Dự kiến tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa vụ mùa 2023

Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn Hưng Yên, vụ Mùa năm 2023 xuất hiện khoảng 8 - 10 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông, khả năng có 1-2 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Hưng Yên. Đề phòng ảnh hưởng tới khu vực, thời gian ảnh hưởng tập trung từ tháng 7 đến tháng 9. Tổng lượng mưa toàn mùa trên phạm vi toàn tỉnh từ 1.100 - 1.200mm, xấp xỉ TBNN, toàn mùa có 7-9 đợt mưa lớn trên diện rộng (trên 50mm). Nền nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn TBNN, nắng nóng xuất hiện kéo dài so với năm 2022.

 TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI CHUYỂN VỤ

1. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Xuất hiện cục bộ trên các trà mạ, chủ yếu trên trà mạ sớm; mật độ nơi cao 3-5 con/m2, cục bộ 50-100 con/m2 (chủ yếu rầy trưởng thành). 

 2. Ốc bươu vàng: Xuất hiện, gây hại với mật độ phổ biến 0,3-0,5 con/m2, nơi cao 1-3 con/m2, cá biệt trên 5 con/m2 và tập trung ở những ruộng trũng, gần mương máng, kênh tưới tiêu; các địa phương đã chỉ đạo nông dân phòng trừ ốc bươu vàng trước và sau khi cấy bằng các biện pháp như bắt thủ công và dùng thuốc trừ ốc.

3. Chuột: Gây hại nhẹ và cục bộ trên mạ, lúa mới gieo cấy, chủ yếu ở những khu vực ruộng cao, ven gò, làng, bờ cao và có xu hướng gây hại gia tăng trong thời gian tới.

DỰ KIẾN MỘT SỐ SINH VẬT GÂY HẠI CHÍNH TRÊN CÂY LÚA VỤ MÙA NĂM 2023.

Trên cơ sở tình hình sản xuất, sinh trưởng của cây trồng, diễn biến của dịch hại vụ Xuân và dự báo đặc điểm thời tiết khí hậu trong vụ Mùa 2023. Chi cục Bảo vệ thực vật Hưng Yên dự kiến tình hình dịch hại trên lúa vụ Mùa 2023 như sau:

1. Về thành phần dịch hại: Cơ bản không có gì thay đổi so với vụ Mùa 2022. Bao gồm:

+ Sâu hại: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - RLT, sâu đục thân 2 chấm....

 + Bệnh hại: Bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt, bệnh nghẹt rễ.

+ Một số đối tượng khác như: Chuột, ốc bươu vàng, bệnh sinh lý... hại cục bộ vào đầu vụ; bệnh lùn sọc đen, nhện gié xuất hiện và hại cuối vụ.

2. Thời gian phát sinh và mức độ gây hại:

2.1. Sâu cuốn lá nhỏ

- Lứa 5: Trưởng thành vũ hoá rộ vào khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8; sâu non nở rộ và gây hại từ đầu đến giữa tháng tháng 8; mật độ phổ biến 5-10 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2, cục bộ có nơi trên 30 con/m2. Mức độ gây hại có khả năng tương đương hoặc hơn cùng lứa năm trước.

- Lứa 6: Trưởng thành vũ hoá rộ vào khoảng giữa tháng 8 đến cuối tháng 8; sâu non nở rộ và có khả năng gây hại trên các trà lúa Mùa ở thời kỳ làm đòng - trỗ bông từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, mật độ phổ biến 10-20 con/m2, cao 30-50 con/m2, cá biệt có nơi trên 100 con/m2. Mức độ gây hại khả năng cao hơn vụ Mùa năm 2022.

2.2. Rầy nâu, rầy lưng trắng

 - Lứa 5: Rầy cám rộ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 gây hại diện hẹp trên lúa mùa sớm. Mật độ trung bình 50-100 con/m2, nơi cao 500 con/m2, cá biệt có ổ trên 2.000 con/m2.

