Về việc chủ động các biện pháp ứng phó, bảo vệ, chăm sóc cây trồng trước và sau cơn bão số 3

Công văn số 1556/SNN-TrTr ngày 05/09/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên V/v chủ động các biện pháp ứng phó, bảo vệ, chăm sóc cây trồng trước và sau cơn bão số 3

1556.pdf

Thực hiện Công điện số 2585/CĐ-UBND ngày 5/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc ứng phó với bão số 3 (YAGI).

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn và nông dân làm tốt một số nội dung sau:

1. Trước mưa bão:

- Đối với cây lúa

+ Khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; khoanh vùng và ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa có nguy cơ bị ngập úng nặng, mới gieo, cấy cuối tháng 7, đầu tháng 8 nhất là các khu vực dễ xảy ra úng ngập, khó tiêu thoát.

+ Đối với diện tích lúa đã đỏ đuôi và có kế hoạch trồng cây vụ đông, tiến hành gạn tháo hết nước trên ruộng. Diện tích lúa còn lại giữ đủ nước để lúa trỗ bông vào chắc thuận lợi, đảm bảo hiệu quả phòng trừ sâu bệnh.

- Đối với cây rau màu

+ Vun cao luống, khơi thông rãnh để thuận lợi cho tiêu thoát nước khi có mưa lớn.

+ Che chắn cho các loại rau ăn lá, chằng buộc lại giàn (đối với loại cây leo giàn) để hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa lớn, gió mạnh gây dập nát, đổ gãy.

+ Có biện pháp bảo vệ các cây vụ đông làm bầu tại đầu ruộng (bí, ngô,...) không để cây bị dập nát, ngập úng.

- Đối với cây ăn quả

+ Khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện tích cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch như ổi, mít, bưởi,... để hạn chế thiệt hại của mưa, bão gây ra.

+ Đối với cây chuối: Thực hiện chằng chống cho toàn bộ diện tích chuối, nhất là các vườn chuối đang ra hoa, phát triển quả; cắt bớt lá già, lá bị sâu bệnh để giảm sức cản khi có gió mạnh, hạn chế đổ gãy.

+ Đối với cây có múi, đu đủ và các cây trồng khác đang ở giai đoạn phát triển quả: Phải chống cành, chống cây để hạn chế đổ gãy cây, rụng quả khi có gió mạnh. Những cây cao, chống hướng gió có thể đốn, tỉa bớt những cành tán rậm rạp để giảm sức cản, hạn chế gãy, đổ.

2. Sau mưa, bão:

- Khoanh vùng ưu tiên bơm tiêu nhanh đối với những diện tích lúa, rau màu và cây ăn quả nếu bị úng ngập, không được để úng ngập kéo dài.

- Đối với cây lúa: Hướng dẫn nông dân dựng, buộc lại những diện tích lúa bị đổ (buộc từ 3-4 khóm với nhau để hạn chế lúa nảy mầm trên bông, đồng thời thuận lợi cho phòng trừ sâu, bệnh) và giữ mực nước 5-7cm để lúa trỗ bông, làm hạt được tốt và đảm bảo công tác BVTV. Chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại như Bạc lá - Đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và rầy nâu,... (đặc biệt phải lưu ý tại những ruộng lúa bị đổ).

- Đối với cây rau màu: Dọn sạch tàn dư thực vật, thân lá bị dập, nát do mưa bão; tiến hành trồng dặm đảm bảo mật độ và tận thu những diện tích rau màu bị ảnh hưởng. Khi hết mưa phải xới xáo phá váng ngay, khi cây trồng hồi phục mới tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng cây. Chuẩn bị hạt giống rau màu sẵn sàng để gieo trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

- Đối với cây ăn quả: Dọn sạch tàn dư cành lá, cây trồng bị đổ gãy. Tiến hành nèn đất, vun gốc cho những cây bị long gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm để hạn chế cây bị nấm bệnh xâm nhập. Trên diện tích bị úng, không được chăm bón bất kỳ loại phân bón nào cho cây, phải chờ cây hồi phục hẳn mới tiến hành các biện pháp chăm bón.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
284 người đang online