01/12/2011 | lượt xem: 2 Thực hiện tam nông - những vướng mắc trong thực tiễn Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Quảng Nam đã có những chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, vấn đề “tam nông” vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn, vướng mắc. * Vướng mắc trong dồn điền đổi thửa Những năm gần đây, Quảng Nam tích cực thực hiện dồn điền, đổi thửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, việc triển khai công tác này vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Tính đến giữa tháng 8/2011, toàn tỉnh đã có 13.722ha đất nông nghiệp ở 278 thôn của 69 xã thuộc các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Núi Thành thực hiện dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, nếu so với tổng diện tích hơn 70.000ha đất canh tác lúa và hoa màu hiện có của Quảng Nam thì con số vừa nêu mới chỉ đạt 20%. Nguyên nhân khiến tiến độ dồn điền đổi thửa diễn ra chậm chạp như vậy là tại các huyện trung du và miền núi, phần lớn đất sản xuất là ruộng bậc thang nên không thể thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết thêm: “Toàn huyện có 3.840ha đất canh tác lúa nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 500 ha được dồn điền đổi thửa, số còn lại phần lớn là ruộng bậc thang, đám trên cao hơn đám dưới 1 - 2m nên không thực hiện được. Nhưng nếu không dồn điền đổi thửa thì chẳng thể nào đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch”. Bên cạnh đó, việc dồn điền, đổi thửa ở hầu hết các địa phương chủ yếu dựa vào các cán bộ kiêm nhiệm, bởi lực lượng chuyên trách quá mỏng và yếu về nghiệp vụ, thậm chí nhiều nơi chẳng tìm ra người. Do vậy, mỗi lần tổ chức triển khai công tác này là hết sức khó khăn. Mặt khác, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mặt trận, hội, đoàn thể chưa thực sự quyết liệt vì không ít người bảo đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, của những thành viên trong Ban chỉ đạo từ huyện đến thôn. Lãnh đạo một số huyện, thành phố cũng cho rằng, ngoài việc ruộng bậc thang chiếm phần lớn diện tích thì nguyên nhân khiến tiến độ dồn điền đổi thửa chậm là do nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước quá thấp. Được biết, giữa năm 2004 đến nay, ngân sách tỉnh đã chi 12 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện công tác này. Thế nhưng, hơn 2/3 trong số đó là dành cho việc xây dựng giao thông nội đồng, bê tông hóa hệ thống kênh mương, chỉnh trang đồng ruộng, số ít còn lại để hỗ trợ cho Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, thôn tiến hành thống kê hồ sơ địa chính và đo đạc, phân chia lại ruộng đất. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương được biết, thời gian qua công tác đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa diễn ra hết sức chậm chạp. Khâu trọng yếu cũng là nguồn vốn được cấp phát. Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cho biết: Bây giờ muốn triển khai đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ 13.722ha đất đã dồn điền đổi thửa trên phạm vi toàn tỉnh thì phải tốn ít nhất 300 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh quá eo hẹp vì thế cùng lúc không thể bỏ ra ngần ấy tiền, bởi vậy không còn cách nào khác là phải thực hiện từ từ. * Nan giải về thủy lợi Hàng loạt diện tích đất canh tác phải bỏ hoang vì không có hồ chứa nước, đập dâng, hệ thống kênh dẫn. Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng tiền tỷ lại không phát huy hiệu quả và nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Cách đây không lâu, ngành nông nghiệp và chính quyền huyện Đông Giang quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống đập dâng kiên cố để chủ động nguồn nước tưới cho 2ha đất canh tác lúa tại thôn Dốc Kiền (xã Ba). Thế nhưng, khi công trình này hoàn thành thì… không có lấy một giọt nước vì lỗi ở khâu thiết kế, khảo sát. Cũng tại xã Ba, năm 2008 các đơn vị liên quan bỏ ra khoản tiền không nhỏ để thi công một con đập nhằm đảm bảo nước tưới cho 4ha lúa, hoa màu của hàng chục hộ dân ở thôn Phú Son. Nhưng 4 năm nay, đập làm xong, nước chảy tràn lan, còn nông dân thì bỏ ruộng hoang để đi nhận khoán trồng và chăm sóc cao su đại điền. Rốt cuộc, bây giờ con đập ấy cũng bỏ phế. Không biết, trước khi quyết định đầu tư, các ngành chức