22/12/2021 | lượt xem: 17 Kết quả thực hiện Dự án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giai đoạn 2018-2021 Thực hiện Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Dự án ‘‘Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên cây trồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2021’’ (Gọi tắt là Dự án IPM). Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung của Dự án 1. Công tác đào tạo giảng viên IPM và huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) a. Đào tạo giảng viên IPM (TOT): Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm bảo vệ thực vật phía Bắc tổ chức 01 lớp đào tạo giảng viên IPM (TOT) cho 40 cán bộ kỹ thuật của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đó: 20 cán bộ kỹ thuật được cấp chứng nhận giảng viên (TOT) trên cây lúa, 20 cán bộ kỹ thuật được cấp chứng nhận giảng viên (TOT) trên cây ăn quả. Các giảng viên qua đào tạo TOT có đủ trình độ, kinh nghiệm trong suốt 04 năm thực hiện Dự án là người tổ chức hướng dẫn các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS). b. Tổ chức các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS): - Lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) thực chất là lớp học hiện trường, áp dụng tâm lý của nông dân là “Trăm nghe không bằng một thấy; trăm thấy không bằng một làm”. Lớp học tiến hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài học, hướng dẫn cụ thể ngay trên ruộng của người nông dân với những thí nghiệm nhỏ đơn giản, dễ làm, để người nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) và thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản; kết quả đã tổ chức được 114/130 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) trên các loại cây trồng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tinh đạt 87,6% KH, gồm: 60/65 lớp trên cây lúa đạt 92,3% KH; 31/40 lớp trên cây ăn quả đạt 77,5% KH; 23/25 lớp cây rau màu, dược liệu đạt 92% KH, cụ thể như sau: + Huyện Văn Giang tổ chức 04 lớp (02 lớp trên cây lúa; 02 lớp trên cây ăn quả) đào tạo được 125 nông dân nòng cốt; + Huyện Văn Lâm 05 lớp trên cây lúa đào tạo được 150 nông dân nòng cốt; + Thị xã Mỹ Hào tổ chức 04 lớp lúa đào tạo được 125 nông dân nòng cốt; + Huyện Yên Mỹ tổ chức 08 lớp (04 lớp trên cây rau; 04 lớp trên cây lúa) đào tạo được 245 nông dân nòng cốt; + Huyện Khoái Châu tổ chức 13 lớp (01 lớp trên cây rau; 01 lớp trên cây nghệ; 06 lớp trên cây ăn quả và 05 lớp trên cây lúa) đào tạo được 405 nông dân nòng cốt; + Huyện Ân Thi tổ chức 19 lớp (03 lớp trên cây rau, màu, 02 lớp trên cây ăn quả và 14 lớp trên cây lúa) đào tạo được 580 nông dân nòng cốt; + Huyện Kim Động tổ chức 18 lớp (07 lớp trên cây rau, 04 lớp trên cây ăn quả, 07 lớp trên cây lúa) đào tạo được 555 nông dân nòng cốt; + Huyện Tiên Lữ tổ chức 14 lớp (02 lớp trên cây rau, màu, 01 lớp trên cây ăn quả và 11 lớp trên cây lúa) đào tạo được 430 nông dân nòng cốt; + Huyện Phù Cừ tổ chức 15 lớp (01 lớp trên cây rau, màu, 07 lớp trên cây ăn quả và 07 lớp trên cây lúa) đào tạo được 465 nông dân nòng cốt; + Thành phố Hưng Yên tổ chức 14 lớp (03 lớp trên cây rau, màu, 09 lớp trên cây ăn quả và 02 lớp trên cây lúa) đào tạo được 440 nông dân nòng cốt. Đồng thời đã triển khai thành công 114 mô hình IPM thực hành trên các loại cây trồng với tổng diện tích 87ha/97,5ha đạt 89.2% KH, gồm: 60 mô hình trên cây lúa với diện tích 60ha; 31 mô hình cây ăn quả với diện tích 15,5ha; 20 mô hình trên cây rau với diện tích 10ha; 02 mô hình trên cây ngô với diện tích 01ha và 01 mô hình trên cây nghệ với diện tích 0,5ha. Kết quả đã huấn luyện được 3.520 nông dân trở thành chuyên gia trong điều tra, phát hiện sâu bệnh hại trên cây trồng, thiên địch cần