Tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn tháng 5 năm 2023

Tháng qua, thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

1. Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

- Cây lúa: Theo tổng hợp báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố đến ngày 22/5/2023 diện tích lúa trỗ của toàn tỉnh là 25.408ha (đạt100%). Hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp và bắt đầu thu hoạch nếu không có diễn biến bất thường về thời tiết, dự kiến năng suất năm nay đạt khoảng 68 tạ/ha (cao hơn so với vụ Xuân năm 2022).

- Rau màu: Đến ngày 22/5/2023, toàn tỉnh trồng được 6.105ha rau màu Xuân. Các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, các loại rau màu đã cho thu hoạch. Diện tích thu hoạch rau màu xuân được 3.080ha.

- Cây ăn quả

 Cây nhãn: đang ở giai đoạn phát triển quả non, người dân đang tiến hành áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của Chi cục BVTV, đảm bảo năng suất và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự kiến sản lượng nhãn năm nay, thấp hơn so với năm 2022 khoảng 10%.

 Cây vải: Sản lượng vải ước đạt 18.000 tấn (cao hơn khoảng 5.000 tấn so với năm 2022), trong đó sản lượng vải Trứng Hưng Yên ước đạt khoảng 300 tấn. Hiện nay, một số diện tích vải lai chín sớm giá bán khoảng 40.000 - 45.000  đồng/kg, vải Trứng Hưng Yên giá bán khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg.

- Cây có múi: Dự kiến sản lượng thấp hơn so với năm 2022 khoảng 10%. Hiện nay, cây có múi đang trong giai đoạn phát triển quả non.

- Cây chuối: Sản lượng ước đạt 80.000 tấn (cao hơn so với năm 2022 khoảng 10 – 15%); đã thu hoạch xong chuối tiêu, giá bán trung bình khoảng 8.000 đ/kg; chuối tây hiện đang cho thu hoạch, sản lượng tăng hơn so với năm 2022 khoảng 10% -15%.

- Cây ăn quả khác như xoài, hồng xiêm, mít, ổi ... đang trong giai đoạn phát triển quả non. Sản lượng ước cao hơn so với năm trước khoảng 10 – 15%..

Sở đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường cán bộ kỹ thuật, phối hợp với các địa phương, bám sát đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác, kịp thời, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh gây hại hiệu quả. Đến ngày 20/5/2022, trên cây lúa, diện tích bệnh đạo ôn lá gây hại nhẹ trên một số giống nhiễm như: Nếp các loại, Q5, TBR225… tỷ lệ bệnh nơi cao 2-3% số lá, cục bộ >10% số lá, diện tích nhiễm 158ha (nhiễm nặng 4,1ha), nông dân đã phòng trừ 409,5ha đạt kết quả tốt; Chuột gây hại nhẹ, cục bộ trên lúa chủ yếu ở khu vực ven gò, làng, khu công nghiệp, khu xen kẹp; tỷ lệ hại nơi cao 3-5% số dảnh, diện tích nhiễm 57ha. Nhìn chung các đối tượng sâu bệnh hại trên cây lúa và cây ăn quả đều ở mức độ nhẹ hơn so với trung bình hàng năm.

2. Chăn nuôi, thủy sản, thú y.

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, con giống tiếp tục được sản xuất tại các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, phục vụ cho công tác tái đàn năm 2023, chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, tiếp tục tăng đàn, tái đàn tại các hộ chăn nuôi đảm bảo các điều kiện chăn nuôi. Theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm ở thời điểm hiện tại: đàn lợn: 505.641 con (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước), đàn trâu: 4670 con  (giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước), bò: 30.772 con (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước), đàn gia cầm 9,4 triệu con (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước)..

- Thủy sản: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tăng cường kiểm tra các cơ sở cho sinh sản nhân tạo, các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản phương pháp phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản. Đến nay toàn tỉnh sản xuất và tiêu thụ khoảng 35 triệu con cá bột, ương san được 25 triệu con cá hương và cá giống các loại, thu hoạch khoảng 3.500 tấn cá thương phẩm (trong đó, khai thác 8 tấn, nuôi 3.492 tấn).