- Lứa 6: Rầy cám rộ từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, gây hại mạnh chủ yếu trên lúa Mùa sớm ở giai đoạn đòng - trỗ - chắc xanh; mật độ phổ biến 500-700 con/m2, cao 2000-3000 con/m2, cá biệt có ổ trên 1 vạn con/m2. Nếu không phòng trừ tốt sẽ cháy nhiều ổ từ đầu tháng 9 trở đi, mức độ hại khả năng cao hơn vụ Mùa năm 2022.

- Lứa 7: Rầy cám rộ từ giữa đến cuối tháng 9, có sự xen gối lứa và có khả năng gây hại diện rộng trên lúa Mùa; mật độ trung bình 500-1000 con/m2, cao 3000-5000 con/m2, cá biệt có ổ trên 10.000 con/m2, mức độ hại khả năng cao hơn vụ Mùa năm 2022. Nếu không phòng trừ kịp thời sẽ cháy rầy ở mức cao hơn vụ Mùa năm trước.

2.3. Sâu đục thân 2 chấm

- Lứa 4: Sâu non gây hại rải rác trên các trà lúa mùa từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8; tỷ lệ hại phổ biến 0,3-0,5% số dảnh, cao 1-2% số dảnh.

- Lứa 5: Trưởng thành vũ hoá rộ từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 9, sâu non gây hại chủ yếu trên diện tích lúa trỗ sau 10/9/2023; tỷ lệ bông bạc nơi cao 3-5% số bông, cá biệt trên 10% số bông. Mức độ hại cao hơn cùng kỳ năm trước.

2.4. Bệnh Bạc lá và Đốm sọc vi khuẩn

 Bệnh phát triển mạnh từ cuối tháng 8 đến cuối vụ, nhất là sau những trận giông, bão, ATNĐ, mưa lớn và những ruộng bón nhiều phân đạm, bón đạm muộn sẽ bị hại nặng, nhất là một số giống khác ngoài cơ cấu của tỉnh như BT7, Thiên ưu 8, T10... Diện tích nhiễm và tỉ lệ hại khả năng cao hơn năm 2022.

2.5. Bệnh khô vằn

Bệnh phát sinh và gây hại gia tăng từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9, khả năng gây hại trên phạm vi rộng ở hầu hết các giống và các trà lúa; gây hại nặng ở những ruộng cấy dày, bón nhiều đạm, bón muộn, ruộng thường xuyên cạn nước …. Tỉ lệ bệnh phổ biến 5-7% số dảnh, nơi cao 10-20% số dảnh, cá biệt trên 50% số dảnh (cấp bệnh 5-7, bệnh phát triển lên lá đòng). Mức độ hại khả năng tương đương hoặc cao hơn vụ Mùa 2022.

2.6. Bệnh đen lép hạt

Bệnh đen lép hạt phát sinh và gây hại ở giai đoạn lúa trỗ, trong điều kiện gặp mưa đối với diện lúa trỗ từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9; tỷ lệ hại nơi cao 5-10%, cá biệt trên 20% số hạt; mức độ hại tương đương vụ mùa 2022.

2.7. Bệnh nghẹt rễ

Bệnh phát sinh và gây hại ở đầu vụ, chủ yếu ở những ruộng trũng, ruộng ngộ độc hữu cơ, cấy trong điều kiện nắng nóng, …

2.8. Bệnh lùn sọc đen phương nam

Bệnh có khả năng xuất hiện và gây hại trên các trà lúa, đặc biệt ở những khu vực thường xuyên xuất hiện Rầy lưng trắng di trú.

2.9. Nhện gié

Gây hại cục bộ trên một số giống, chủ yếu giai đoạn lúa sau trỗ từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 9, tỷ lệ hại phổ biến 7-10%, nơi cao trên 30% số dảnh.

2.10. Chuột

Gây hại ngay từ đầu vụ và mức độ gây hại tăng dần cho đến lúc lúa trỗ, chuột gây hại chủ yếu ở những khu vực ruộng cao, ven gò, làng, bờ cao, khu công nghiệp, trang trại, … Các địa phương tập chung chỉ đạo diệt chuột ngay từ đầu vụ bằng các biện pháp thủ công và thuốc hóa học, sinh học.,.... Mức độ hại có thể nhẹ hơn vụ Mùa 2022; tuy nhiên, nếu không áp dụng các biện pháp diệt chuột một cách thường xuyên, liên tục ở những khu vực chuột hoạt động thì một số diện tích sẽ bị hại nặng và chuột sẽ gia tăng nhanh quần thể để gây hại cây trồng vụ Đông.

2.11. Ốc bươu vàng

Ốc bươu vàng gây hại trên lúa mới gieo cấy đến giai đoạn cuối đẻ nhánh, chủ yếu ở những khu vực ruộng trũng, gần kênh mương tưới tiêu; mật độ phổ biến 0,3-0,5 con/m2 nơi cao trên 2-3 con/m2, cá biệt trên 10 con/m2. Mức độ hại tương đương hoặc cao hơn năm 2022.

Ngoài các đối tượng sinh vật gây hại chính, cần chú ý một số đối tượng như: cỏ dại, bọ trĩ, tuyến trùng, bệnh vàng lá hại ở đầu vụ; bệnh hoa cúc gây hại cục bộ cuối vụ và đối tượng “lúa ma” xuất hiện ở khu vực vụ trước xuất hiện.

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHỈ ĐẠO

- Thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính dự báo theo Quy chuẩn quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại trên cây lúa và các quy chuẩn khác liên quan.

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng (đặc biệt ở thời điểm xung yếu đố với sâu, bệnh), nắm chắc diễn biến sâu bệnh, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng, nhận định chính xác khả năng phát sinh, số lượng, diện phân bố, mức độ gây hại của sâu bệnh chủ yếu. Thông báo kịp thời, đề xuất hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời có hiệu quả.

- Tham mưu kịp thời, chính xác giúp UBND các cấp, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động chỉ đạo kịp thời công tác phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng tại các địa phương đạt hiệu quả cao, an toàn. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền phổ biến hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.

- Tiếp tục triển khai dự án Dự án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên một số cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025”.

- Thực hiện quản lý, giám sát mã số vùng trồng; cơ sở đóng gói theo quy định.

- Tiếp tục thực hiện các nội dung thuộc Kế hoạch ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2023; Khảo nghiệm thuốc BVTV….

- Tiếp tục duy trì hoạt động của 09 bẫy đèn bắt côn trùng tại các huyện, TP là Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, Khoái Châu, Ân Thi và TP Hưng Yên.

- Tăng cường cử cán bộ tới cơ sở (đặc biệt tại các thời điểm xung yếu của dịch hại), nắm tình hình sản xuất, dịch hại, phát hiện sớm dịch hại, đề xuất chủ  trương, biện pháp xử lý kịp thời và hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả.

- Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả việc phân tích, giám định mẫu; giám sát thành phần dịch hại trên các cây trồng chính của tỉnh.

- Tăng cường kiểm tra, quản lý thuốc BVTV trên phạm vi toàn tỉnh, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các đại lý kinh doanh thuốc BVTV để họ cung ứng đầy đủ các loại thuốc tốt cho nông dân ngăn chặn dịch hại kịp thời, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc kém chất lượng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và cộng đồng.

- Thường xuyên làm tốt công tác kiểm dịch thực vật.

 Công tác BVTV ngay từ đầu vụ Mùa và cả vụ là rất quan trọng, chúng ta phải đối mặt với nhiều trở ngại như: Thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh diễn biến bất thường theo thời tiết, sự xuất hiện một số đối tượng dịch hại mới nguy hiểm (bệnh lùn sọc đen, lúa ma ...). Song với sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cả hệ thống BVTV cùng với sự tham gia nhiệt tình của nông dân nên công tác BVTV của chúng ta nhất định sẽ thành công và giành thắng lợi vụ Mùa 2023./.    

Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
171 người đang online