024 - 04/9/2024) Thời tiết tuần qua nhiều mây, đêm và sáng có mưa rào và dông vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng, nhiệt độ dao động từ 24 - 35 độ C. Nhìn chung, thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển; song cũng thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại lúa. TB 37.pdf NHẬN XÉT TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI 07 NGÀY QUA 1. Trên cây lúa - Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 6: Rầy cám đang tiếp tục nở rộ trên các trà lúa; mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, nơi cao 800 – 1.500 con/m2 (có ổ trên 2.000 con/m2); mật độ ổ trứng nơi cao trên 300 ổ/m2. Diện tích nhiễm 210 ha, nông dân phòng trừ được 200ha. - Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6: sâu non tiếp tục nở rộ, đặc biệt ở những ruộng xanh tốt, mật độ sâu phổ biến 10-15 con/m2, nơi cao 40-50 con/m2, cục bộ trên 100 con/m2 (cá biệt có ruộng trên 300 con/m2). Diện tích nhiễm 1.885 ha, trong đó nhiễm nặng 142ha, nông dân tiếp tục phòng trừ ruộng có mật độ cao được 1.573,5 ha. - Sâu đục thân bướm 2 chấm lứa 5: Bướm tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng tập trung cục bộ chủ yếu ở một số ruộng gần đường giao thông, gần đèn cao áp; mật độ trứng nơi cao 0,1-0,5 ổ/m2; sâu non gây hại nhẹ, rải rác ở một số ruộng lúa đang trỗ ở khu vực gần đường giao thông; tỷ lệ hại nơi cao 0,3-0,5% số bông. Nông dân đã và đang tiếp tục phòng trừ nơi có mật độ ổ trứng cao. - Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh và gây hại gia tăng cục bộ trên một số giống lúa nhiễm như Bắc thơm 7, Hương thơm 1, TBR 225…, nhất là sau những trận mưa giông; tỷ lệ bệnh nơi cao 7-10% số lá (cấp bệnh 1-3). Diện tích nhiễm 249 ha, trong đó nhiễm nặng 20 ha, nông dân đã phòng trừ được 496 ha. - Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh và gây hại chủ yếu trên diện lúa xanh tốt, ruộng cấy dầy, cạn nước, ruộng bón phân không cân đối NPK; tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5 % số dảnh, nơi cao 10-15 % số dảnh, cục bộ có ruộng trên 30 % số dảnh. Diện tích nhiễm 3.562 ha, trong đó nhiễm nặng 86 ha; nông dân đã phòng trừ được 3.750 ha. Ngoài ra, Chuột gây hại nhẹ, cục bộ chủ yếu ở ruộng ven làng gần gò đống, kênh mương; tỷ lệ hại nơi cao 3-5% số dảnh, cá biệt 10% số dảnh; Diện tích nhiễm 105,2ha, trong đó nhiễm nặng 5 ha. 2. Trên cây rau màu - Bệnh lở cổ rễ tiếp tục xuất hiện và gây hại trên một số ruộng trũng thấp, ruộng thoát nước chậm sau mưa; tỷ lệ hại nơi cao 3-5%, cục bộ 10%. Ngoài ra: Sâu khoang, ruồi đục lá gây hại rải rác trên các loại rau ăn lá; sâu đục quả gây hại nhẹ, rải rác trên đậu đỗ. - Cây rau họ thập tự: Sâu xanh, sâu tơ tiếp tục gây hại nhẹ; mật độ nơi cao 2-3 con/m2, cục bộ 7 - 10 con/m2; bọ nhảy gây hại cục bộ ở một số vùng chuyên canh rau họ thập tự. Ngoài ra, bệnh sương mai, thối nhũn gây hại nhẹ, rải rác. - Cây dưa chuột, bầu, bí: Bệnh sương mai, phấn trắng phat sinh và gây hại nhẹ, rải rác; tỷ lệ hại phổ biến 3-5% số lá (cấp bệnh 1-3); Bọ trĩ, rệp muội gây hại cục bộ, phạm vi hẹp. - Các cây rau khác (nhóm rau gia vị, rau dền, rau muống…): Sâu bệnh gây hại không đáng kể. 3. Trên cây ăn quả - Cây có múi: Nhện nhỏ (nhện