Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Vừa qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Tham dự còn có Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Ban chỉ đạo); Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày, tính đến 15-9, cả nước đã có 2.045 xã (23% số xã của cả nước) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 515 xã so với cuối năm 2015. Còn 300 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,36%). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Dự kiến, hết năm 2016, sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn.

Có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 đơn vị so với năm 2015 và dự kiến, hết năm 2016, con số này là 30 đơn vị.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình là hơn 850.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 11,6%, còn 88,4% là từ nhiều nguồn lực khác nhau như từ người dân, doanh nghiệp, tín dụng…

Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo cho rằng, trọng tâm cần tập trung vào 4 nhóm nội dung thành phần chủ yếu là: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã; thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Đối với các xã đã đạt chuẩn, lựa chọn nội dung phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Dự kiến, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 là hơn 193.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Về các giải pháp thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo cho biết, tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình. Thực hiện nghiêm túc việc đóng góp của nhân dân trong xã để triển khai các dự án theo nguyên tắc tự nguyện.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của bộ, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể và người dân trong việc xây dựng nông thôn mới, đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn trong thời gian qua. Nhiều mô hình mới trong sản xuất đã được triển khai. Bộ mặt nông thôn mới được thay đổi nhanh. Số hộ nghèo giảm mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tốt hơn... Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong việc xây dựng nông thôn mới thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bản chất của việc xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống của người nông dân, cả về vật chất và tinh thần, chứ không chỉ là xây dựng các công trình cơ bản. Nông thôn mới phải là nơi đáng sống, có kết cấu hạ tầng tốt hơn, đời sống người dân tốt hơn, bình đẳng xã hội tốt hơn, dân chủ tốt hơn, giữ gìn văn hóa truyền thống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường sống trong lành.

Thủ tướng nhìn nhận, để đạt mục tiêu có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong 5 năm tới là không hề hơn giản trong khi nguồn lực tài chính đặt ra có hơn 193.000 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách Trung ương chỉ hơn 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó, một số không nhỏ các xã chưa được công nhận nông thôn mới là những xã đặc biệt khó khăn, các xã ở vùng sâu, vùng xa, mức sống của người dân còn thấp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Về những giải pháp xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải coi trọng vấn đề nâng cao thu nhập cho người nông dân. “Phải tìm hiểu xem người dân có thể hưởng lợi từ đâu, việc tổ chức sản xuất thế nào, ứng dụng khoa học công nghệ ra sao, thương mại điện tử thế nào”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thẳng thắn phê bình bệnh thành tích trong đánh giá công nhận nông thôn mới, Thủ tướng chỉ ra rằng, một số nơi sau khi được công nhận thì phong trào chững lại. Vì thế, Thủ tướng khẳng định, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò người đứng đầu trong việc xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo các cấp ở địa phương cần phải có khát vọng trong việc xây dựng quê hương giàu mạnh hơn, đời sống người dân được nâng cao hơn.

Thủ tướng cho rằng, mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải được quy hoạch chặt chẽ theo hướng xanh sạch đẹp; nông dân phải được trí thức hóa, có tinh thần khởi nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; cuộc sống ở nông thôn mới phải tiến cận được công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ sử dụng internet, thương mại điện tử để sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm. Phải tăng cường khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; củng cố hợp tác xã nông nghiệp để sản xuất lớn. Cần phải đưa vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trong các tiêu chí nông thôn mới.

Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, nhiều nơi đã kêu gọi xã hội hóa nguồn lực trong việc xây dựng nông thôn mới rất tốt, nhưng nhiều nơi còn mang trông chờ vào bao cấp. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được lạm dụng việc huy động nguồn lực tài chính của dân, nhất là dân nghèo trong việc xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, kêu gọi phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này.

i:0#.f|portalmembershipprovider|snnptnt

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
171 người đang online