24/11/2011 | lượt xem: 2 Xây dựng nông thôn mới - Tìm ra hướng đi phù hợp Thời gian đầu khi bắt tay vào việc xây dựng nông thôn mới (NTM), mọi người từ xã, huyện đến các sở ngành không khỏi lúng túng cách thức triển khai. 19 tiêu chí là kim chỉ nam để hướng đến, nhưng khi triển khai vẫn bỡ ngỡ, mất không ít thời gian để tìm ra hướng đi phù hợp. Giờ đây, có thể nói bộ máy đã vào guồng. Tự tin đi tới Sau 3 năm xây dựng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi TPHCM là 1/11 xã điểm xây dựng NTM cả nước đã có những thay đổi cơ bản bộ mặt vùng nông thôn ven đô. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông phải nói nhiều nơi ở nội thành cũng chưa chắc bằng xã này. Ngôi trường tiểu học khang trang đạt chuẩn quốc gia vừa được xây dựng xong là niềm ước mơ của nhiều địa phương cử đoàn đến tham quan. Thu hút nhiều nhà đầu tư đến đây lập nghiệp, điển hình như trang trại hoa nhiệt đới (ấp Tiền) của anh Nguyễn Mạnh Khải. Với chi phí đầu tư 12,6 tỷ đồng, bước vào cơ ngơi trồng hoa rộng 2ha này, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát vừa ngạc nhiên vừa tự hào, bởi Việt Nam đã có trang trại hoa kiểu mẫu hiện đại như nước ngoài. Có 159 doanh nghiệp (trước đó chỉ có 54 DN) may gia công, giày, thương mại đến đầu tư hoặc liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã. Sản xuất được tổ chức lại, từ 1 HTX chăn nuôi bò sữa với 50 xã viên tăng lên 134 xã viên, lượng sữa mua từ 3 tấn lên 40 tấn sữa/ngày. Có thêm HTX quản lý và kinh doanh chợ với 170 xã viên và 2 tổ hợp tác (THT) về hoa lan, nuôi trăn và rau an toàn. Sắp tới, TPHCM sẽ tổ chức tổng kết việc xây dựng NTM ở xã này với nhiều bài học kinh nghiệm từ xã đầu tiên xây dựng NTM để triển khai sang nhiều xã khác của TP. Khi TP triển khai xây dựng NTM thêm 5 xã vào năm 2010, nếu như mọi người không lo lắng trên nền có sẵn của Thái Mỹ (Củ Chi) và Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) thì lại e ngại 3 xã có khởi điểm rất thấp là Tân Nhựt (Bình Chánh), Lý Nhơn (Cần Giờ) và Nhơn Đức (Nhà Bè). Giữa tháng 10-2011, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM về làm việc với UBND xã Tân Nhựt, đường đi vào UBND xã rất xấu, còn đầy ổ gà đã làm nhiều người ái ngại. Nhưng khi đi vào sâu bên trong, bộ mặt nông thôn xã thay đổi nhiều với một loạt công trình nâng cấp, xây dựng mới. Đường sá thông thoáng hơn. Nhiều mô hình làm ăn ra đời. HTX Nông nghiệp Ngày Mới vừa được thành lập, nhằm tổ chức lại sản xuất cho người dân trong xã với nhiều mô hình trồng hoa, nuôi cá cảnh, ếch… Xã liên kết với Trường Trung cấp Nông nghiệp TP đào tạo học viên địa chính cho thanh niên nhiều xã ngay tại chỗ. Nhiều lớp sơ cấp về nghề nông thôn được tổ chức. Có thể nói, đó là nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo huyện, nhất là cấp xã. Chính yếu tố con người mới có thể làm chuyển động, thay đổi một xã vùng xa, khó khăn nhất nhì của huyện có được như hôm nay chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, tại xã Lý Nhơn, người nào chưa một lần đến xã này sẽ khó hình dung được ở TPHCM lại có con đường đau khổ như vậy đang được mở rộng. Những tiêu chí cơ bản làm nền tảng cho việc chuyển đổi là quy hoạch, giao thông… vẫn chưa xong. Tuy nhiên, điều làm bất ngờ mọi người khi Chủ tịch UBND xã Lê Phước Hồng cho biết, thu nhập bình quân người dân ở đây là 28,6 triệu đồng/năm (ngang với xã Tân Thông Hội). Đây là tiêu chí cơ bản và khó đạt nhất khi xây dựng NTM. Chuyển đổi cơ cấu lao động Xã NTM Nhơn Đức (Nhà Bè) có tỷ lệ lao động