trắng, nhện rám vàng), bệnh vàng lá thối rễ, bệnh vàng lá gân xanh, loét vi khuẩn tiếp tục xuất hiện và gây hại nhẹ, rải rác; sâu vẽ bùa, rệp, bọ trĩ gây hại rải rác những cây đang ra lộc non. - Cây nhãn, vải: Bệnh thán thư, bệnh sương mai (thối quả) gây hại nhẹ rải rác trên diện nhãn chín muộn; tỷ lệ hại phổ biến 0,3-0,5% số quả, nơi cao 2-3% số quả. Ngoài ra, Sâu đục gân lá gây hại nhẹ, rải rác trên cây vải thời kỳ ra lộc thu. - Cây ổi: Sâu hại búp tiếp tục phát sinh và gây hại ở một số vùng, tỷ lệ hại phổ biến 3-5%, nơi cao 10% số chồi. Ngoài ra, bọ xít muỗi, sâu róm, rệp sáp phát sinh và gây hại nhẹ, rải rác. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI TRONG THỜI GIAN TỚI 1. Trên lúa - Rầy nâu, rầy lưng trắng: Rầy cám lứa 6 tiếp tục phát sinh, gia tăng một độ trên các trà lúa, có khả năng gây cháy rầy cục bộ ở những ruộng xuất hiện mật độ rầy cao mà không phun trừ kịp thời, đồng thời là nguồn nguy hiểm của rầy lứa 7 gây hại từ giữa tháng 9 đến cuối vụ. - Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non tiếp tục nở và có khả năng gây hại, làm gây sơ trắng lá đòng và lá công năng ở một số ruộng lúa có mật độ sâu cao mà không phòng trừ kịp thời hoặc ruộng phòng trừ gặp mưa mà không phun lại. - Sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng gia tăng trên các trà lúa, chủ yếu ở những khu vực bướm dồn, ruộng gần đèn cao áp, đường giao thông, đặc biệt trên diện lúa trỗ muộn sau 10/9/2024. - Bệnh bạc lá vi khuẩn tiếp tục phát sinh và gây hại gia tăng cục bộ trên một số giống lúa nhiễm, những ruộng bón nặng đạm và nhất là sau những trận mưa giông. - Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh và gây hại gia tăng chủ yếu trên diện lúa chưa trỗ thoát, đặc biệt ở những ruộng gieo cấy dày, bón năng đạm, ruộng bị cạn nước. Ngoài ra, chuột tiếp tục gây hại cục bộ giai đoạn trước trỗ đối với diện lúa trỗ muộn ở những ruộng ven làng, gần gò đống, kênh mương; lúa cỏ xuất hiện cục bộ ở một số ruộng đã bị nhiễm ở vụ trước. 2. Trên cây rau màu - Rau màu vụ Hè-Thu: Bệnh lở cổ rễ xuất hiện và gây hại trên rau màu, chủ yếu ở những chân ruộng trũng, đặc biệt ở những ruộng thoát nước kém sau mưa. - Cây dưa chuột, bầu, bí: Bệnh sương mai, phấn trắng tiếp tục gây hại nhẹ, rải rác; Bọ trĩ, rệp muội gây hại cục bộ, phạm vi hẹp. - Cây rau họ thập tự: Sâu xanh, sâu tơ tiếp tục xuất hiện và gây hại nhẹ, rải rác; bọ nhảy gây hại cục bộ ở một số vùng chuyên canh rau họ thập tự. - Các cây rau khác (nhóm rau gia vị, rau dền, rau muống…): Sâu bệnh gây hại không đáng kể. 3. Trên cây ăn quả - Trên cây có múi: Bệnh loét cam tiếp tục gây hại cục bộ ở những vườn không được phòng trừ kịp thời; bệnh vàng lá - thối rễ xuất hiện cục bộ ở một số vườn trồng trên đất chua, ít sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, vườn thoát nước kém trong mùa mưa và bị tuyến trùng hại rễ. Ngoài ra bọ trĩ, rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa gây hại rải rác ở thời kỳ cây ra lộc, ở những vườn không được phòng trừ kịp thời; bệnh khô cuống quả gây hại nhẹ, rải rác. - Ruồi đục quả gây hại nhẹ trên một số cây ăn quả bước vào giai đoạn quả chín sinh lý (bưởi, ổi…), nhất là ở các vườn trồng dầy, ít áp dụng các biện pháp