năng có tham khảo ý kiến, tìm hiểu nguyện vọng và nhu cầu của người dân không? Tại xã Bình Sa và Bình Nam (Thăng Bình) ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Ba La với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng để chủ động nguồn nước tưới cho hơn 600ha đất sản xuất lúa và cây trồng cạn, Theo đó, bên cạnh việc thi công hàng chục km kênh mương bằng bê tông xi măng lát mái và ống hộp, còn nâng cấp đập Đồng Hòe ở xã Bình Trung để dẫn nước từ đây về tưới cho 2 địa phương trên. Vậy nhưng, nhiều năm nay, công trình này vẫn bỏ hoang, nông dân vẫn chờ nước. Tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ hệ thống thủy lợi Ba La không thể dẫn nước từ đập Đồng Hòe về tưới cho diện tích đất canh tác vừa nêu là do trong quá trình khảo sát, thiết kế các cơ quan tư vấn chưa khảo sát kỹ địa hình, địa chất. Do khu vực này nền địa chất yếu nên mỗi khi trời mưa to kéo dài là thường xảy ra sạt lở, khiến nhiều đoạn kênh bê tông, xi măng lát mái bị hư hỏng nặng. Không chỉ vậy, đất cát và rác thải cứ theo nước chảy vào hệ thống kênh hộp, dẫn đến chênh lệch áp suất, gây ra tình trạng bung, vỡ tại rất nhiều điểm… Được biết trong tổng số 2.630km kênh mương cần kiến cố thì đến nay, toàn tỉnh mới kiên cố hóa được 655km, còn lại 1.975km chưa thể thực hiện. * Thiếu vốn, thông tin và lao động Thời gian qua, không ít nơi, người dân từng tiếp cận với những vốn vay ưu đãi nhằm mục đích phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tuy nhiên để vay được như ý muốn cũng rất khó khăn. Qua thực tế tại Quảng Nam , quy mô vườn hộ gia đình phần lớn còn nhỏ lẻ và manh mún. Đặc biệt, tiềm năng đất đai vẫn chưa được khai thác tương xứng. Bởi, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn đến hàng ngàn ha đất vườn đồi, vườn rừng, vườn nhà bị bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nông dân bí vốn, trong khi đó việc tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi của nhà nước thì lại đòi hỏi rất... nhiều thủ tục, điều kiện. Nếu đi vay ngân hàng thương mại thì không có tài sản thế chấp, còn đi vay theo kiểu tín chấp thì cũng chỉ được vài chục triệu đồng vì ngân hàng “sợ” người dân không trả đủ vốn và lãi khi dịch bệnh xảy ra liên miên… Do thiếu thông tin định hướng thị trường nên nông dân liên tục gặp phải rủi ro trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực. Trong những năm gần đây, hàng loạt cây đặc sản nổi tiếng của Quảng Nam như quế, mía, bông vải, dứa, sắn của người dân trồng ra không đem lại hiệu quả kinh tế. Hàng chục ngàn hộ dân đã phải đốn quế làm củi, hoặc luôn chịu cảnh “được mùa mất giá” và ngược lại. Qua thực tế tại nhiều địa phương, việc lao động trẻ bỏ đi làm ăn xa cũng là một điều đáng quan tâm. Vì đến vụ mùa, không tìm đâu ra những thanh niên khỏe mạnh, xốc vác làm việc đồng áng. Tại rất nhiều nơi, lực lượng lao động trong nông nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng. Bây giờ nông dân đa số là người già, phụ nữ, trẻ em. Vì hiệu quả kinh tế mà cây lúa, cây đậu mang lại cho họ quá thấp nên không ít thanh niên và lao động trung niên bỏ ruộng. Nhiều người tính toán, nếu được mùa, 1 sào đất cho năng suất 300kg lúa khô. Với giá bán 5 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị thu về là 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả công cày bừa và tiền thủy lợi phí nội đồng đã ngốn hết 2/3 con số này. Chăm bẵm suốt hơn 3 tháng trời, lãi ròng chỉ 500 nghìn đồng, quả là quá thấp. Nhiều nông dân cho biết, thời điểm này, chỉ cần ra Đà Nẵng phụ hồ 3 ngày thôi là đã cầm trên tay ngần đó tiền... Cơ giới hóa các khâu sản xuất là một phần quan trọng trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu những bất cập của chính sách tín dụng mà Nhà nước dành cho nông dân không được giải quyết thấu đáo thì việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của nông dân Quảng Nam sẽ còn ì ạch./.
Huyện Văn Giang đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và gặp mặt kỷ niệm 25 năm tái lập
Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đợt cuối năm 2023
Quyết định số 283/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt cuối năm 2023
Hướng dẫn thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Quyết định ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025