25/07/2024 | lượt xem: 5 Về việc chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão Công văn số 1280/SNN-TRTRngày 24/07/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên V/v chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão. Văn bản: CV chủ động phòng chống mưa bão 2024 (1).pdf Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ đêm ngày 22/7/2024 đến ngày 24/7/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và kéo dài đã gây ngập, úng một số diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả. Theo báo cáo nhanh từ các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh có khoảng 2.700 ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng cục bộ, trong đó diện tích lúa khoảng 1.650 ha (300 ha ngập trắng), diện tích cây rau màu, hoa cây cảnh là 300 ha, diện tích cây ăn quả là 750 ha. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra đối với sản xuất trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn và nông dân thực hiện tốt một số nội dung sau: 1. Đối với cây lúa - Phải thực hiện tiêu thoát thật nhanh bằng mọi biện pháp theo phương châm “Vùng trũng tiêu nước trước, vùng cao tiêu nước sau, lúa mới cấy tiêu nước trước, lúa cấy sớm tiêu nước sau” không để ngập, úng kéo dài gây mất lúa. - Ngay sau khi nước rút phải tiến hành thu dọn tàn dư thực vật, lá lúa bị úa, hỏng, sục bùn phá váng mặt ruộng để lúa nhanh hồi phục. Đối với diện tích lúa bị ngập trắng, có nguy cơ bị mất lúa, sử dụng mạ dự phòng đã gieo để kịp thời cấy dặm, bổ sung cho những diện tích lúa đã mất hoặc sử dụng các giống ngắn ngày để gieo, cấy bổ sung (gieo, cấy trong tháng 7). - Khi nước rút, cây ra lá mới thì tiến hành bón phân bổ sung để cây lúa nhanh hồi phục, sinh trưởng, phát triển tốt. 2. Đối với cây rau, màu - Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch những cây bị thối, hỏng, trồng dặm bổ sung, vun cao luống, xới xáo mặt luống tạo sự thông thoáng cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Khi thời tiết thuận lợi, cây đã hồi phục tiến hành các biện pháp chăm sóc như bình thường. - Thu hoạch nhanh những diện tích cây rau, màu đã đến kỳ thu hoạch, tận thu những diện tích rau màu bị ảnh hưởng nhằm hạn chế tối đa tổn thất do mưa bão gây ra. - Tiếp tục gieo, trồng khi thời tiết thuận lợi đảm bảo kế hoạch tỉnh giao và đảm bảo nguồn cung cho thị trường. 3. Đối với cây ăn quả - Chủ động thu hoạch những diện tích nhãn đã chín hoặc sắp chín nếu cây bị ngập,úng để cây nhanh hồi phục. - Những diện tích nhãn bị ngập úng nặng, cắt tỉa bớt chùm quả đặc biệt là các chùm quả bị nứt nhiều để giảm áp lực dinh dưỡng cho cây tập trung nuôi quả. - Phải gạn tháo ngay không để nước đọng vũng quanh gốc cây ăn quả có múi, chuối và các loại cây ăn quả khác làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây và chất lượng quả. - Trên diện tích bị úng, không được chăm bón bất kỳ loại phân bón nào cho cây, phải chờ cây hồi phục hẳn mới tiến hành các biện pháp chăm bón. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo để bảo vệ sản xuất. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên
Về việc phát triển mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông, chuẩn bị sản xuất vụ Xuân và chủ động điều khiển ra hoa trên nhãn, vải
Về việc cơ chế hỗ trợ bán giảm giá giống ngô, giống khoai tây cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra