14/03/2024 | lượt xem: 2 Dự kiến tình hình sinh vật gây hại cây trồng vụ Xuân 2024 Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, thời tiết tháng 01, 02 có nhiều đợt rét nhẹ kéo dài, nền nhiệt độ xấp xỉ cao hơn so với TBNN, lượng mưa xấp xỉ thấp hơn TBNN; Tháng 3, 4 trời nhiều mây, mưa rải rác, sáng sớm sương mù nhẹ, trưa chiều giảm mây trời nắng, nền nhiệt độ xấp xỉ thấp hơn so với TBNN, lượng mưa xấp xỉ TBNN; Tháng 5 - 6 - 7/2024 nắng nóng, nền nhiệt độ cao hơn TBNN, tổng lượng mưa thấp hơn so với TBNN. Nhìn chung thời tiết dự báo có diễn biến phức tạp, song đến nay thời tiết vẫn thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển và việc gieo cấy lúa Xuân đúng khung thời vụ theo lịch thời vụ. Văn bản:Du kien Sau benh hai vu Xuan 2024.pdf 1. Trên cây lúa - Thành phần sinh vật hại chính: + Sâu hại: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - RLT, rầy nâu nhỏ, sâu đục thân bướm hai chấm, ... + Bệnh hại: Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh nghẹt rễ, ... + Một số đối tượng khác như: Chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ gây hại cục bộ vào đầu vụ. - Thời gian phát sinh và mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại trên khả diễn biến phức tạp và Dự báo như sau: 1.1. Sâu cuốn lá nhỏ: - Bướm lứa 1 vũ hóa rộ khoảng trung tuần tháng 3 đến cuối tháng 3, sâu non hại nhẹ, cục bộ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, chủ yếu diện tích lúa gieo cấy sớm, những ruộng xanh tốt. - Bướm lứa 2 vũ hóa rộ khoảng rộ từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4; sâu non có khả năng gây hại diện rộng ở giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng từ cuối tháng 4 đầu tháng 5. Mật độ phổ biến khoảng 7 - 10 con/m2, nơi cao 30-50 con/m2, cá biệt trên 100con/m2; khả năng mức độ và phạm vi gây hại cao hơn cùng lứa của năm 2023. - Bướm lứa 3: Sâu non hại diện hẹp từ giữa đến cuối tháng 5, chủ yếu trên diện lúa muộn, lúa trỗ sau 10/5/2024 (do gieo cấy muộn và chăm sóc không kịp thời). 1.2. Rầy nâu - Rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ: - Lứa 1: Rầy cám rộ xuất hiện trên lúa từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, mật độ 20 - 30 con/m2, cao > 80 con/m2. - Lứa 2: Rầy cám nở rộ từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, gây hại chủ yếu trên lúa giai đoạn ôm đòng - ngậm sữa trên các giống Nếp các loại, Đài thơm 8, ... diện phân bố rộng, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 1000 - 3000 con/m2, cá biệt có ổ trên 5.000 con/m2. - Lứa 3: Rầy cám rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại trên ở giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mật độ phổ biến 500 -700 con/m2, nơi cao 1000 - 5000 con/m2, cá biệt có ổ trên 1 vạn con/m2, khả năng cháy rầy cục bộ từ cuối tháng 5 - đầu tháng 6. Mức độ phát sinh của Rầy có khả năng sẽ tương đương hoặc cao hơn vụ Xuân 2023. 1.3. Sâu đục thân bướm 2 chấm: - Bướm lứa 1 rộ khoảng giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây hại rải rác, phạm vi hẹp từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 4. - Bướm lứa 2 rộ khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nếu không phòng trừ tốt sâu non sẽ gây bông bạc trên lúa trà trỗ muộn sau 10/5/2024 với tỷ lệ hại phổ biến 1-3%, nơi cao 5- 10%. 