14/01/2016 | lượt xem: 2 GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO SẢN XUẤT LÚA XUÂN 2016 Theo kế hoạch, vụ xuân 2016 toàn tỉnh sẽ gieo cấy 37.500 ha lúa các loại. Phấn đấu đạt năng suất 65-66 tạ/ha. Các giống lúa đưa vào gieo cấy chính là: Bắc thơm số 7 (BT7), Thơm RVT, Thiên ưu 8, các giống nếp 97; 87; Thơm Hưng Yên, BM9603... và lúa lai TH3-3. Toàn bộ diện tích gieo cấy trong Trà Xuân muộn tập trung chủ yếu trong tháng 2. Gieo vãi và cấy bằng mạ non gieo trên nền đất cứng là chính. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương: Vụ đông xuân năm nay miền Bắc đầu vụ ấm và hạn hán, thiếu nước gay gắt ở nhiều vùng. Nhiệt độ từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016 có xu hướng cao hơn TBNN, rét đậm, rét hại có khả năng không kéo dài, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh khoảng 4 - 7 ngày. Đây có thể là vụ sản xuất lúa xuân rất khó khăn. Vụ đông xuân ấm, cây lúa sẽ sớm đạt tổng tổng tích ôn hữu hiệu, rút ngắn thời gian sinh trưởng, làm đòng và trỗ bông sớm. Cùng với nền nhiệt cao, ánh sáng dồi dào. thúc đẩy lúa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn, dẫn đến sự tích lũy vật chất vào cây thấp, làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng. Mặt khác, thời tiết ấm cũng chính là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại nặng, như chuột, rầy, sâu cuốn lá nhỏ... Đặc biệt là bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh gây hại sớm, trên diện rộng... Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa xuân 2016, bà con nông dân cần chú ý để thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau: 1. Về bố trí thời vụ: Là vụ được dự báo ấm, ít ngày rét đậm, rét hại, tuy nhiên vẫn có thể có những đợt rét muộn xảy ra vào cuối vụ, đặc biệt xảy ra trong thời kỳ lúa trổ. Vì vậy khi gieo cấy cần bố trí thời vụ sao cho lúa trổ vào khoảng thời gian an toàn nhất (tập trung từ 05 - 15/5). 2. Về sử dụng giống: Trên cơ sở các giống đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo trong lịch cơ cấu giống và mùa vụ gieo cấy lúa xuân 2015-2016, mỗi địa phương (huyện, thành phố) chỉ nên chọn 3-4 giống lúa chủ lực. Mỗi xã chỉ nên chọn tối đa 3 giống (trừ những vùng đặc thù). Trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 1 hoặc 2 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2-3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại. Chỉ nên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 140 ngày. Hạn chế tối đa và tốt nhất là không sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dài tiêu tốn nhiều nước như: Xi23; BM9603, trừ một số diện tích cấy vàn thấp (cấy Xi23) hoặc vùng sản xuất đặc thù (nếp BM9603). Vùng sản xuất hàng hóa nên đưa các giống lúa có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất. 3. Về gieo cấy: Thực tế sản xuất lúa hiện nay vẫn tồn tại 2 hình thức gieo thẳng và gieo mạ để cấy. Để bảo đảm yêu cầu trổ tập trung và cho năng suất cao cần thực hiện tốt yêu cầu sau: - Đối với gieo thẳng: Cùng một giống thì bố trí lịch gieo sau ra mạ khoảng từ 5-7 ngày để lúa trổ cùng thời gian và chỉ gieo thưa với lượng giống lúa thuần 2-2,5kg/sào; lúa lai khoảng 1,5kg/sào. - Đối với gieo mạ cấy: Không gieo mạ vào những ngày trời rét (nhiệt độ không khí dưới 16OC). Gieo mạ phải làm vòm nilon che phủ để bảo đảm an toàn và hạn chế chuột, rầy... gây hại. - Cấy mạ đúng tuổi (đủ số lá quy định) và chỉ cấy vào những ngày nhiệt độ không khí trên 16OC. Cấy thưa và cấy 1-2 dảnh đối với lúa lai, 2-3 dảnh đối với lúa thuần. 