Tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn Quý III, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý IV năm 2023

Trong quý, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, tại thời điểm kết thúc gieo cấy, cây lúa bước vào giai đoạn bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh trời ít mưa, gây hạn hán cục bộ ở một số diện tích, ảnh hưởng đến khả năng đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển của lúa; Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo khắc phục tình trạng hạn ở đầu vụ và tiêu úng kịp thời sau các đợt mưa lớn, vì vậy sản xuất vụ Mùa 2023 cơ bản hoàn thành kế hoạch

I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT QUÝ III NĂM 2023
1. Trồng trọt – Bảo vệ thực vật
1.1. Trồng trọt
- Cây lúa:
Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và đoàn thể cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là áp dụng mạ khay máy cấy vào trong sản xuất nên các địa phương cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo, cấy trong khung thời vụ đã chỉ đạo (trước ngày 20/7). Kết thúc gieo cấy, toàn tỉnh gieo, cấy được 25.151 ha (đạt 100,4% KH), trong đó diện tích cấy là 19.194 ha, diện tích gieo thẳng là 5.957 ha.
(Số liệu tổng hợp từ các huyện, thị xã, thành phố)
Cơ cấu trà vụ:
+ Trà sớm: Diện tích 2.064 ha, chiếm 8,2 % (năm trước 9,85 %); chủ yếu gieo cấy các giống: KD18, Đài Thơm 8; Hà phát 3, VNR10,.…;
+ Trà trung: Diện tích 23.087 ha, chiếm 91,8% (năm trước 90,15 %), chủ yếu các giống: TBR225, VNR20, Thiên Ưu 8, Tiền Hải 1, ĐH 12, Hana số 7, nếp Thơm Hưng Yên, nếp các loại, Khang dân 18,…
- Cơ cấu giống lúa:
+ Diện tích lúa năng suất: 7.318 ha chiếm 29,1% diện tích (tương đương năm trước), bao gồm: nhóm lúa lai, lúa thuần như Thiên Ưu 8, KD18, ADI130, ADI28,…;
+ Diện tích lúa chất lượng cao: 17.833 ha, chiếm 70,9% diện tích (tương đương năm trước), bao gồm các giống: Đài thơm 8, Tiền Hải 1, ADI168, TBR279, Nếp Thơm Hưng Yên, lúa nếp khác, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1,…;
+ Diện tích lúa lai là 658 ha, chiếm 2,6% (năm trước 4%).
Nhìn chung, cây lúa sinh trưởng, phát triển và đẻ nhánh đạt số nhánh hữu hiệu tối ưu, tỷ lệ hạt chắc cao. Tính đến ngày 25/9/2023, diện tích lúa mùa thu hoạch được 2.279 ha. Từ nay tới cuối vụ, nếu không có diễn biến bất thường về thời tiết và sâu bệnh hại, năng suất lúa vụ Mùa ước TB đạt 58-59 tạ/ha (cao hơn năm trước).
- Cây Rau màu:
Đến ngày 25/9/2023 toàn tỉnh trồng được 1.570 ha rau màu vụ Đông. Các huyện trồng nhiều rau màu vụ Đông là: Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ và TP. Hưng Yên. Hiện nay các địa phương đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau màu vụ Đông theo kế hoạch.
Các loại rau, đậu, đỗ Hè - Thu đang cho thu hoạch, giá của các loại rau, màu cao hơn so với năm trước.
- Cây ăn quả:
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, diện tích cây ăn quả đến nay ước đạt khoảng 14.754 ha (tương đương năm 2022), trong đó diện tích một số loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh như sau:
+ Cây nhãn: Diện tích khoảng 4.800 ha (diện tích cho thu hoạch 4.300 ha), tỷ lệ diện tích nhãn ra hoa đạt cao (khoảng 95%) . Tuy nhiên, thời điểm nhãn nở hoa cái (nửa cuối tháng 3, đầu tháng 4) có nhiều ngày mưa nên tỷ lệ đậu quả thấp, nhất là trên những diện tích nhãn tạp, ít được chăm sóc, tỷ lệ đậu quả bình quân ước đạt 65 – 70%. Dự kiến sản lượng nhãn năm nay ước đạt khoảng 30.000 – 35.000 tấn, thấp hơn năm 2022 từ 5-10%. Giá nhãn trung bình năm nay ở mức từ 10.000 -15.000 đ/kg đối với nhãn làm long và từ 20.000-30.000 đồng/kg đối với nhãn làm quà, tại các vùng nhãn ngon, đạt tiêu chuẩn VietGAP giá bán trung bình từ 35.000-50.000đ/kg.