bảo vệ và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả; do vậy đã giảm 10-15% lượng phân bón hóa học, 20-30% số lần phun thuốc BVTV và lượng thuốc BVTV, giảm 15-17% chi phí đầu tư và góp phần tăng 15-20% hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, các mô hình còn là nơi tham quan, học tập của cán bộ nông nghiệp, nông dân địa phương để áp dụng và nhân rộng. Kết quả của các mô hình đều được chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn và nông dân đánh giá cao. 2. Triển khai các mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất Đã triển khai mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất đại trà trên các loại cây trồng của tỉnh với diện tích là 1.669 ha/3.000ha đạt 55,6% KH, trong đó: Ứng dụng IPM trong sản xuất cây lúa là 1.537ha/2.700ha đạt 56,9% KH; ứng dụng IPM trong sản xuất cây ăn quả là 104ha/200ha đạt 52% KH và ứng dụng IPM trong sản xuất cây rau màu, dược liệu 90ha/100ha đạt 90% KH với sự tham gia của trên 5.000 hộ nông dân tham gia, cụ thể: - Năm 2018: Ứng dụng IPM trong sản xuất trên cây lúa là 255ha và trên cây rau màu với là 05ha. - Năm 2019: Ứng dụng IPM trong sản xuất trên cây lúa là 380ha, trên cây ăn quả là 40ha và trên cây rau màu, dược liệu là 30ha. - Năm 2020: Ứng dụng IPM trong sản xuất trên cây lúa là 535ha, trên cây ăn quả là 32ha và cây rau màu là 30ha. - Năm 2021: Ứng dụng IPM trong sản xuất trên cây lúa là 367ha, trên cây ăn quả là 32ha và cây rau màu là 25ha. Các mô hình ứng dụng IPM vào sản xuât được triển khai ở các địa phương đã tổ chức các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS), Dự án hỗ trợ cho nông dân có nhu cầu ứng dụng IPM vào sản xuất tại các địa phương thông qua 02 hoạt động chính là cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng IPM trên cây trồng và hỗ trợ một phần vật tư cho các hộ nông dân (Chế phẩm nấm Trichoderma, chế phẩm xử lý rơm rạ, bẫy, bả pheromonr, ...). Cụ thể: - Huyện Văn Giang hỗ trợ 03 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 14ha (10 ha trên cây rau; 04 ha trên cây ăn quả); - Huyện Văn Lâm hỗ trợ 05 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất lúa với quy mô 121ha; - Thị xã Mỹ Hào hỗ trợ 04 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất lúa với quy mô 106ha; - Huyện Yên Mỹ hỗ trợ 08 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 128,5 ha (108ha trên cây lúa; 20 ha trên cây rau); - Huyện Khoái Châu hỗ trợ 08 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 110,9ha (93,9 ha trên cây lúa; 05 ha trên cây nghệ và 12ha trên cây ăn quả); - Huyện Ân Thi hỗ trợ 16 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 399,6ha (385,6 ha trên cây lúa; 10 ha trên rau và 04ha trên cây ăn quả); - Huyện Kim Động hỗ trợ 13 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 210,2ha (182,3ha trên cây lúa; 20ha trên rau và 08ha trên cây ăn quả); - Huyện Tiên Lữ tổ chức hỗ trợ 13 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 567,1ha (253,5 ha trên cây lúa; 10 ha trên rau và 04 ha trên cây ăn quả); - Huyện Phù Cừ hỗ trợ 11 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 299,6ha (167,7 ha trên cây lúa; 05 ha trên rau và 16ha trên cây ăn quả); - Thành phố Hưng Yên hỗ trợ 08 mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất với quy mô 81ha (56,6 ha trên cây lúa; 05 ha trên rau và 20ha trên cây ăn quả). 