Triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường (1/3/2024-31/3/2024)

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến ngày 19/02/2024, cả nước đã xảy ra 04 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 04 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là 6.663 con; 69 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 18 tỉnh với tổng số lợn tiêu hủy là 2.519 con; 07 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục tại 02 tỉnh với tổng số 08 con trâu, bò mắc bệnh và 01 con bị chết phải tiêu hủy; 03 ổ dịch Lở mồm long móng tại 02 tỉnh với số gia súc mắc bệnh là 117 con, số chết và tiêu hủy là 53 con; các loại mầm bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm; nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm tăng mạnh để phục vụ trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, Lễ Hội Xuân, kết hợp với thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi nên nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi và thực hiện nghiêm Công văn số 1141/BNN-TY ngày 20/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường”. Thời gian: từ ngày 01/3 đến 31/3/2024 với những nội dung trọng tâm như sau:
1. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
1.1. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung
- Phát quang cây, cỏ xung quanh trang trại chăn nuôi; quét dọn thu gom phân, rác thải để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh;
- Tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần;
- Nâng cao mức độ an toàn sinh học cho toàn trang trại: hạn chế khách ra, vào tham quan trang trại; đối với trại nuôi gia cầm có biện pháp ngăn không cho chim hoang dã tiếp xúc với gia cầm nuôi (như dùng lưới quây);
- Thường xuyên kiểm tra các hố sát trùng tại cổng ra, vào trang trại, đảm bảo trong hố luôn có đủ lượng và nồng độ thuốc sát trùng cần thiết;
- Vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn, ... trước khi ra, vào cơ sở.
1.2. Đối với chăn nuôi hộ gia đình
- Quét dọn sạch sẽ khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; thu gom phân, rác thải, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn;
- Cọ rửa, vệ sinh sạch sẽ bề mặt chuồng trại trước khi phun thuốc sát trùng chuồng trại; phun sát trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần;
- Vệ sinh sạch sẽ phương tiện và dụng cụ vận chuyển sau mỗi lần vận chuyển gia súc, gia cầm.
1.3. Khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm mật độ cao
- Phát quang cây, cỏ xung quanh khu vực tập trung các trang trại chăn nuôi; quét dọn, khơi thông cống rãnh thoát nước thải, thu gom phân, rác thải để đốt hoặc chôn;
- Phun khử trùng, tiêu độc trong khu vực chăn nuôi nơi tập trung nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần;
- Thường xuyên kiểm tra các khu vực có cống rãnh nước thải tập trung của các trang trại, đảm bảo luôn được thông thoát, không bị ứ đọng nước thải.
2. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
- Nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ: Sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng;
- Phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ;
- Cọ rửa vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực giết mổ, các trang thiết bị sử dụng sau mỗi ca sản xuất;
- Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; đồng thời có biện pháp ngăn chặn côn trùng, các loài gặm nhấm và động vật gây hại khác;
- Có biện pháp xử lý chất thải lỏng và chất thải rắn sau mỗi ca sản xuất.
3. Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm
- Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh xung quanh khu vực ấp nở;
- Vệ sinh khử trùng, tiêu độc kho bảo quản trứng, máy ấp và các trang thiết bị sau mỗi ca ấp nở.
4. Điểm tập kết, chợ kinh doanh, giết mổ động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật ở dạng tươi sống
- Quét dọn và phun hóa chất khử trùng, tiêu độc khu vực tập kết, kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật sau mỗi buổi chợ;
- Phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ;
- Những quầy bán thịt có lưới che chắn côn trùng, vệ sinh sạch sẽ và phun hóa chất khử trùng, tiêu độc cuối mỗi buổi chợ;
- Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.
5. Khu vực ổ dịch cũ và nơi có nguy cơ cao phát dịch: Quét dọn, thu gom rác thải và tổ chức phun hóa chất khử trùng từ 1 đến 2 lần/tuần.
6. Cách thức tiến hành
- Trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm chủ động kinh phí mua sắm vật tư, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y;
- Các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi mật độ cao, khu vực chăn nuôi hộ gia đình, các điểm tập kết, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, nơi có nguy cơ cao và ổ dịch cũ;
- Loại hoá chất khử trùng: Hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam như: Glubenzyl, Sakan-Povidine 10%, Gludekol, Benkocid, Via-Iodine, Han-Iodine,… hay vôi bột, nước vôi, ...;
- Việc khử trùng tiêu độc chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ rửa sạch,….
7. Tổ chức thực hiện
7.1. Đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo công văn triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường của Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Giao Trạm thú y tiếp nhận hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ cho địa phương và phân bổ, cung ứng cho các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện theo đúng quy định;
- Trích kinh phí mua hóa chất khử trùng, vôi bột, bảo hộ lao động, các vật tư khác phục vụ cho công tác khử trùng tiêu độc và chi hỗ trợ tiền công cho đội phun hóa chất khử trùng tập trung để đảm bảo cho công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đạt kết quả cao;
- Chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các xã, phường, thị trấn;
- Phát động các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, hộ kinh doanh gia súc, gia cầm đầu tư mua hóa chất khử trùng, vôi bột để khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, môi trường xung quanh và hỗ trợ thêm kinh phí cho những đội phun hóa chất khử trùng tập trung của địa phương.
7.2. Đề nghị Đài PTTH tỉnh, Báo Hưng Yên, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, tích cực hưởng ứng tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
7.3. Chi cục Thú y tỉnh:
- Giao Chi cục Thú y cung ứng, phân bổ 15.160 lít hóa chất khử trùng tiêu độc cho các huyện, thị xã, thành phố qua Trạm Thú y để hỗ trợ thêm các địa phương thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đạt hiệu quả cao;
- Chỉ đạo Trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; đồng thời, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng hóa chất khử trùng đảm bảo đúng yêu cầu, mục đích và hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung trên và gửi báo cáo kết quả tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thú y) trước ngày 15/4/2024 để tổng hợp báo cáo.
Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
205 người đang online