+ Cây vải: Diện tích khoảng 1.300 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 1.000 ha, tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt trên 85%. Do tỷ lệ đậu quả năm nay cao hơn so với năm 2022, bên cạnh đó một số diện tích vải trồng mới (vải Trứng Hưng Yên) đã bắt đầu cho thu hoạch nên sản lượng vải năm nay cao hơn so với năm 2022 khoảng 20%. Giá bán trung bình đối với vải trứng là 100.000-150.000đ/kg còn vải lai chín sớm Phù Cừ và các vải khác từ 20.000-30.000 đồng/kg.
+ Cây có múi: Diện tích khoảng 4.200 ha, giảm so với năm 2022 khoảng 100 ha, tỷ lệ đậu quả đạt khoảng 65 - 70%, sản lượng ước thấp hơn so với năm 2022 từ 5 – 10%.
+ Cây chuối: Diện tích khoảng 2.700 ha, sản lượng ước đạt cao hơn năm 2022 khoảng 5-10%; chuối tây cơ bản đã thu hoạch xong, giá bán từ 7.000-10.000 đồng/kg; chuối tiêu chuẩn bị cho thu hoạch.
- Cây ăn quả khác: Diện tích khoảng 1.900 ha, thời tiết năm nay thuận lợi cho các cây ăn quả khác như xoài, hồng xiêm, mít, ổi ... ra hoa và đậu quả. Sản lượng ước cao hơn so với năm trước khoảng 10 – 20%.
1.2. Bảo vệ thực vật
Công tác dự tính, dự báo được quan tâm chỉ đạo quyết liệt cùng với việc bố trí cơ cấu giống lúa và thời vụ gieo trồng hợp lý; đồng thời, các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tăng cường cán bộ kỹ thuật, bám sát đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác; hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời và hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh gây hại nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra; nhìn chung các đối tượng sâu hại cơ bản thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Duy trì 03 mô hình Bệnh viện cây trồng tại 3 huyện, thành phố (Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên) đã tăng số buổi khám vào ngày 02 và 17 hàng tháng để tư vấn cho nông dân phòng trừ sâu bệnh trong thời kỳ xung yếu của cây trồng. Thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu kiểm định chất lượng mẫu thuốc bảo vệ thực vật tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đợt II năm 2023 theo Quyết định số 99/QĐ-BVTV ngày 26/7/2023; đoàn đã kiểm tra tại 22 cơ sở, lấy 34 mẫu thuốc BVTV kiểm định chất lượng, hiện đang chờ kết quả phân tích. Qua kiểm tra về cơ bản các cơ sở đã chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành đầy đủ quy định về việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
2. Chăn nuôi – thuỷ sản và công tác thú y
2.1. Chăn nuôi – thuỷ sản
- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi phát triển khá ổn định, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là DTLCP. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi ở Hưng Yên vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình chính trị bất ổn của một số nước dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào mặc dù đã giảm nhưng nói chung vẫn còn cao, giá xuất bán các loại sản phẩm không ổn định. Theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm ở thời điểm hiện tại và so với cùng kỳ năm trước: đàn lợn 508.415 con (tăng 5,2%), đàn trâu 4720 con (tăng 3,3%), đàn bò: 30.987 con (giảm 1,5%), đàn gia cầm 9,695 triệu con (tăng 2,97%). Chất lượng con giống được nâng lên 100% là lợn nạc và siêu nạc, 100% đàn bò được sind hóa (trong đó đàn bò lai 3 máu, 4 máu chiếm trên 42%), đàn gà lông màu chiếm trên 90% (trong đó gà Đông tảo, Đông tảo lai chiếm trên 35%) tổng đàn. Hình thức và quy mô chăn nuôi chuyển dần theo hướng giảm chăn nuôi quy mô nông hộ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học (ATSH), an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường gắn với việc thi hành Luật Chăn nuôi.
- Thuỷ sản: Tình hình sản xuất thủy sản phát triển ổn định; sản lượng cá thương phẩm toàn tỉnh đạt khoảng 20.600 tấn (trong đó, nuôi 20.577 tấn, khai thác 23 tấn); sản xuất, kinh doanh được 257 triệu con cá bột, 42 triệu con cá giống và cá hương, đã tiến hành kiểm tra các cơ sở cho sinh sản nhân tạo, sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản phương pháp phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản.