-  Thú y: Trong tháng 5 trên địa bàn tỉnh, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, chưa phát hiện có dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả lợn Châu phi, Tai xanh ở lợn, Dại chó mèo,...  Kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật được: 17.445 con lợn; 23.262 kg lông vũ; 352.958 kg thịt gia súc, gia cầm; 113.476 kg xúc xích, thịt hun khói; 50.128 kg phụ phẩm động vật; kiểm soát giết mổ được 1.362 con gia cầm; 12.880 con lợn; cấp 05 chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y 04 chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc thú y.

3. Công tác Thuỷ lợi và Đê điều

- Công tác thủy lợi: Sở chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH MTM KTCTTL và các địa phương bám sát diễn biến thời tiết, theo dõi mực nước các sông trục; phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bơm nước giữ nước đối với diện tích lúa còn xanh tạo điều kiện cho phòng trừ sâu bệnh; kiểm tra công trình, thiết bị, xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, thay thế máy móc, thiết bị, tu bổ bờ vùng và giải tỏa vi phạm, khơi thông dòng chảy.

- Quản lý đê điều: Đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý tình hình vi phạm pháp luật về đê điều; trong tháng các Hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra đê điều. Trong kỳ vừa qua có 01 vụ vi phạm khoan giếng trong hành lang bảo vệ đê tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang; vi phạm trên đã được UBND xã Xuân Quan xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều và chủ vi phạm đã tự tháo dỡ, trám lấp các giếng.  Đôn đốc nhà thầu thi công thực hiện thi công xây dựng, đang triển khai thực hiện Công trình cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê trên thực địa tuyến đê tả sông Hồng đoạn từ K76+894 đến K127+260 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Triển khai thi công gói thầu xây lắp thuộc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu sửa, xử lý khẩn cấp sự cố kè Đồng Thiện khu vực từ C47 đến C51 (tương ứng K1+500 đê tả sông Luộc) huyện Tiên Lữ. tổ chức lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2023, tỉnh Hưng Yên trình Tổng cục Phòng chống thiên tai thẩm định và phê duyệt.

4. Công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn.

- Về XDNTM: Thực hiện tốt công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo về quy hoạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng các báo cáo: báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 gửi UBND tỉnh; báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia, góp ý vào dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc đẩy mạnh quy hoạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021 - 2025.

- Về PTNT: Báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Tiểu dự án 1, Dự án 3 giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025; Tham gia ý kiến phương án bảo vệ môi trường làng nghề đậu phụ An Vĩ - Khoái Châu; hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, bàn giao mặt bằng thi công xây dựng công trình,  đôn đốc đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai tổ chức thi công xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp đường GTNT tại 04 xã: Đông Ninh - huyện Khoái Châu, Hùng An - huyện Kim Động, Hoàng Hanh - thành phố Hưng Yên và Thiện Phiến - huyện Tiên Lữ theo Đề án phát triển kinh tế vùng bãi.

5. Các công tác khác

Công tác kiểm lâm: Thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 (QĐ số 68/QĐ-CCKL ngày 28/4/2023, hiện đoàn đã và đang thực hiện nhiệm vụ. Kết quả đến ngày 19/5/2023 đã kiểm tra được 20 cơ sở. Nhìn chung các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước);

- Công tác Khuyến nông: Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên, Đài truyền thanh các địa phương trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, mô hình trình diễn, gương điển hình tiên tiến,.... để nông dân trong tỉnh tham quan, học tập áp dụng sản xuất. Tổ chức 50 lớp Tập huấn kỹ thuật cho trên 3.000 lượt người tham gia phục vụ công tác chuyển đổi nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại một số xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua các lớp tập huấn nông dân được trang bị kiến thức về gieo trồng, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh trên một số loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản, qua đó giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

 - Công tác Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Hoàn thành 01 đoàn kiểm tra ATTP dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tại 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lấy 04 mẫu kiểm nghiệm một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kết quả hiện đang chờ phân tích. Xử phạt vi phạm hành chính điều kiện đảm bảo ATTP tại 04 cơ sở, thu nộp ngân sách nhà nước 26.000.000 đồng; 01 đoàn giám sát điều kiện đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản đợt 3 năm 2023 tại 66 cơ sở. lấy 408 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm một số chỉ tiêu ATTP (trong đó 405 mẫu kiểm tra nhanh, 03 mẫu kiểm tra định lượng), kết quả 16 mẫu kiểm tra nhanh dương tính với hàn the, nitrat.

Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
199 người đang online