Bệnh dại

Mỗi năm, nước ta có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải tiêm phòng dại. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2013 đã có 64 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Gần đây, bệnh dại đã xuất hiện trên chó tại Sóc Sơn, Hà Nội. Chó dại đã tấn công chó nhà và người gây nguy hiểm và hoang mang cho người dân.

Để cung cấp kiến thức phòng và chống bệnh dại, chúng tôi xin giới thiệu về bệnh dại như sau:

 

1. Đặc điểm chung của bệnh

 

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm truyền lây giữa người và động vật. Bệnh đã được phát hiện ở chó, mèo, chó sói, cáo, khỉ, chồn, ngựa, lợn, trâu, bò… và người.

 

Người mắc bệnh chủ yếu là do chó, mèo dại cắn.

 

Ở nước ta, đã áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh dại cho người và vật nuôi (chó, mèo), nhưng bệnh dại vẫn còn xảy ra khá phổ biến, gây nhiều thiệt hại.

 

2. Nguyên nhân và điều kiện lây lan của bệnh

 

2.1. Nguyên nhân gây bệnh

 

Bệnh dại do Lyssavirus, thuộc họ Lyssaviridae gây ra. Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể người và động vật, di chuyển theo dây thần kinh vận động vào tủy sống và lên não, phá hoại các trung khu thần kinh trong đại não, gây ra trạng thái điên dại ở động vật và người, do đó người ta gọi virus dại là virus hướng thần kinh.

 

Khi người, động vật mắc bệnh, đặc biệt là trước khi có triệu chứng dại từ 8 - 14 ngày, virus đã xuất hiện ở tuyến nước bọt, bệnh được truyền trực tiếp sang động vật khỏe và người qua vết thương (cắn, liếm), truyền gián tiếp khi người, động vật có vết thương hở tiếp xúc với môi trường, dụng cụ dính dãi, nước tiểu chứa virus dại.

 

Thời gian từ khi động vật và người bị chó dại cắn đến khi phát bệnh dại gọi là thời gian ủ bệnh. Vết cắn càng xa thần kinh trung ương thì thời gian phát bệnh càng lâu và ngược lại. Thời gian ủ bệnh cũng phụ thuộc vào từng loại động vật: chó trung bình 25 ngày, mèo trung bình 20 ngày, thỏ trung bình 18 ngày, trâu, bò: 30 ngày, lợn: 20 ngày. Riêng người, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 40 ngày.

 

2.2. Điều kiện lây lan bệnh

 

Động vật cảm nhiễm: hầu hết các loài động vật có vú ở các lứa tuổi đều bị nhiễm virus, phát bệnh dại và chết với tỷ lệ 100%.

 

Đường lây truyền: virus dại xâm nhập qua vết thương ngoài da (cắn, liếm) đến thần kinh vận động trong tổ chức cơ, đi về tủy sống, rồi lên não, phá hoại tổ chức đại não và gây hội chứng điên loạn hoặc bại liệt toàn cơ thể.

 

Ở châu Mỹ, dơi hút máu động vật, tàng trữ và truyền virus dại cho các loài vật nuôi và người khi chúng hút máu.

 

Mùa bệnh: bệnh xảy ra quanh năm ở những vùng có lưu hành bệnh dại, nhưng bệnh thường phát thành dịch ở chó nuôi và các thú ăn thịt hoang dã vào cuối mùa xuân và mùa hè.

 

3. Triệu chứng của một số loài động vật và người bị bệnh dại

 

3.1. Ở chó

 

Ở chó có hai thể bệnh rõ rệt:

 

* Thể điên cuồng

 

Khi phát bệnh, chó lên cơn điên dữ dội: mắt đỏ ngầu, sùi bọt quanh miệng, mất khả năng nhận biết, hoảng loạn, lao vào mọi người kể cả chủ và các động vật khác để cắn xé dữ dội. Thời kỳ này, chó bỏ ăn hoặc nhai nuốt tất cả vật gì mà nó gặp trên đường đi. Chó sủa có tiếng khàn khàn hoặc hú lên từng hồi ghê rợn, khắc hẳn với trạng thái bình thường. Vài ngày sau đó, chó bỏ nhà đi hoặc sợ ánh sáng, tiếng động nên rúc đầu vào bờ bụi, xó tối và chết trong trạng thái gầy rạc, kiệt sức, bại liệt, rất bẩn. Thể bệnh này diễn biến từ 2 – 5 ngày, chó chết với tỷ lệ 100%.

 

 

 

* Thể bại liệt

 

Chó có trạng thái bất thường, ngơ ngác, bồn chồn, ăn ít hoặc bỏ ăn, sau đó chó sợ ánh sáng, tiếng động nên lặng lẽ chui vào xó tối nằm im, do đó còn gọi là “thể dại im lặng” hoặc “thể dại câm”, ngược lại với thể điên cuồng.

 

Vài ngày sau, chó bị liệt chân, liệt hàm, không thể há mồm ra được nhưng nước dãi vẫn chảy quanh miệng. Sau khi phát bệnh từ 3 – 5 ngày, chó chết 100% trong trạng thái bại liệt hoàn toàn.

 

Thể này rất nguy hiểm vì khó chẩn đoán bệnh nên chủ vẫn chăm sóc chó, chó vẫn có thể cắn gia chủ trong mấy ngày đầu, hoặc tay, chân có vết thương hở tiếp xúc với dãi chó bệnh. Thể bại liệt chiếm 20 – 30% số chó bị bệnh dại.