2.2. Công tác thú y
Trong quý, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia súc gia cầm và thủy sản; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được: 39.870 con lợn; 206.632 con gia cầm; 188.419 kg bì lợn sấy; 44.916 kg lông vũ; 4.865.732 kg thịt gia súc, gia cầm; 591.592 kg xúc xích, thịt hun khói; 194.686 kg phụ phẩm; 410.350 con cá giống; kiểm soát giết mổ 67.167 con gia cầm; 3.440 con lợn và cấp giấy chứng nhận 2 giấy các loại trong đó: 01 giấy chứng nhận quảng cáo thuốc thú y; 05 chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc thú y; 02 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y và 04 giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.
3. Công tác thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão
3.1. Công tác thủy lợi
Sở chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH một thành viên KTCTTL và các địa phương tập trung theo dõi sát sao thời tiết, cập nhật mức nước trên các sông trục, phân công cán bộ trực ban 24h/24h; đảm bảo cơ bản cung cấp đủ nước cho lúa và cây trồng phát triển không có diện tích cây trồng bị hạn úng ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
3.2. Công tác Đê điều và phòng chống lụt bão
Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra đê điều, trong quý không phát hiện vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn toàn tỉnh; đã cấp được 03 biển xe hộ đê; 46 biển xe được phép đi trên đê. Phân công cán bộ trực ban 24h/24h trong mùa mưa bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước các sông, trục, đảm bảo ứng phó kịp thời khi bão, lũ, úng xảy ra.
Công tác tu bổ đê điều: Đang triển khai thi công các gói thầu xây lắp gói thầu thuộc Báo cáo kinh tế kỹ thuật duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2023, tỉnh Hưng Yên. Công trình cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê trên thực địa tuyến đê tả sông Hồng đoạn từ K76+894 đến K127+260 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, thi công hoàn thành gói thầu xây lắp thuộc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở trên tuyến kè Phú Hùng Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Thực hiện các hạng mục thuộc kế hoạch ngân sách tỉnh giao.
4. Công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn
4.1. Xây dựng nông thôn mới: Kiểm tra đôn đốc hướng dẫn các xã, huyện đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đề nghị NTM kiểu mẫu; tổ chức thẩm định các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đợt 1 năm 2023.
4.2. Phát triển nông thôn: Đôn đốc công tác tổ chức thi công xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp đường GTNT tại 04 xã: Đông Ninh - huyện Khoái Châu, Hùng An - huyện Kim Động, Hoàng Hanh - thành phố Hưng Yên và Thiện Phiến - huyện Tiên Lữ theo Đề án phát triển kinh tế vùng bãi.
5. Về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản
Được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh năm 2023 Sở đã được đầu tư cấp kinh phí tiếp tục triển khai thực hiện 14 dự án trong đó 06 dự án chuyển tiếp; 02 dự án khởi công mới; 04 dự án đang lựa chọn nhà thầu xây lắp; 02 dự án đang thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đảm bảo đúng tiến độ đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.
6. Công tác khác
- Công tác cải cách hành chính: Trong Quý III, Sở đã tham mưu, trình UBND tỉnh công bố mới 01 danh mục TTHC, sửa đổi, bổ sung 12 danh mục TTHC; đề nghị công bố mới 01 quy trình nội bộ giải quyết TTHC và sửa đổi, bổ sung 09 quy trình nội bộ giải quyết TTHC (Quyết định số 1612/QĐ-UBND ngày 01/8/2023 và 1883/QĐ-UBND ngày 08/9/2023); đề nghị công bố 01 TTHC nội bộ (1434/QĐ-UBND ngày 10/7/2023). Các thủ tục hành chính đã được niêm yết công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở và cổng dịch vụ công của tỉnh và trụ sở làm việc của đơn vị.
Thực hiện cơ chế một cửa; từ 15/6/2023 đến 14/9/2023, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của Sở đã tiếp nhận 108 hồ sơ TTHC thuộc các lĩnh vực bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy lợi, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, khoa học công nghệ và môi trường, thú y (trong đó có 106 hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến, 02 hồ sơ trực tiếp); đã trả kết quả 115 hồ sơ (trong đó có 114 hồ sơ trước hạn, 01 hồ sơ quá hạn (Sở đã có văn bản xin lỗi theo quy định).
Việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác ngày càng được chú trọng; hầu hết, các thủ tục hành chính được triển khai đến mức độ 3,4; 100% cán bộ, công chức ứng dụng phần mềm quản lý và điều hành văn bản trong giải quyết công việc; cập nhật và gửi văn bản qua phần mềm tới các đơn vị trực thuộc; 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử để trao đổi công việc.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí:
+ Trong quý III, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành 01 cuộc thanh tra việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản. Các đơn vị thuộc Sở đã tiến hành 06 cuộc kiểm tra tại 128 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là: 125.145.000 đồng, nộp ngân sách nhà nước.
+ Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và công tác pháp chế. Kết quả, trong quý III, không phát hiện cán bộ công chức, viên chức có hành vi tham nhũng.
- Công tác Kế hoạch - Tài chính và TTNN: Hướng dẫn các phòng ban, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch sản xuất, ngân sách năm 2022;
- Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản:
+ Hoàn thành 01 đoàn kiểm tra ATTP các cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Kết quả đoàn đã kiểm tra điều kiện đảm bảo tại 30 cơ sở, lấy 06 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm một số chỉ tiêu ATTP, kết quả không mẫu nào phát hiện vi phạm, hoàn thành 01 đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại 22 xã/phường trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Đoàn đã lấy 03 mẫu thực phẩm kiểm tra một số chỉ tiêu ATTP, kết quả không mẫu nào phát hiện vi phạm.
+ Hoàn thành 01 đoàn giám sát điều kiện đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản đợt 4 năm 2023 tại 48 cơ sở. Lấy 240 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm một số chỉ tiêu ATTP (trong đó 234 mẫu kiểm tra nhanh, 06 mẫu kiểm tra định lượng). Kết quả 11 mẫu kiểm tra nhanh dương tính với hàn the, nitrat.
+ Đang triển khai đoàn giám sát điều kiện đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản đợt 5 năm 2023.
- Công tác kiểm lâm: Ban hành 02 Quyết định thu hồi chứng nhận cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB, động vật rừng nguy cấp thuộc phụ lục II, III, công ước quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (QĐ số 114/QĐ-CCKL ngày 28/7/2023; QĐ số 122/QĐ-CCKL ngày 14/8/2023);
- Triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng kế hoạch các Đề án dự án, Kế hoạch đã được phê duyệt.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG QUÝ IV NĂM 2023
1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăn sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đồng thời, đẩy nhanh đến độ và mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cày ải khi thời tiết thuận lợi; vệ sinh đồng ruộng, giống, phân bón,... phục vụ sản xuất vụ Xuân 2022, đảm bảo kế hoạch. Chỉ đạo thực hiện chăm sóc cây ăn quả có múi và tổ chức các hoạt động XTTM tiêu thụ sản phẩm nông dân địa phương.
2. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở, hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi liên kết; trong đó, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững. Tập trung chăm sóc và phòng trừ dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện tốt công tác tiêm phòng vụ Thu – Đông cho đàn gia súc, gia cầm; tiếp tục tổ chức thực hiện các dự án, đề án như: Chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng Vietgahp và chăn nuôi bò thịt cao sản đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ và hiệu quả.
3. Phối hợp với Công ty TNHH MTV KTCTTL và các địa phương, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, khi có diễn biến thời tiết bất thường; chú trọng công tác giải toả vi phạm công trình thủy lợi, đê điều; điều hành nước hợp lý để tưới, tiêu cho cây trồng vụ Đông kịp thời, hiệu quả; triển khai thực hiện tốt kế hoạch nạo vét Đông Xuân 2023 - 2024.
4. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
5. Tham mưu họp Hội đồng thẩm định xét công nhận các xã đạt nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu đợt 1 năm 2023, Tổ chức cuộc thi tìm hiểu nông thôn mới năm 2023 và tiếp tục kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các địa phương đăng ký xã đạt nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu.
6. Tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án do Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh giao năm 2023.
7. Hoàn thiện và tham mưu UBND tỉnh ký ban hành các Đề án, Dự án mới thực hiện giai đoạn 2021-2025.
8. Tổ chức tổng kết công tác sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.
9. Hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán ngân sách Nhà nước 2023 và Kế hoạch ngân sách 2024.
 
Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
74 người đang online