1.4. Nhện gié: Phát sinh giai đoạn cuối đẻ nhánh gây hại nặng giai đoạn đòng già, trỗ đến chín. Chú ý: Nhện gié thường phát sinh và gây hại trên những chân ruộng cao, khô nước, ruộng vụ trước bị hại nặng, … 1.5. Bệnh nghẹt rễ: Phát sinh và gây hại cục bộ sau cấy, chủ yếu trên diện tích lúa cấy gặp rét đậm, diện tích lúa cạn nước, cấy sâu tay, ruộng bị ngộ độc hữu cơ. Mức độ gây hại tương đương vụ Xuân 2023. 1.6. Bệnh đạo ôn: - Bệnh trên lá: Phát triển mạnh giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh từ trung tuần tháng 3 trên diện lúa sớm, cao điểm hại từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 phân bố rộng trên một số giống nhiễm như Nếp các loại, TBR225…; khả năng mức độ và diện tích nhiễm cao hơn vụ Xuân năm 2023. Nếu không phòng trừ tốt bệnh đạo ôn sẽ gây lụi nhiều diện tích lúa (trên các giống nhiễm) ở các địa phương. - Bệnh trên cổ bông: Phát sinh từ cuối tháng 4, phát triển mạnh từ đầu - giữa tháng 5, chủ yếu trên các giống nhiễm nặng như nhóm lúa Nếp, TBR225, Q5 và một số giống ngoài cơ cấu, đặc biệt ở những ruộng bị bệnh nặng trên lá và diện lúa trỗ trong tháng 4/2024. 1.7. Bệnh khô vằn: - Phân bố rộng trên các trà lúa, phát triển mạnh từ giai đoạn lúa đứng cái đến cuối vụ, những ruộng cấy dày, bón phân không cân đối bệnh hại nặng. 1.8. Bệnh bạc lá, đốm sọc: Bệnh bạc lá – đốm sọc vi khuẩn: Bệnh đốm sọc phát sinh chủ yếu từ giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến khi trỗ thoát; Bệnh bạc lá phát sinh chủ yếu từ giai đoạn lúa làm đòng đếncuối vụ, gây hại chủ yếu trên các giống nhiễm, ruộng lúa xanh đậm, bón nhiều đạm, những ruộng bón đạm muộn bệnh hại càng nặng, đặc biệt sau những trận mưa to, giông, lốc, bão, ... 1.9. Bệnh lùn sọc đen phương Nam: Bệnh xâm nhiễm, lây lan ở các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; thường biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến cuối vụ; nguồn bệnh sẽ lan truyền từ lúa chét, cây ngô bị bệnh sang lúa vụ Xuân thông qua rầy lưng trắng và có khả năng lan truyền từ vụ Xuân sang vụ Mùa. Ngoài ra, ốc bươu vàng gây hại giai đoạn đầu vụ; chuột gây hại tập trung chủ yếu giai đoạn lúa đẻ nhánh đến khi đứng cái, làm đòng. 2. Trên cây rau màu: 2.1. Trên cây ngô vụ Xuân - Sâu hại: Sâu xám hại thời kỳ cây con; Sâu keo mùa thu gây hại từ giai đoạn cây con đến trước trỗ cờ, cao điểm ở giai đoạn ngô 4-10 lá (mức độ phát sinh nhẹ - trung bình); Sâu đục thân, rệp cờ gây hại nhẹ giai đoạn ngô trỗ cờ, phun râu. - Bệnh hại: Bệnh khô vằn, đốm lá xuất hiện và gây hại từ giai đoạn ngô trổ cờ, phun râu. Mức độ và phạm vi gây hại tương đương CKNT. 2.2. Trên cây đậu tương, lạc Xuân: - Sâu hại: Giòi đục lá, đục ngọn, sâu khoang, sâu cuốn lá, rệp, sâu đục quả gây hại cục bộ ở giai đoạn phát triển thân lá - ra hoa đậu quả (mức độ phát sinh nhẹ - trung bình). - Bệnh hại: Bệnh lở cổ rễ hại chủ yếu ở giai đoạn cây con; bệnh sương mai, gỉ sắt phát sinh và gây hại chủ yếu ở thời kỳ cây sinh trưởng sinh thực. 2.3. Trên cây rau họ thập tự: - Sâu hại: Sâu khoang phát sinh và gây hại nhẹ ở giai đoạn mới trồng; Sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, bọ nhảy, rệp