4. Về chăm sóc - Tưới nước: Cần thực hiện tưới nước tiết kiệm, áp dụng phương pháp tưới “nông - lộ - phơi”, ưu tiên nước tưới cho lúa vào thời kỳ cần thiết như đẻ nhánh, phân hóa đòng và trổ. Cụ thể, từ khi cấy đến khi kết thúc đẻ phải luôn duy trì lượng nước láng mặt ruộng. Sau bón thúc lần 1 khoảng 5 ngày tiến hành tháo cạn hoặc không cần tưới bổ sung, chỉ cần giữ cho ruộng đủ ẩm, chỉ tưới khi mặt ruộng khô nẻ. Từ khi cây lúa phân hóa đòng đến chín sáp, cần giữ mực nước trên ruộng khoảng 3-4cm. Trước thu hoạch 15 ngày tháo cạn nước để thuận lợi cơ giới hóa khâu thu hoạch. - Làm cỏ: Tốt nhất làm cỏ bằng tay hoặc sử dụng các công cụ làm cỏ để đảo bùn tạo thêm oxy cho lúa phát triển, kết hợp dặm tỉa lúa bảo đảm mật độ đồng đều trên ruộng. Nếu sử dụng thuốc trừ cỏ (đối với lúa gieo thẳng thì sử dụng nhóm thuốc tiền nảy mầm hoặc tiền nảy mầm sớm; đối với lúa cấy sử dụng nhóm thuốc trừ cỏ cho ruộng cấy), nhưng phải đảm bảo kịp thời không để cỏ mọc quá tốt mới phun thuốc, vừa kém hiệu quả, vừa cạnh tranh dinh dưỡng với lúa. - Bón phân: Cần căn cứ vào nhu cầu thâm canh của từng giống và đặc điểm đất đai của từng vùng để xác định lượng phân bón và từng thời kỳ bón phân cho phù hợp, đảm bảo bón đúng, bón đủ và cân đối các loại dinh dưỡng với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tăng cường sử dụng phân bón vi sinh, phân từ hầm khí biogas... Dùng vôi bột xử lý đất ban đầu ngay thời kỳ làm đất đổ ải để cải tạo đất và diệt một số mầm bệnh trong đất. Tập trung sử dụng phân bón NPK. Bón lót sử dụng NPK 16- 16-8. Bón thúc bằng các loại NPK có hàm lượng giàu Kali như 10-5-12 TE, 15:5:20... để lúa sinh trưởng khỏe, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao. 5. Về phòng trừ sâu bệnh: Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, công tác bảo vệ thực vật phải được coi trọng và làm tốt ngay từ đầu vụ: - Đầu vụ: Tập trung diệt chuột bằng các hình thức như huy động các lực lượng đào bắt chuột, dùng bẫy chuột, những vùng có điều kiện thì sử dụng các loại thuốc diệt chuột sinh học hoặc hóa học để tổ chức diệt chuột đồng loại (diệt chuột đầu vụ là hiệu nhất có tác dụng cho cả vụ). - Trên ruộng mạ: Làm vòm nilon che phủ để hạn chế chuột phá hại. - Sau gieo cấy: Diệt chuột trước lúc lúa làm đòng là tốt nhất (sử dụng thuốc sinh học hoặc hóa học) cho những khu vực có nhiều chuột. - Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đặc biệt chú ý bệnh đạo ôn lá ngay từ trên ruộng mạ và sau khi cấy lúa khoảng giữa tháng 2 trở đi để phun trừ dứt điểm, không cho lây lan diện rộng. - Chú ý nhiều hơn đến các vùng thường bị bệnh đạo ôn của các năm trước và các giống mẫn cảm với bệnh như BT7, Xi23, nếp các loại, để có kế hoạch phòng trừ sớm. 6. Về liên kết phát triển sản xuất: Nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân các địa phương căn cứ vào kế hoạch thực hiện cánh đồng lớn của tỉnh, tiêu chí và chính sách tại Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Chính phủ và Thông tư 15/2014/TT-BNNTPNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để kêu gọi các doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng sản xuất "Cánh đồng lớn" với nông dân. Trên các vùng sản xuất theo "Cánh đồng lớn" gieo cấy cùng loại giống, tạo điều kiện cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tổ chức liên kết chặt chẽ nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững./.
Báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng Ngân sách Nhà nước cúa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên
Kết quả thực hiện mô hình thâm canh áp dụng kỹ thuật làm sớm thời điểm thu hoạch của vải lai chín sớm tại huyện Phù Cừ
Kết quả thực hiện Đề tài Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và dải vụ thu hoạch trên giống vải lai tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Báo cáo tình hình thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và dải vụ thu hoạch trên giống vải lai tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên” Tháng 9/2021