3. Xây dựng quy trình kỹ thuật - Trên cơ sở quy trình IPM các cây trồng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kết hợp với quá trình triển khai các mô hình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và ban hành 09 quy trình kỹ thuật ứng dụng IPM trên 09 loại cây trồng để nông dân áp dụng vào sản xuất, cụ thể: - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây họ cà; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây họ thập tự; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây họ bầu bí; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây Nghệ; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây có múi; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây nhãn; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây vải; - Quy trình quản lý sinh vật hại tổng hợp (IPM) trên cây chuối. 4. Công tác tuyên truyền Hàng năm hợp đồng với Đài truyền hình tỉnh Hưng Yên, Báo Hưng Yên và trên các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng các nội dung tuyên truyền kết quả các mô hình IPM điển hình trên cây trồng chủ lực của tỉnh; tác hại của thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ứng dụng các biện pháp sinh học nhằm thay thế, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tác dụng của phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp; các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM trên cây trồng, ... phát sóng trên chuyên mục bạn của nhà nông hoặc chuyên mục nông nghiệp, cụ thể: 10 chuyên mục phát sóng trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; 10 bài báo trên Báo Hưng Yên và 01 bài báo trên báo Nông nghiệp Việt Nam. - Xây dựng nội dung các tờ rơi, tờ bướm về quản lý dịch hại tổng hợp IPM. - Tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm tuyên truyền rộng rãi đến các cấp chính quyền, bà con nông dân nắm được. Qua đó người nông dân được mắt thấy, tai nghe và được chứng kiến từ tiến bộ kỹ thuật mới đem lại, cụ thể trong 04 năm tổ chức 18 Hội thảo đầu bờ; 01 Hội nghị triển khai; 03 Hội nghị sơ kết và 01 Hội nghị tổng kết. 5. Hiệu quả kinh tế, xã hội của Dự án 5.1. Nhận thức Sau khi triển khai các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt: Nông dân đã nắm được đặc điểm hình thái qua các pha của các đối tượng sâu hại cây trồng (Rầy chổng cánh vân nâu, sâu đo, sâu đục quả, bọ xít, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, nhện đỏ, ...), quy luật phát sinh, gây hại và thời điểm phòng trừ hiệu quả nhất; nhận biết đặc điểm của các bệnh gây hại trên cây trồng: Bệnh sương mai, bệnh thán thư, bệnh chổi rồng, bệnh đạo ôn hại lúa, bệnh bạc lá lúa, bệnh loét vi khuẩn, bệnh khô cành, ....; Nhận biết được các đối tượng thiên địch trên đồng ruộng. Không phun thuốc BVTV tràn lan, theo tập quán mà tiến hành phòng trừ dịch hại cần tùy theo mức độ sâu bệnh, thiên địch ký sinh ở từng giai đoạn để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và đúng kỹ thuật. - Kết quả Dự án đã làm thay đổi nhận thức của người dân, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; nông dân là chuyên gia trên đồng ruộng sau khi được huấn luyện, áp dụng biện pháp IPM; là tuyên truyền viên cho cả cộng đồng cùng thực hiện, cụ thể: Trong khi thực hiện Dự án Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành khảo sát, đánh giá một số chỉ tiêu tại một số địa phương; kết quả cụ thể như sau: * Hiểu biết về đặc điểm sinh lý cây trồng + Trên cây lúa: Qua kinh nghiệm: 70%; qua sách, báo, truyền thông: 20% và qua tư vấn cán bộ kỹ thuật: 10%; + Trên cây ăn quả: Qua kinh nghiệm: 60%; qua sách, báo, truyền thông: 20% và qua tư vấn cán bộ kỹ thuật: 20%; + Trên cây rau, màu: Qua kinh nghiệm: 75%; qua sách, báo, truyền thông: 10% và qua tư vấn cán bộ kỹ thuật: 15%; * Phòng trừ sâu bệ + Trên cây lúa: Theo kinh nghiệm bản thân và hàng xóm: 25%; theo đại lý bán thuốc: 60%; theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: 15%. + Trên cây ăn quả: Theo kinh nghiệm bản thân và hàng xóm: 35%; theo đại lý bán thuốc: 55%; theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: 10%. + Trên cây rau, màu: Theo kinh nghiệm bản thân và hàng xóm: 45%; theo đại lý bán thuốc: 45%; theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: 10%. * Nhận biết các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng: trên cây lúa đạt 25%; trên cây ăn quả đạt 40%; trên cây rau màu đạt 25%. 