gia tăng dần đến cuối vụ. - Bệnh hại: Bệnh đốm vòng, sương mai, thối nhũn, thối hạch sẽ gây hại ở các giai đoạn sinh trưởng của cây nhưng sẽ gia tăng gây hại từ đầu tháng 3 đến cuối vụ. 3. Trên cây ăn quả: 3.1. Trên cây nhãn, vải, xoài: - Bệnh sương mai, thán thư sẽ phát sinh từ giữa tháng 2 và sẽ gây hại gia tăng từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3 khi cây ở giai đoạn phát triển giò hoa - ra hoa, đậu quả non và giai đoạn quả bước vào giai đoạn chín sinh lý (tháng 5 với cây vải và tháng 8, 9 với cây nhãn), nhất là ở các giai đoạn trên lại gặp điều kiện thời tiết có ẩm độ cao. Bệnh sẽ gây hại nặng hơn ở những vườn trồng dày, những vườn phòng trừ kém. Dự kiến bệnh gây hại tương đương hoặc cao hơn TBNN. - Sâu đục cuống quả gây hại trên cây vải, nhãn tại 2 cao điểm quan trọng cần theo dõi chặt chẽ để phòng trừ đúng thời điểm trưởng thành vũ hóa rộ: + Cao điểm 1: Khoảng trung tuần tháng 3 – Giai đoạn đậu quả non. + Cao điểm 2: Khoảng trung tuần tháng 5 – Giai đoạn quả bắt đầu chín sinh lý. - Bọ xít, rệp muội, rệp sáp ống, sâu đo... gây hại chủ yếu thời kỳ ra hoa, đậu quả - phát triển quả. - Rầy chổng cánh vân nâu hại nhãn (không gây hại trên vải) ở thời điểm cây ra lộc; Nhện lông nhung hại nhãn, vải ở các thời kỳ sinh trưởng. 3.2. Trên cây có múi: - Sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, rệp muội, rệp vàng sẽ phát sinh và gây hại chủ yếu vào thời điểm cây ra lộc non, sẽ gây hại nặng ở những vườn phòng trừ không tốt từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3. - Bọ trĩ gây hại chủ yếu thời điểm cây ra hoa – đậu quả non từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3. - Nhện đỏ, nhện trắng: Phát sinh và gây hại chủ yếu vào các thời điểm tháng 3-5 và từ tháng 8 đến tháng 12. - Bệnh loét vi khuẩn phát sinh và gây hại từ tháng 6 đến tháng 8, chủ yếu sau những đợt mưa nhiều. Ngoài ra, bệnh chảy gôm, bệnh greening, vàng lá thối rễ gây hại cục bộ ở các thời kỳ sinh trưởng của cây, chủ yếu ở những vườn đát chua, vườn ít được chăm sóc thường xuyên hoặc lạm dụng nhiều phân vô cơ. 3.3. Trên cây chuối: - Bệnh héo cây chuối: xuất hiện và gây hại ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng của cây, song ở những vườn trồng lâu năm một giống chuối, vườn chăm sóc kém, sẽ bị gây hại với tỷ lệ cao hơn. Chủng Foc.TR1 gây hại trên giống chuối Tây; Chủng Foc.TR4 hại trên giống chuối tiêu Hồng. - Ngoài ra, bệnh thán thư, đốm lá gây hại rải rác; rệp muội, sâu đục thân, gốc gây hại cục bộ. 3.4. Trên cây ổ Bọ xít muỗi, sâu đục ngọn, sâu róm phát sinh và gây hại ở các thời kỳ cây ra lộc, ra hoa – phát triển quả non cần được thường xuyên theo dõi, phát hiện và phòng trừ nơi có mật độ cao trước khi áp dụng biện pháp bao quả. Ruồi vàng xuất hiện và gây hại hầu hết các loại cây ăn quả, chủ yếu ở giai đoạn quả bước vào giai đoạn chín sinh lý trở đi; gây hại trên nhóm rau quả (dưa, bầu, bí, mướp...). Cân thường xuyên áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng chống Ruồi vàng như: vệ sinh đồng ruộng, xử lý tàn dư; sử dụng các loại bẫy treo, bẫy xua đuổi; áp dụng biện pháp bao trái trước khi quả bước vào giai đoạn quả chín sinh lý.... Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên