31/08/2023 | lượt xem: 2 Tập trung phòng trừ sâu, bệnh trên lúa Mùa từ nay đến cuối vụ Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến ngày 30/8/2023 toàn tỉnh có 2.230ha lúa trỗ, cơ bản lúa trỗ tập trung từ 01-10/9/2023. Thời điểm này, sinh vật gây hại lúa mùa đã và đang phát sinh, phát triển và nguy cơ gây hại gia tăng từ nay đến cuối vụ, cụ thể: rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 6, diện tích nhiễm 1364ha, nông dân đã phòng trừ 1.204 ha, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 2.000 con/m2, cục bộ trên 3.000 con/m2, mật độ ổ trứng 100 - 200 ổ/m2, nơi cao 300 - 500 ổ/m2, cá biệt có nơi trên 1500 ổ/m2, nếu không phòng trừ kịp thời thì khả năng lúa mùa bị cháy rầy là rất cao; sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu non nở và gây hại kéo dài, mật độ sâu cao hơn so với những năm gần đây và có sự gối lứa gây khó khăn trong công tác phòng trừ, diện tích nhiễm 1.414 ha, nông dân đã phòng trừ 1.364 ha; bệnh khô vằn tiếp tục sinh phát triển, đặc biệt ở những ruộng cấy dày, bón nặng đạm, diện tích nhiễm 3.617 ha, nông dân đã phòng trừ 3.030ha. Ngoài ra, sâu đục thân bướm 2 chấm sẽ phát sinh và gây hại chủ yếu ở những ruộng bướm dồn (ruộng gần đèn cao áp, đường giao thông), đặc biệt đối với diện lúa trỗ sau 10/9/2023; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh và gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như Bắc Thơm 7, … Thực hiện Công văn số 2126/BVTV-TV ngày 21/8/ 2023 của Cục BVTV về tăng cường phòng chống sinh vật hại trên lúa Mùa 2023. Để bảo vệ lúa vụ Mùa năm 2023, hạn chế tối đa tác hại của các đối tượng sâu, bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã và thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: 1. UBND các huyện, thị xã, thành phố - Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện tốt Công văn số 11529/SNN - BVTV ngày 10/8/2023 về việc tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 hại lúa vụ Mùa 2023; - Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu, bệnh, thông báo, hướng dẫn nông dân phòng sinh vật gây hại ở nơi có mật độ cao bằng các thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc “4 đúng”, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cụ thể như sau: Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Ở giai đoạn đòng - trỗ - chắc xanh nếu mật độ rầy cao sử dụng các loại thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WG. (khi phun không cần rẽ lúa). Nếu rầy tuổi lớn (tuổi 3 trở lên) hoặc thời kỳ lúa đã đỏ đuôi phải phòng trừ bằng các thuốc tiếp xúc như: Bassa 50EC, Nibas 50EC, Hopsan 75EC... (trước khi phun thuốc nhất thiết phải rẽ lúa thành từng băng và phun trực tiếp vào nơi rầy cư trú).Yêu cầu trên ruộng phải có nước; chỉ rút nước để trồng cây vụ Đông sớm khi kiểm tra ruộng lúa thấy sạch rầy hoặc mật độ rầy thấp không có khả năng gây cháy lúa do rầy. - Đối với Sâu cuốn lá nhỏ: tập trung theo dõi và hướng dẫn nông dân phòng trừ ở những ruộng xanh tốt, những diện tích có mật độ sâu cao thì phải phun kép lại lần 2, sử dụng thuốc một số thuốc có hiệu quả cao như: Prevathon 5SC, Virtako 40WG, VoliamTargo 063SC, Obaone 95WG, Dylan 5WG,.... - Sâu đục thân bướm hai chấm: Theo õi chặt chẽ mật độ ổ trứng trên lúa , nhất là diện tích lúa trỗ muộn (trỗ sau ngày 10/9/2023), nếu mật độ trứng trên 0,3 ổ/m2 phải phòng trừ bằng một trong các thuốc đặc hiệu: Prevathon 5SC, 35WG, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC. - Bệnh khô vằn phải phòng trừ sớm bằng các thuốc như: Tilt super 300EC, Scooter 300Ec, Anvil 5SC, Athuoctop 480SC. - Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sau những trận mưa giông, trên các giống nhiễm nên chủ động phòng bằng các loại thuốc Xanthomix 20WP, Totan 200WP, Ychatot 900SP. 2. Đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi điều tiết nước linh hoạt, hợp lý để lúa làm đòng, trỗ bông và thuận lợi cho công tác phòng trừ sâu bệnh. 3. Các trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố Tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ), theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh chính hại lúa, thông báo kịp thời về thời điểm, biện pháp, kỹ thuật và các loại thuốc phòng trừ hiệu quả cho từng đối tượng sâu, bệnh hại để nông dân phòng, trừ. 4. Yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc BVTV cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng các loại thuốc BVTV đặc hiệu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn (không được tăng giá, ép giá làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất). Đề nghị Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên, hệ thống truyền thanh cơ sở thường xuyên đưa tin và thông báo tình hình sâu, bệnh hại và biện pháp xử lý để nông dân phòng trừ kịp thời đạt hiệu quả. Cv sau benh cuoi vu Mùa 2023.pdf Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên