Về việc đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ Đông, chuẩn bị sản xuất vụ Xuân và chủ động điều khiển ra hoa trên nhãn, vải

Theo tổng hợp báo cáo tiến độ sản xuất từ các huyện, thị xã, thành phố đến ngày 30/10/2023, toàn tỉnh gieo trồng được 4.913 ha cây trồng vụ đông, đạt 70,6% kế hoạch. Cây nhãn, vải ra lộc thu thuận lợi, cành lộc phát triển tốt.

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng cây vụ đông 2023 – 2024, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị phục vụ cho sản xuất vụ Xuân năm 2024; chủ động điều khiển ra hoa trên nhãn, vải nhằm rải vụ thu hoạch và đảm bảo tỷ lệ cây ra hoa. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn và nông dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Đối với cây trồng vụ đông

 - Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông; mở rộng tối đa diện tích trồng cây vụ đông ưa lạnh như: khoai tây, su hào, bắp cải, cải các loại,... để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã giao.

- Chăm sóc và bảo vệ cây vụ đông đã trồng theo đúng quy trình kỹ thuật của từng loại cây: đảm bảo đủ nước, tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),... để đảm bảo năng suất, chất lượng. Không được bón phân hóa học và phun thuốc BVTV trên những diện tích cây vụ đông sắp cho thu hoạch để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tập trung thu hoạch những diện cây vụ đông đã tới kỳ thu hoạch. Tiếp tục trồng gối lứa bằng các loại rau ưa lạnh ngắn ngày (cải ngọt, cải canh, cải bó xôi,...) để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm trước và sau Tết Nguyên Đán.

2. Công tác cày ải, cày lật đất phục vụ sản xuất vụ Xuân 2024

- Huy động tối đa nguồn lực, phương tiện máy móc để cày ải, cày lật đất trên những diện tích không có kế hoạch trồng cây vụ đông, theo phương thức: Những ruộng cao, mặt ruộng không còn đọng nước, tiến hành cày ải ngay trong tháng 11; những ruộng còn đọng nước phải tiến hành xẻ rãnh, gạn tháo, tiêu thoát nước trên mặt ruộng, khi mặt ruộng khô thì tiến hành cày ải và hoàn thành xong trong tháng 12; đối với những chân ruộng trũng, không thể gạn tháo thì giữ nước để làm dầm.

- Trên những diện tích đang trồng và có kế hoạch trồng cây vụ đông: Tiến hành khoanh vùng, giữ nước trên mương máng, đầm ao, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đông, nhưng không gây ảnh hưởng đến việc gạn tháo nước để cày ải và làm công tác thủy lợi nội đồng. Sau khi thu hoạch cây vụ đông xong, phải tiến hành cày lật đất ngay để hạn chế cỏ dại phát triển và diệt nguồn sâu, bệnh hại lưu trú qua đông.

3. Xử lý ra hoa, đậu quả trên nhãn, vải

Theo nhận định khí tượng ở trên, để đảm bảo nhãn, vải ra hoa đạt tỷ lệ cao, chủ động áp dụng các biện pháp ức chế, xử lý để vải ra hoa đồng loạt và rải vụ thu hoạch nhãn (nên xử lý theo tỷ lệ khoảng: 30% nhãn chín sớm - 50% nhãn chín chính vụ - 20% nhãn chín muộn). Có thể lựa chọn linh hoạt các biện pháp sau:

- Biện pháp khoanh cành: sử dụng các dụng cụ chuyên dụng (dao, cưa) khoanh từ 80 – 90% số cành cấp 2, cấp 3, khoanh theo hình tròn hoặc hình xoắn ốc tới  phần gỗ, hết đường kính của cành, vết khoanh rộng từ 0,2 – 0,3 cm;

- Biện pháp sử dụng chất ức chế (chỉ áp dụng biện pháp này khi thực sự cần thiết): tạo rãnh nông xung quanh tán, sử dụng chất ức chế sinh trưởng KClO3 (Kali clorat) hòa nước để tưới, sau đó tiếp tục tưới nước giữ ẩm cho cây từ 7 – 10 ngày (cách 1-2 ngày tưới 1 lần), lượng KClO3  sử dụng từ 300 – 500 gram/cây (tùy thuộc vào tuổi cây và khả năng mang quả của cây để quyết định lượng hóa chất cho phù hợp);

- Biện pháp kết hợp khoanh cành với sử dụng hóa chất (trường hợp thời tiết ấm, không có rét đậm, rét hại): áp dụng trên những diện tích đã ra lộc đông hoặc cây sinh trưởng khỏe, ẩm độ trên vườn cao khó ra hoa và nhận định khả năng ra hoa để sử dụng tưới KClO3 trước, sau đó căn cứ tình trạng sinh trưởng của cây, áp dụng biện pháp khoanh vỏ sau.

Đối với những diện tích đã ra lộc thu bình thường, tháng 1 và 02/2024 có từ 2 đợt rét đậm, rét hại trở lên, cây sinh trưởng khỏe, nếu muốn ra hoa chính vụ thì không nhất thiết phải xử lý các biện pháp ức chế nêu trên để cây ra hoa tự nhiên, vừa giảm chi phí vừa không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.

* Lưu ý:

Đối với những giống có đặc tính cho thu hoạch muộn như nhãn PHM99.2.1 (nhãn muộn khoái châu), nhãn siêu ngọt,... thì căn cứ điều kiện sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết và định hướng thời gian thu hoạch của năm sau,... chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật và thời gian xử lý phù hợp.

Trong thời gian từ khi xử lý ra hoa đến trước khi cây ra hoa, không được bón các loại phân bón hóa học, phân đa lượng (đạm, lân, Kali hoặc NPK tổng hợp) để tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm hoa và ra hoa được thuận lợi; không phun thuốc bảo vệ thực vật (do áp lực sâu bệnh ở vụ đông trên cây nhãn, vải thấp) giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo; yêu cầu các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện.

CV chi dao cay lat dat phục vụ vụ Xuân 2024.pdf

Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
170 người đang online