phòng trừ. - Cây nhãn, vải: Sâu đục gân lá phát sinh và gây hại nhẹ rải rác thời kỳ cây phát triển lộc thu. Trưởng thành Rầy chổng cánh vân nâu xuất hiện và gây hại nhẹ trên nhãn ở giai đoạn cây ra lộc non “lộc đỏ” (không gây hại trên cây vải). - Trên cây ổi: Sâu hại búp tiếp tục phát sinh và gây hại gia tăng; Bọ xít muỗi xuất hiện và gây hại cục bộ; Sâu róm gây hại nhẹ, rải rác. - Ruồi đục quả (ruồi vàng) phát sinh và gây hại trên một số cây ăn quả bước vào giai đoạn quả chín sinh lý (bưởi, ổi…), nhất là ở các vườn trồng dầy, ít áp dụng các biện pháp phòng trừ. ĐỀ NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ HOẶC CÁC CHỦ TRƯƠNG CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN Ở ĐỊA PHƯƠNG - Tiếp tục thực hiện tốt công văn số 1917/BVTV-TV ngày 26/8/2024 của Cục Bảo vệ thực vật về việc tăng cường chỉ đạo phòng chống SVGH bảo vệ lúa Mùa 2024; công văn số 1503/SNN-BVTV ngày 26/8/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh hại lúa Mùa từ nay đến cuối vụ. - Phòng Kỹ thuật, Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh trên cây trồng (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ), theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh trên các cây trồng, đặc biệt quan tâm các đối tượng như Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn hại lúa để chủ động tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả. 1. Trên lúa + Rầy nâu - rầy lưng trắng: Những ruộng xuất hiện rầy cám với mật độ cao cần hướng dẫn nông dân phối hợp phun trừ bằng thuốc trừ rầy nội hấp như Chess 50WG, Chatot 600WG, Apta 300WP, Midan 10WP.... + Đối với Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6: Tiếp tục phun trừ ở những ruộng có mật độ sâu cao, khi sâu non đa số tuổi 1-3, bằng các thuốc đặc hiệu như: Incipio 200SC, Voliam targo 063SC, Virtako 40WG, Dylan 5WG. + Sâu đục thân bướm hai chấm: Phòng trừ ở những ruộng xuất hiện mật độ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 bằng một trong các thuốc đặc hiệu như: DuPont Prevathon 5SC, 35WG, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC. Cần phun lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày đối với những ruộng có mật độ trứng cao trên 01 ổ/m2. + Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh trên các giống nhiễm, nhất là sau những trận mưa dông cần chủ động phun phòng sớm bằng các loại thuốc như Xanthomix 20WP, Totan 200WP, Ychatot 900SP, Lobo 8WP. + Bệnh khô vằn phát triển cần phòng trừ bằng các thuốc như: Help 400EC, Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Anvil 5SC. Lưu ý: Trên ruộng xuất hiện nhiều đối tượng sâu, bệnh tại cùng một thời điểm thì nên cộng hợp các loại thuốc để phòng trừ nhằm giảm công phun và tăng hiệu lực của thuốc. + Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhổ bỏ và tiêu huỷ lúa cỏ xuất hiện trên ruộng lúa nhằm giảm nguồn lúa cỏ ở vụ sau . 