 

3.2. Ở mèo

 

Mèo là vật nuôi gần gũi với người, cũng hay mắc bệnh dại và truyền bệnh dại cho người. Mèo mắc bệnh dại cũng ở hai thể: thể điên cuồng và thể bại liệt giống như chó, nhưng thể bại liệt chỉ chiếm khoảng 15%.

 

* Thể điên cuồng

 

Vài ngày đầu, mèo có những hành động bất thường: ngơ ngác, giật mình sợ hãi ngay cả với những tiếng động nhỏ, đi lại không yên, kêu gào dữ dội, sùi bọt mép, cắn xé động vật khác và người một cách điên dại. Giai đoạn kết thúc mèo cũng bỏ đi hoặc chết trong trạng thái kiệt sức và bại liệt với tỷ lệ 100%.

 

* Thể bại liệt

 

Cũng như ở chó, mèo sợ ánh sáng, tiếng động nên chui vào nằm lặng lẽ trong một xó tối, không ăn uống, không kêu gào và chết trong trạng thái bại liệt toàn thân.

 

3.3. Ở trâu, bò, ngựa, dê

 

Trong tự nhiên, trâu, bò, ngựa, dê đều mắc bệnh dại, thường chỉ quan sát thấy thể dại điên cuồng, ít thấy thể bại liệt. Những động vật này bị dại cũng lên cơn điên, kêu rống lên, nhảy chồm và tấn công các động vật khác và người.

 

3.4. Ở người

 

Người mắc bệnh dại chủ yếu là thể điên cuồng, ít thấy thể bại liệt.

 

Khoảng 7 - 10 ngày trước khi lên cơn, người bệnh thể hiện các trạng thái bất thường: ngồi đứng không yên, hồi hộp, lo lắng, không ngủ được, ngơ ngác và ăn ít. Sau đó, người bệnh sợ ánh sáng và tiếng động, lên cơn điên loạn, mất hết các tri giác, la hét dữ tợn, lao vào cắn xé những người xung quanh và tự cắn xé, đập phá. Không ăn uống vì mất tri giác và liệt cơ họng, thực quản, cơ hàm dưới, cuối cùng người bệnh chết trong trạng thái quằn quại, sợ hãi và liệt cơ thể. Bệnh tiến triển từ 3 đến 6 ngày.

 

4. Chẩn đoán

 

- Chẩn đoán lâm sàng: căn cứ vào các triệu chứng điên dại hoặc bại liệt của động vật, đặc biệt là chó nhà và mèo nhà.

 

- Chẩn đoán phòng thí nghiệm: có thể làm tiêu bản cắt lát mỏng não của động vật nghi bị bệnh, nhuộm và tìm thể Negri để xác định bệnh.

 

Phương pháp huỳnh quang kháng thể (FA) trên não tươi của động vật, tỷ lệ phát hiện bệnh rất cao và sớm.

 

Tiêm động vật thí nghiệm: tiêm huyễn dịch bệnh phẩm là nước dãi động vật mắc bệnh cho chuột bạch.

 

5. Biện pháp phòng chống bệnh dại

 

5.1. Đối với người

 

* Tiêm vắc xin phòng dại

 

Hiện nay, có nhiều loại vắc xin phòng bệnh dại cho người và động vật.

 

Tiêm vaccin cho những người có nguy cơ cao hơn bình thường vì lý do nghề nghiệp như nhân viên thú y, kiểm lâm, huấn luyện thú, nhân viên một số phòng thí nghiệm, và những người sống hoặc đi đến vùng có bệnh dại lưu hành.

 

* Xử lý khi bị chó, mèo cắn

 

Rửa sạch vết cắn nhiều lần với xà phòng đặc hoặc các chất tẩy rửa khác, rửa vết thương dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút, lấy bỏ hết dị vật và mô dập nát sau đó rửa bằng nước muối 9%, bôi chất sát khuẩn như cồn 70o, cồn Iốt…. Không khâu kín da hoặc băng quá kín. Dùng kháng sinh phòng nhiễm trùng vết cắn. Đề phòng uốn ván bằng huyết thanh kháng độc tố (SAT) và vaccin (Tetavax). Đến cơ sở y tế khai báo để được tư vấn.

 

Theo quy định của Bộ Y tế, ta phải theo dõi con chó hoặc con mèo cắn người trong thời gian 10 - 15 ngày. Nếu: con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại, vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ; có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu; không theo dõi được con vật; tại nơi bị cắn có súc vật bị dại thì người bị cắn phải kịp thời đến Trạm y tế gần nhất khai báo và tiêm vắc xin chống dại. Đối với người già, phụ nữ có thai, người bị bệnh mãn tính, cần có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

 

5.2. Đối với chó, mèo nhà

 

- Hạn chế nuôi chó, mèo.

 

- Định kỳ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của Thú y.

 

- Chó, mèo nuôi phải xích, nhốt.

 

- Chó ra đường phải có rọ mõm.

 

- Hạn chế tiếp xúc với chó, mèo; đặc biệt khi cơ thể có vết thương hở.

 

- Chó, mèo chết vì bệnh dại phải chôn hoặc đốt xác, vệ sinh, sát trùng môi trường.

 

* Thực hiện biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật theo thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 8 năm 2009


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online