5.2. Hiệu quả về kinh tế: Nhìn chung các mô hình áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại, đặc biệt là sử dụng các chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch, chế phẩm nấm đối kháng, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết, … nên lượng phân bón sử dụng ở mô hình giảm hơn so với đối chứng 10-15%; bảo tồn được nguồn thiên địch trên đồng ruộng, số lần phun thuốc BVTV và số lượng thuốc BVTV mô hình ít hơn so với đối chứng từ 20-30%; các diện tích áp dụng IPM vào sản xuất trên các loại cây trồng đều giảm chi phí đầu vào 15-17% so với không áp dụng IPM do giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật (trước khi áp dụng IPM số lượng thuốc BVTV trong 01 lần sử dụng từ 3-5 loại thuốc thậm chí là 7 loại thuốc; sau khi áp dụng IPM số lượng thuốc BVTV trong 01 lần phun giảm 30-50%), giảm chi phi công phun thuốc do nông dân áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV. Từ đó, năng suất cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7-15%, tăng lợi nhuận kinh tế từ 15-20%, cụ thể: + Trên cây lúa khi áp dụng IPM lợi nhuận kinh tế tăng 3.500.000đ/ha; sau 04 năm thực hiện Dự án, ước tính diện tích cây lúa được ứng dụng IPM đạt 8.500ha, lợi nhuận kinh tế tăng 29.750.000.000 đồng. + Trên cây ăn quả (cam, nhãn, vải, chuối,...) khi ứng dụng lợi nhuận kinh tế tăng 15.000.000đ/ha. Diện tích cây ăn quả được áp dụng IPM sau 04 năm thực hiện Dự án đạt 216ha, lợi nhuận kinh tế tăng 3.240.000.000 đồng. + Trên cây rau màu, dược liệu khi ứng dụng IPM lợi nhuận kinh tế tăng 5.000.000đ/ha. Sau 04 năm thực hiện Dự án ước tính diện tích cây rau màu, dược liệu được ứng dụng IPM khoảng 400ha; lợi nhuận kinh tế tăng 2.000.000.000 đồng. (Số liệu được dựa trên diện tích cây trồng được Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ vật tư và diện tích nông dân áp dụng sau hỗ trợ tính lũy kế theo từng vụ, từng năm) 5.3. Hiệu quả về môi trường - Kết quả của các mô hình IPM đã được nhiều hộ nông dân ngoài mô hình (chưa được tham gia trực tiếp mô hình) làm theo và ứng dụng trong sản xuất góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. - Tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ đã giúp cải tạo đất; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ sau thu hoạch. Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết đã giúp môi trường sinh thái trong ruộng, vườn của mô hình IPM được cải thiện tốt hơn. Sức khoẻ người nông dân và cộng đồng được cải thiện hơn do giảm được số lần bón phân, tưới nước và phun thuốc BVTV. - Từ mô hình tạo điều kiện thuận lợi để đánh giá cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, ... Ban Biên tập - Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên
Báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng Ngân sách Nhà nước cúa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên
Kết quả thực hiện mô hình thâm canh áp dụng kỹ thuật làm sớm thời điểm thu hoạch của vải lai chín sớm tại huyện Phù Cừ
Kết quả thực hiện Đề tài Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và dải vụ thu hoạch trên giống vải lai tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Báo cáo tình hình thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và dải vụ thu hoạch trên giống vải lai tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên” Tháng 9/2021