Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn tại Hưng Yên

Thực hiện Quyết định số 355/QĐ-VRQ-KH ngày 06/9/2017 của Viện nghiên cứu rau quả về việc Ban hành quy trình kỹ thuật cấp cơ sở; Viện Nghiên cứu Rau quả đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên xây dựng và phát hành Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn tại Hưng Yên (Chi tiết tải file đính kèm)

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC NHÃN TẠI HƯNG YÊN

 

1. Kỹ thuật trồng nhãn

* Thiết kế vườn trồng: Tuỳ theo quy mô, diện tích và địa hình đất mà thiết kế vườn trồng cho phù hợp, có 2 cách thiết kế vườn trồng.

+ Đắp nấm: Tùy từng địa hình đất để đắp nấm có kích thước phù hợp, thông thường kích thước của nấm có chiều cao từ 0,7 - 0,8 m so với mặt vườn, đường kính từ 1- 1,2 m, những nơi có đất trũng cần đắp nấm cao hơn và nơi đất cao đắp nấm thấp hơn.

+ Đào mương, lên líp (băng): Những nơi đất trũng cần đào mương, lên líp. Kích thước mương trung bình là 1m x 1m và mặt líp là 7 - 8m

* Mật độ, khoảng cách trồng:

+ Khoảng cách trồng thích hợp đối với nhãn là 7m x 8m hoặc 8m x 8m, tương đương với mật độ 160 - 180 cây/ha.

+ Trong điều kiện thâm canh cao, có thể trồng với khoảng cách 6m x 8m, tương đương với mật độ 190 - 200 cây/ha.

2. Kỹ thuật chăm sóc vườn nhãn thời kỳ cho thu hoạch

2.1. Bón phân

* Thời kỳ bón

            Toàn bộ lượng phân bón được chia làm 5 lần bón trong năm

- Lần 1: Bón thúc hoa và nuôi lộc Xuân. Bón vào giữa tháng 2 - cuối tháng 2.

- Lần 2: Bón vào cuối tháng 3 - đầu tháng 4 làm cho chùm hoa phát triển và đậu quả tốt, giảm tỷ lệ rụng quả sinh lý.

- Lần 3: Bón thúc quả. Bón vào đầu tháng 5 - giữa tháng 5.

- Lần 4: Bón thúc quả. Bón vào giữa tháng 6,  giúp quả phát triển tốt và giảm tỷ lệ rụng quả.

- Lần 5: Bón sau khi thu hoạch quả giúp cây phục hồi sinh trưởng, thúc đẩy cành mùa thu.

* Liều lượng và tỷ lệ phân bón

Lượng phân bón sử dụng tăng dần theo tuổi cây và có thể sử dụng phân đơn hoặc các loại phân tổng hợp NPK.

Lượng phân bón theo tuổi cây khi sử dụng phân đơn

Loại phân

Lượng phân bón theo tuổi cây (kg/năm)

Cây 4 - 6 năm tuổi

Cây 7 - 10 năm tuổi

Cây trên 10 tuổi

Phân hữu cơ

30 - 50

50 - 70

70 – 100

Đạm urê

0,3 - 0,5

0,8 - 1,0

1,2 - 1,5

Supe lân

0,7 - 1,0

1,5 - 1,7

2,0 - 3,0

Kaliclorua

0,5 - 0,7

1,0 - 1,2

1,2 - 2,0

 

            Lượng phân bón được chia cho các lần bón như sau:

Lần 1 và lần 2: bón 15% Đạm urê + 15% Supe lân + 10% Kaliclorua cho 1 lần bón

Lần 3 và lần 4: bón 20% Đạm urê + 25% Kaliclorua/1 lần bón cho 1 lần bón

Lần 5: bón toàn bộ phân hữu cơ + 30% Đạm urê + 70% Supe lân + 30% Kaliclorua cho 1 lần bón                      

Lượng phân bón theo tuổi cây khi sử dụng phân tổng hợp NPK

Loại phân

Lượng phân bón theo tuổi cây (kg/năm)

Cây 4 - 6 năm

Cây 7 - 10 năm

Cây trên 10 năm

Phân hữu cơ

30 - 50

50 - 70

70 – 100

Phân NPK tổng hợp

1,8 - 2,0

2,3 - 2,5

2,8 - 3,0

 

Lượng phân bón được chia cho các lần bón như sau:

Lần 1: Bón 10% tổng lượng phân bón NPK

Lần 2 đến lần thứ 4: Bón 20% tổng lượng phân bón NPK cho một lần bón

Lần 5: Bón toàn bộ phân hữu cơ + 30% tổng lượng phân bón NPK

* Cách bón:

- Đối với các loại phân vô cơ, hòa phân với nước và tưới cho cây theo hình chiếu tán cây; ngoài ra có thể bón phân bằng cách rắc phân trực tiếp xung quanh hình chiếu tán cây vào cuối các đợt mưa và khi đất còn đủ ẩm.