2. Trên cây rau màu - Kịp thời thu hoạch những diện thu hoạch những diện tích rau màu đến thời kỳ thu hoạch, đồng thời chủ động tạo rãnh thoát nước, lên luống cao đối với diện rau màu mới trồng và chuẩn bị gieo trồng nhằm hạn chế hiện tượng úng ngập trong mùa mưa. - Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy xuất hiện mật độ cao trên rau họ thập tự, sâu đục quả, rệp, bọ trĩ hại đậu đỗ, dưa chuột cần phòng trừ bằng thuốc sinh học như: Aizabin WP, Vi–BT, Bitadin WP, VK. Những vùng trồng chuyên canh rau họ thập tự mà thường xuyên xuất hiện bọ nhảy mật độ cao cần áp dụng các biện pháp luân canh với nhóm rau khác. - Bệnh sương mai hại dưa chuột, bí xanh, đậu đỗ… cần phòng trừ bằng chế phẩm Nano bạc, Nano đồng ở thời kỳ đang thu hoạch hoặc dùng thuốc Phytocide 50WP, Insuran 50WG, Dipomate 80WP… ở thời kỳ cây phát triển sinh khối. - Đối với nhóm rau gia vị: Sâu bệnh gây hại không đáng kể nên không cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ. 3. Trên cây ăn quả - Cây nhãn, vải: + Thực hiện công tác cắt tỉa, vệ sinh vườn, chăm sóc sau thu hoạch đối với diện nhãn đã thu hoạch để tạo điều kiện cho lộc thu phát triển tốt. + Sâu đục gân lá phát sinh mật độ cao ở những vườn nhãn, vải đang ra lộc thu cần phòng trừ bằng một trong các thuốc như DuPont Prevathon 5SC, 35WG, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC. - Cây có múi: + Theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh chính; Hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bọ trĩ, rệp muội nơi có mật độ cao bằng các thuốc đặc hiệu như: Radiant 60SC, Kola 700 WG, Brightin 4.0 EC...; nhóm nhện nhỏ (nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng) phòng trừ bằng các thuốc đặc hiệu như: Detect 50WP, Catex 3.6EC, KingSpider 93SC, Alterkil 45SC… theo nguyên tắc “4 đúng”; bệnh loét cam xuất hiện và phòng trừ bằng các thuốc như Saipan 2SL, Kasumin 2L, hoặc sử dụng chế phẩm Nano đồng để phun phòng bệnh. + Đối với bệnh vàng lá thối rễ: Cần thường xuyên áp dụng tổng hợp các biện pháp (nhất là từ đầu mùa mưa) để phòng trừ như: Bón vôi bột cho những vườn trồng đất chua và diệt tuyến trùng hại rễ; tạo rãnh thoát nước tốt sau khi mưa để tránh úng ngập và lây lan nguồn bệnh trong đất; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma, phân hữu cơ ủ mục với chế phẩm sinh học … để cung cấp dinh dưỡng cho cây, đồng thời cải tạo đất và giảm nguồn nấm bệnh trong đất; khi bệnh chớm xuất hiện cần phòng trừ bằng thuốc trừ nấm đặc hiệu có phổ tác động rộng như Ridomil Gold 68WG, Amistar top 525SC (kết hợp phun trên lá và tưới gốc). - Cây ổi: Nơi xuất hiện Bọ xít muỗi, sâu đục búp gây hại mật độ cao cần phòng trừ bằng thuốc Radiant 60SC, Karate 2.5 EC. - Ðối với Ruồi đục quả gây hại các loại cây ăn quả: Thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng trừ Ruồi đục quả trên các vườn cam, bưởi, ổi… (nhất là ở thời kỳ quả bước vào giai đoạn chín sinh lý đến khi thu hoạch) bằng các biện pháp như: Bao quả, sử dụng bẫy Feromol, bẫy xua đuổi, bẫy dính màu vàng, đồng thời thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom những quả bị rụng, bộ phận cây mang tàn dư sâu, bệnh để tiêu hủy nhằm giảm nguồn sâu, bệnh phát tán lây lan trên đồng ruộng. Lưu ý: + Tuyệt đối không lạm dụng thuốc BVTV trên các loại cây trồng, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, khi áp lực sâu, bệnh cao; + Hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh phải theo nguyên tắc “4 đúng” tuân thủ thời gian cách ly sau phun thuốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hưng Yên