chuyển đổi rõ nét, giúp nâng cao thu nhập của người dân. Khai thác lợi thế ở gần Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước (Nhà Bè) và KCN Long Hậu (Long An), bên cạnh đào tạo nghề nông cho những người lớn tuổi, địa phương còn phối hợp với các nơi đào tạo nghề cho thanh niên. Hiện nay lao động nông nghiệp còn 414/6.933 lao động (chiếm 5,97%). Đây là kết quả việc vận động nâng cao nhận thức, nhờ vậy, lao động tại địa phương đã được các doanh nghiệp ở 2 KCN này tuyển dụng khá nhiều. Điều này khác với những năm trước, lao động tại chỗ khó được tuyển vào làm trong các KCN do trình độ và tay nghề yếu, nên doanh nghiệp phải tuyển lao động từ những tỉnh khác vào làm. Đó là sự chuyển động không nhỏ của người dân và chính quyền xã ven đô. Nếu không có sự chuyển dịch lao động này, Nhơn Đức khó có thể nâng cao thu nhập của người dân lên 21,5 triệu đồng/người/năm (kế hoạch là 22,5 triệu đồng/người/năm) khi đây là vùng độc canh cây lúa, 1 vụ/năm, năng suất thấp. Số lao động trung niên vẫn làm nghề nông nhưng chuyển qua nuôi cá sau khi các đoàn thể chủ động phối hợp tổ chức cho bà con tham quan mô hình nuôi tôm, dạy nghề… Đó còn là sự phối hợp của hợp tác xã tín dụng nhân dân với các THT nuôi tôm (67 hộ), nuôi cá (22 hộ), hoa lan (5 hộ), may gia công (115 hộ), se nhang (23 hộ), nuôi heo (31 hộ) vay vốn. Xã Tân Thông Hội đã chuyển 3.671 lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nâng tổng số lao động phi nông nghiệp lên 20.747 lao động trong tổng số 25.042 lao động. Như vậy tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm từ 33,6% xuống còn 17,1%. Dự kiến đến cuối năm nay còn 15%. Cơ hội đổi đời Theo ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt (Bình Chánh), đây thực sự là cơ hội, điều kiện cụ thể hóa vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn để thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nội và ngoại thành. Vì vậy, cần biết tận dụng cơ hội nhằm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng, sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn cho rằng, trước khi xây dựng NTM, tổng đầu tư hàng năm của Tân Nhựt khoảng 7 tỷ đồng/năm, nhưng năm đầu tiên (2010) xây dựng là 62 tỷ đồng. Năm 2011 khoảng 118 tỷ đồng. Dự kiến năm 2012, tăng lên 190 tỷ đồng. Xây dựng theo 19 tiêu chí là một quá trình đồng tâm hiệp lực từ nhiều phía. Tổng mức đầu tư theo đề án cho xã là 461,6 tỷ đồng, trong đó, vốn dân hiến đất trên 66,8 tỷ đồng. Khi nhận ra mục đích của NTM, sự đồng lòng và quyết tâm của người dân thể hiện rõ qua những hành động cụ thể như tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, xây trường học… Trước khi xây dựng NTM, ít nơi nào của xã có đường giao thông nông thôn đến tận nhà dân, nhưng sau gần 2 năm, tỷ lệ này tăng lên khá nhiều. Giao thông thông suốt tạo thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển nông sản. Thủy lợi được đầu tư tạo điều kiện bà con chuyển đổi sản xuất; đào tạo, dạy nghề giúp bà con làm kinh tế bài bản, mục tiêu rõ ràng; hỗ trợ vốn vay trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm qua đó nâng cao thu nhập người dân.
Huyện Văn Giang đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và gặp mặt kỷ niệm 25 năm tái lập
Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đợt cuối năm 2023
Quyết định số 283/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt cuối năm 2023
Hướng dẫn thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Quyết định ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025