- Đối với phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 20 - 30 cm, sâu 20 - 25 cm, rải phân hữu cơ xuống trước sau đó đến phân vô cơ, lấp đất và tưới nước giữ  ẩm.

* Bón bổ sung phân hữu cơ theo hướng nâng cao chất lượng quả

            Ngoài lượng phân bón theo tuổi cây như trên, có thể bón bổ sung thêm đỗ tương, ngô ngâm ủ với liều lượng 3 - 5 kg/cây. Cách bón như sau:

 - Bón sau khi thu hoạch cùng với phân hữu cơ: Bón từ 3 - 5 kg hạt đỗ tương, ngô đã được nghiền nhỏ.

- Bón thúc quả: Sau khi đậu quả, dùng nước của hạt đỗ tương, hạt ngô hoặc cá đã được ngâm từ 5 - 6 tháng để tưới, trung bình mỗi tháng tưới 1 lần và dừng tưới trước khi thu hoạch 1 tháng.

2.2. Cắt tỉa cho nhãn:

* Cắt tỉa tạo tán sau thu hoạch

- Cắt tỉa cành: Sau khi thu hoạch, cắt tỉa toàn bộ những cành tăm, cành bị sâu bệnh, cành trong tán, cành vượt, cành sát mặt đất tạo cho cây thông thoáng. Ngoài ra trong quá trình sinh trưởng thường xuyên cắt tỉa những cành vô hiệu cho cây.

- Cắt tỉa lộc Thu: Khi lộc Thu phát sinh khoảng từ  5 - 7 cm, tiến hành tỉa bỏ bớt một số lộc trên những cành mọc quá nhiều lộc, mỗi đầu cành chỉ nên để 1 - 2 lộc to khỏe và phân bố đều quanh tán.

- Cắt tỉa thu tán: Áp dụng đối với những vườn nhãn lâu năm và cây bắt đầu giao tán. Năm thứ nhất cắt đau 1/2 số đầu cành và chỉ để 1/2 số đầu cành không cắt ra quả, năm sau tiếp tục cắt đau các cành năm trước đã ra quả và nuôi những cành trong tán để tạo bộ khung tán mới.

* Tỉa hoa, tỉa quả:     

- Tỉa hoa: Thời gian tỉa hoa thích hợp là vào tháng 3 khi chùm hoa dài khoảng 12 -15 cm, nụ hoa trông đã rõ nhưng chưa nở. Tuỳ thuộc vào khả năng ra hoa của từng cây mà có thể tỉa bỏ 20 - 30% số chùm hoa, tỉa bỏ các chùm hoa bị sâu bệnh và các chùm hoa nhỏ.

- Tỉa quả: Sau khi kết thúc đợt rụng quả sinh lý lần 1, khi quả đã lớn bằng hạt đậu tương, tiến hành tỉa bỏ những quả bị sâu bệnh, quả dị hình. Những chùm quả quá lớn cần tỉa bỏ bớt quả hoặc cắt bớt đầu chùm, những cây quá nhiều chùm quả cần tỉa bỏ bớt số chùm quả trên cây.

2.3. Phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh chính gây hại nhãn

* Bọ xít nâu: Bọ xít qua đông trên cây nhãn, sau đó đẻ trứng và sâu non nở từ tháng 2 - 3. Chúng chích hút các đợt lộc non, hoa, quả non và gây hại mạnh nhất vào tháng 4 - 6, với mật độ cao bọ xít sẽ gây rụng quả non hàng loạt.

Phòng trừ: Sử dụng một trong các cách sau:

- Bắt bọ xít trưỏng thành qua đông vào các tháng 11 - 12 bằng cách rung cây thu gom lại và đem đốt.

- Ngắt các lá có ổ trứng ở mặt dưới đem tiêu huỷ.

- Sử dụng thuốc hoá học để diệt bọ xít non và trưởng thành sau qua đông: Vitashield 40EC, Bonus 40EC.

* Rệp hại hoa và qủa non: Rệp thường xuất hiện khi giò hoa vươn dài đến khi quả non ổn định, ban đầu rệp thường xuất hiện rải rác trên một vài cành hoặc một vài cây trong vườn sau đó mới lan rộng ra. Mật độ rệp có thể lên rất cao (vài trăm con/cành) gây cháy đọt, thui hoa quả.

Phòng trừ: Sử dụng các thuốc hoá học như: Trebon 10EC, Midan 10WP, Vitashield 40EC, Bonus 40EC.

* Sâu đục cuống quả

Trứng được đẻ phân tán trên vỏ quả (gần cuống), sau khi nở, sâu non đục vỏ quả, chui vào bên trong để gây hại. Những quả bị sâu hại thường dễ bị rụng, quả có thể bị hại từ khi còn nhỏ cho đến lúc quả nhãn già sắp thu họach.

Biện pháp phòng trừ

- Tỉa cành tạo tán, vệ sinh vườn cây, tạo vườn cây thông thoáng.

- Chăm sóc tập trung để nhãn ra hoa kết quả đồng loạt, dễ quản lý sâu.

- Khi quả nhãn có đường kính đạt khoảng 1 cm thường xuất hiện đợt trưởng thành sâu đục cuống quả vũ hóa rộ, nếu xuất hiện với mật độ cao cần tiến hành phun thuốc Virtako 40WG, Viliam Targo 063SC

* Bệnh chổi rồng:

- Bộ phận bị hại và triệu chứng: Bệnh chổi rồng gây hại trên lá, chồi non và chùm hoa của cây nhãn. Khi bị bệnh, nhánh hoa xếp sít nhau tạo thành búi, các lá non xoăn lại không mở được, nụ hoa to hơn bình thường

 - Thời điểm phát sinh gây hại: Nhện lông nhung sinh trưởng và phát triển mạnh vào các đợt lộc xuân và lộc thu.          

- Biện pháp phòng trừ: Không nhân giống từ những cây nhãn có biểu hiện bệnh chổi rồng, cắt bỏ những cành bị bệnh đem tiêu hủy. Khi cây nhãn xuất hiện các đợt lộc non nên sử dụng các loại thuốc trừ nhện như: Pegasus 500SC, Dylan 2EC,.. phun 1-2 lần. Khi phun cần kết hợp với dầu khoáng SK-Enpray 99EC hoặc DS để nâng cao hiệu quả phòng trừ.

* Bệnh sương mai:

- Bệnh xuất hiện và gây hại tập trung vào thời kỳ ra hoa và quả non làm chùm hoa biến màu, thối quả và rụng, gây hại tập trung vào thời kỳ ra hoa và quả non làm chùm hoa biến màu, thối quả và rụng.

 - Phòng trừ: Trong đaiều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển cần phun phòng khi cây ra giò hoa bằng các thuốc như: Phytocide  50WP, Jack M9 72WP, Rhidomil Gold 68WG, .... và nếu áp lực bệnh cao cần phun lần 2 trước khi hoa nở bằng các thuốc trên.

3. Một số biện pháp kỹ thuật làm tăng khả năng ra hoa đậu quả.

* Khoanh vỏ:

Thời gian khoanh: Tùy thuộc vào giống, sức sinh trưởng của cây và điều kiện thời tiết khí hậu từng năm mà có thời gian khoanh vỏ khác nhau. Thông thường, vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi lộc thu đã thành thục, chọn những cây sinh trưởng khoẻ, dùng dao sắc khoanh hết lớp vỏ của cành cấp 1 hoặc cấp 2 với chiều rộng vết khoanh 0,4 - 0,5 cm. Vào những năm có mùa đông ấm và ẩm, cần khoanh vỏ tiếp lần 2 cho những cây sinh trưởng khỏe và có khả năng ra lộc đông, thời gian khoanh vỏ lần 2 tùy thuộc vào điều kiện thời tiết (khoảng từ giữa - cuối tháng 12).

Lưu ý: Nên khoanh vỏ cho nhãn vào tiết đông chí, những năm có tháng nhuận sẽ khoanh vỏ muộn hơn bình thường.

* Sử dụng hóa chất kết hợp với biện pháp cơ giới (Biện pháp này áp dụng đối với giống nhãn Hương Chi)

- Cách tiến hành: Khoảng đầu tháng 12 - giữa tháng 12, tiến hành tưới KClO3 với lượng 1 kg/cây (đối với cây từ 10 - 12 năm tuổi) (lượng KClO3 sẽ thay đổi tùy theo tuổi cây), sau khi tưới KClO3 khoảng 5 - 10 ngày, nếu thời tiết không thuận lợi cho cây nhãn ra hoa (nhiệt độ và ẩm độ không khí cao) sẽ tiến hành khoanh vỏ cho nhãn.

Lưu ý: KClO3 sử dụng trong quy trình có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đóng gói 25 kg/bao, công thức hóa học: KClO3 ≥ 99,5%

 

Sở NN&PTNT - Viện nghiên cứu rau quả

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
289 người đang online