14/05/2024 | lượt xem: 3 Chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại lúa Xuân từ nay đến cuối vụ Hiện nay lúa Xuân đang ở thời kỳ trỗ bông – đông sữa, một số diện tích bước sang giai đoạn chín đỏ đuôi; những ngày qua thời tiết xuất hiện mưa rào và giông, nền nhiệt độ dưới 30oC đã làm cục bộ một số diện tích lúa bị đổ, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu, bệnh hại lúa phát sinh phát triển, có xu hướng gia tăng gây hại từ nay đến cuối vụ, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, Rầy nâu - rầy lưng trắng. Văn bản:CV sâu bệnh cuối vụ Xuân 2024.pdf Dự báo - Bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh và gây hại gia tăng trên các giống lúa nhiễm như nhóm lúa Nếp, Q5,..., nhất là điều kiện thời gian tới ít có nắng, độ ẩm không khí, đặc biệt ở những ruộng đã bị nhiễm nặng đạo ôn lá ở giai đoạn trước; - Bệnh bạc lá vi khuẩn tiếp tục phát sinh và gây hại chủ yếu trên một số giống nhiễm, ruộng bón nặng đạm và ở những khu vực thường xuyên xuất hiện bệnh ở vụ trước, đặc biệt sau những trận mưa giông; - Rầy nâu - rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ lứa 3 sẽ nở rộ từ khoảng 20 tháng 5 đến đầu tháng 6/2024 và gây hại trên các trà lúa, có khả năng gây cháy rầy cuối vụ nếu không phòng trừ tốt những ruộng có mật độ rầy cao, đặc biệt là diện lúa bị đổ. Ngoài ra bệnh khô vằn, sâu đục thân 2 chấm sẽ tiếp tục gây hại rải rác trên diện lúa trỗ muộn. Nhằm bảo vệ lúa Xuân năm 2024 đạt năng suất, chất lượng cao, hạn chế tối đa tác hại của sâu, bệnh hại lúa. Chi cục Bảo vệ thực vật Hưng Yên đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp chặt chẽ với Trạm BVTV, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn làm tốt một số nội dung sau: - Tiếp tục thực hiện tốt công văn số 614/SNN-BVTV ngày 17/4/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa Xuân từ nay đến cuối vụ. - Phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra đồng ruộng (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ), theo dõi chặt chẽ thời tiết và diễn biến của đối tượng sâu bệnh hại lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, rầy nâu - rầy lưng trắng để dự báo, thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời ruộng có mật độ rầy cao, khu vực bệnh có xu hướng phát triển bằng các thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc “4 đúng” và không phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. - Đôn đốc nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và chủ động phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại lúa từ nay đến cuối vụ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. + Bệnh đạo ôn cổ bông: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để hướng dẫn nông dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đặc biệt trên các giống lúa nhiễm như Nếp các loại, Q5,…, nhất là khi thời tiết có mưa nhiều ngày liền, độ ẩm cao và nhiệt độ dưới 30oC. Phun phòng bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Bankan 600WP, Dojione 40EC, Filia 525SE, Bump Gold 40SE, Angate 75WP…. + Bệnh bạc lá – đốm sọc vi khuẩn: Sau nhưng trận mưa dông, bệnh bắt đầu xuất hiện trên các giống nhiễm hoặc tại những vùng có nguy cơ cao cần chủ động phòng trừ sớm bằng các thuốc đặc hiệu như: Totan 200WP, Ychatot 900SP, Xanthomix 20WP, Visen 20SC,… + Rầy nâu, rầy lưng trắng: Ở giai đoạn trỗ - đông sữa (đối với diện trỗ muộn) còn mật độ rầy cám từ 750 – 1.500 con/m2 cần phải phòng trừ ngay bằng các thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WG, Afta 300 WP,…. Rầy xuất hiện mật độ cao ở giai đoạn lúa đỏ đuôi hoặc rầy đa số tuổi lớn (tuổi 3 trở lên) phải phòng trừ bằng các thuốc tiếp xúc như: Bassa 50EC, Nibas 50EC,... trước khi phun thuốc nhất thiết phải rẽ lúa thành từng băng và phun trực tiếp vào nơi rầy cư trú để tăng hiệu quả phòng trừ. Lưu ý: Để phòng trừ rầy đạt hiệu quả cao, yêu cầu trên ruộng phải có nước từ 2-3 cm trở lên; Những ruộng lúa bị đổ cần dựng buộc lại trước khi phun thuốc. Ngoài ra, Bệnh khô vằn phát triển trên diện lúa trỗ muộn cần phòng trừ bằng các thuốc như Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC; phòng trừ sâu đục thân 2 chấm trên diện lúa trỗ muộn đối với những ruộng xuất hiện mật độ trứng cao (trên 0,3 ổ/m2) bằng thuốc Vitarko 40WG hoặc Prevathon 5SC. - Đề nghị các cơ quan Thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện (thị xã, thành phố), các xã (phường, thị trấn) thường xuyên đưa tin về tình hình sâu, bệnh để nông dân nắm được, thường xuyên kiểm tra ruộng của gia đình, có kế hoạch phòng trừ đúng kỹ thuật và đạt hiệu quả tốt. Công tác phòng trừ sâu bệnh từ nay đến cuối vụ có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng lúa vụ Xuân. Đề nghị các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để công tác phòng trừ sâu bệnh đạt kết quả tốt. Chi cục Bảo vệ thực vật